123, Example Street, City 123@abc.com 123-456-7890 lasantha.wam

hạnh phúc trổ mầm từ phía cô đơn...

mặt trời vẫn chiếu sáng ngay cả khi cơn bão có vẻ đang kéo dài đến bất tận...

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2022

Khuyến khích, phát triển đọc sách trong cộng đồng...

 Ngày 24.2.2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21.4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Ngày Sách nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

 Vấn đề đọc sách và lan tỏa việc đọc sách nhận được nhiều sự quan tâm của những người làm công tác văn hóa, giáo dục và người yêu sách.

1.

Đề cập đến vấn đề đọc sách hiện nay của người trẻ, nhà văn Nguyễn Đặng Thùy Trang bày tỏ: Hiện nay, tôi thấy có xu hướng chuyển từ sách giấy sang sách điện tử và các trang mạng xã hội. Sự thay đổi của đời sống công nghệ kéo theo người đọc có thêm nhiều lựa chọn. Tuy vậy, đọc sách giấy vẫn có cái hay của nó bởi sự trầm tĩnh cần thiết. Và phải nhìn nhận thực tế rằng, giới trẻ hiện nay rất ít đọc sách. Tôi nghĩ, một trong những nguyên nhân chính là do hiện nay các em tiếp xúc nhiều các mạng xã hội. Nếu có sự điều chỉnh của phụ huynh và có những chương trình gây hứng thú với các em hơn, xây dựng hình ảnh đọc sách, đọc sách giấy nhiều hơn, chắc sẽ có tác dụng thúc đẩy việc đọc hiện nay.

 Các đại biểu xem sách tại Ngày sách Việt Nam tổ chức tại Vĩnh Thạnh năm 2021. Ảnh: VÂN PHI

Về vấn đề người đọc, TS Châu Minh Hùng, giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn, thẳng thắn nhìn nhận: Ngay trong giới có học và giới hàn lâm không phải ai cũng chịu đọc, có sức đọc. Cho nên nhiều tri thức được sản xuất ra lại không được tiêu thụ một cách phổ biến. Đó là nói tri thức tích cực, khai phóng chứ không nói đến tri thức cũ kỹ, nhàm chán, giáo điều. Riêng với cách dạy và học như hiện nay, việc đọc-với người dạy là đối phó với công việc, còn với sinh viên là đối phó với các kỳ thi. Động lực đọc sách hầu như không có. Nhiều giảng viên than phiền sinh viên hiện nay lười đọc sách. Tôi phải bật cười, và đặt câu hỏi, rằng chắc gì giảng viên đã chăm đọc sách. Tôi biết chắc nhiều giảng viên chỉ biết đọc và nhai đi nhai lại các giáo trình cũ kỹ. Thầy như vậy, sinh viên chịu khó đọc giáo trình cho là may rồi!.

2.

Ở Bình Định, với mong muốn lan tỏa văn hóa đọc, nhiều cá nhân, tổ chức đã có những hoạt động cụ thể, thiết thực tạo xúc tác việc đọc và xây dựng thói quen đọc sách trong cộng đồng. Anh Trần Xuân Nhất, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Bình Định, cho hay: “Thư viện tỉnh đang tích cực thực hiện và triển khai kế hoạch quan trọng của UBND tỉnh là chuyển đổi số trong ngành Thư viện, phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng giai đoạn 2020-2025 và định hướng 2030 trên địa bàn tỉnh! Thư viện kết hợp nhiều hình thức để lan tỏa việc đọc và góp phần xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng”.

“Người trẻ hiện nay bị can dự quá nhiều từ những tiện ích mạng, những trò giải trí mang tính chớp nhoáng hời hợt. Tôi muốn lan tỏa tình yêu đọc sách, ít nhất là cho các học trò của mình. Để nhen lên tình yêu đọc sách cho học sinh, đầu tháng 4.2021, trường chúng tôi cho vận hành thư viện sách Learning Commons. Đây là hình thức thư viện tạo một không gian học tập mang tính cộng đồng, là nơi mà người đọc có thể tụ họp lại, nghiên cứu có định hướng, học tập và thư giãn, nơi mà cán bộ thư viện cùng với chuyên viên thông tin có thể phục vụ hiệu quả và hội nhập với cộng đồng quốc tế. Trường cũng dành một không gian cho sách văn học, lịch sử, văn hóa địa phương nhằm giúp các em có thêm điều kiện hiểu nhiều hơn về quê hương mình”

Thầy DƯƠNG VĂN MINH, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Quy Nhơn

Theo anh Nhất, đến hiện tại, Thư viện tỉnh đã xây dựng được 72 tủ sách, thư viện cấp cơ sở, trong đó phát triển cả thư viện ở các đồn biên phòng. Thư viện tỉnh còn phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức các hoạt động nhằm thúc đẩy văn hóa đọc như phối hợp với Trại giam Kim Sơn (Bộ CA) phát động phong trào đọc sách và tổ chức các cuộc thi giới thiệu sách như Kể chuyện theo sách, Viết cảm nhận về sách… thu hút hàng nghìn phạm nhân tham gia; phối hợp với Hội nông dân tỉnh mở thư viện các HTX nông nghiệp…

Đặc biệt, hình thức xe thư viện lưu động được Thư viện tỉnh triển khai từ năm 2019 đến nay mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Xe thư viện lưu động được hỗ trợ từ Dự án ô tô thư viện lưu động đa phương tiện “Ánh sáng tri thức” của VụThư viện (BộVH-TT&DL) và Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup). “Từ năm 2019 nay, xe thư viện lưu động tổ chức nhiều chuyến xe phục vụ học sinh ở 15 điểm trường, hầu hết là trường tiểu học, THCS ở vùng sâu, vùng xa. Mỗi điểm trường, xe phục vụ 3 đợt/năm. Đồng thời kết hợp tổ chức nhiều hoạt động vui chơi cho các em như vẽ tranh theo chủ đề, tô màu, đố vui có thưởng. Ngoài ra, Thư viện tỉnh còn tư vấn, giúp đỡ nghiệp vụ thư viện cho một số trường học, hỗ trợ cài đặt phần mềm quản lý thư viện…”, anh Nhất tâm sự.

3.

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều người thờ ơ với việc đọc sách là từ nhỏ không được rèn luyện thói quen đọc sách. Và điều dễ nhận thấy, chương trình giáo dục khá nặng như hiện nay khiến trẻ em không có thời gian và tinh thần để đọc gì thêm ngoài sách giáo khoa. Bên cạnh đó, trong các nhà trường, hầu như chưa có tiết đọc sách trong phân môn giảng dạy. Một cách nghiêm túc cần phải khẳng định rằng, đọc như là sự tái thiết ngôn ngữ chủ quan của người đọc trên nền văn bản khách quan. Mọi diễn giải đều có tính lịch sử, tức cách hiểu của từng thời đại, từng lứa tuổi, trình độ. Và cách đọc của cá nhân gắn liền với một “cộng đồng diễn dịch” nhất định.

Như vậy, hiểu luôn là cách hiểu khác với văn bản đã có. Điều đó không làm nghèo đi mà làm gia tăng sự giàu có về nghĩa của văn bản. Nói cách khác, việc đọc sách sẽ làm giàu, bồi dưỡng giá trị trí tuệ và tâm hồn. Tuy nhiên cần lưu ý rằng đó là nói với sách chuẩn. Phải “rào thêm” như vậy là bởi chất lượng của không ít ấn phẩm chưa đạt chuẩn, có vấn đề yếu kém chuyên môn, thậm chí về tư tưởng có thể tạo nên nhiều hệ lụy.

Chính những điều này đòi hỏi người đọc phải có sự chọn lọc phù hợp. TS Châu Minh Hùng nhấn mạnh: “Sách là ánh sáng tri thức nhưng cũng có thể là bóng tối làm mê muội, lú lẫn người đọc. Muốn thoát khỏi bóng tối của nó phải đọc tích cực, nôm na là “đọc sách nhưng đừng tin vào sách” (Abraham Lincoln), tức biết phản biện tri thức để sáng tạo, khai phóng tri thức”.

VÂN PHI

P/S: Bài trên báo Bình Định.

Link: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=6&macmp=6&mabb=229711

Còn đây tiếng vọng quê nhà…

 Nhà văn Trương Văn Dân sinh năm 1953 tại Tây Sơn. Sau khi tốt nghiệp tú tài năm 1971, ông du học ở Ý và trở thành chuyên gia hóa dược. Sau gần nửa thế kỷ sống và làm việc ở nước ngoài, gần đây ông cùng vợ là nhà văn, tiến sĩ ngôn ngữ học Elena Pucillo về Việt Nam, sống tại TP Hồ Chí Minh. Ông giảng dạy bậc đại học, và viết văn.

 

Dù đi đâu, ông vẫn hoài vọng về quê nhà, luôn dành những hồi ức ấm áp về quê hương nơi góc nhỏ tim mình. Những ngày cuối năm 2021, chúng tôi có dịp được trò chuyện cùng ông, lắng nghe ông sẻ chia về sáng tác và những thân thương dành cho xứ Nẫu.

* Thưa nhà văn, dường như gần đây ông đang khá bận rộn với những tác phẩm của mình?

- Ngoài các tác phẩm mình in trước đây như tập Hành trang ngày trở lại (tập truyện ngắn, NXB Trẻ, 2007), tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa (2011), Milano - Sài Gòn đang về hay sang (2018) và một số sách dịch, gần đây, sau chuyến bay về tâm dịch Ý đầu năm 2020 thì tháng 6.2020 tôi ra mắt tiểu thuyết Trò chuyện với thiên thần. Đến tháng 10.2020, tôi đứng tên chung cùng nhiều bạn viết trong cuốn Cùng… bay về tâm dịch.

Tôi cũng vừa gửi cho một nhà xuất bản bản thảo 2 tập truyện ngắn, có lẽ sách sẽ in trong năm 2022.

* Ông có thể chia sẻ đôi điều về 2 tập bản thảo vừa rồi?

Hạt bụi lênh đênh và Nỗi đau ngọt ngào là tên hai tập bản thảo sắp in. Trong đó, Hạt bụi lênh đênh là tập truyện dịch của “con dâu Tây Sơn” - Elena Pucillo Truong. Các truyện được chọn lọc về các chủ đề v ề Phật giáo dưới góc nhìn của một người Ý sống ở Việt Nam. Ngoài ra còn có các truyện ngắn chọn lọc khác và các bài vi ết về Leonardo da Vinci, viết về Hà Nội, những suy nghĩ trong đại dịch Covid-19, các cuộc gặp bạn văn, chuyến đi làm từ thiện ở quê nhà Tây Sơn…

Về cuốn Nỗi đau ngọt ngào tản văn mà hai vợ chồng tôi in chung. Các truyện ngắn phần lớn đều có chủ đề về gia đình. Nỗi đau ngọt ngào vì gia đình là nơi êm ấm nhất nhưng nếu thiếu “tình”, thiếu sự đồng cảm san sớt, thì cũng sẽ mang lại cho ta nhiều đau khổ.

* Tôi nghe tin ông cũng vừa hoàn thành hai bản thảo tiểu thuyết?

- Đúng vậy! Tôi vừa hoàn thành bản thảo 2 tiểu thuyết trong mùa dịch Covid: Ước hẹn cuối cùng và Lỗi định mệnh. Khác với hai tiểu thuyết đã xuất bản là Bàn tay nhỏ dưới mưa và Trò chuyện với thiên thần dự báo tai họa của thế giới và đề cập đến vấn đề xã hội và toàn cầu hóa, hai tiểu thuyết mới này được viết theo lối truyền thống, nói về tình yêu nhưng tiếp cận qua các góc nhìn rất khác nhau.

Với Ước hẹn cuối cùng, câu chuyện bắt đầu từ một tình cờ của lịch sử xảy ra 8 thếkỷ trước khi 2 thanh niên đến từ 2 châu lục khác gặp nhau ở một thành phố biển tại Ý, bối cảnh là TP Milano. Tình yêu của họ là một sự hòa hợp vẹn toàn, hạnh phúc ngập tràn nhưng khổ đau cũng lắm khi chạm trán vô thường. Tiểu thuyết có nhiều đối thoại triết lý về tình yêu, về lẽ tử sinh… và đoạn kết là một tiếng sét bất ngờ, gây tranh luận và làm chấn động dư luận Ý, đến những vấn đề lớn của thời đại mà hiện nay nhiều nước trên thế giới vẫn còn đang tranh cãi.

Lỗi định mệnh lấy bối cảnh ở Bãi Mơ - một làng chài cách thành phố biển Quy Nhơn không xa. Đây là một chuyện tình muộn màng, dù “một đời chưa đủ để yêu nhau” nhưng nhờ sự đồng cảm và yêu thương, chung thủy, hai người đã dành tình yêu sâu nặng cho đ ến cuối đời. Tình yêu ấy làm cho bất kỳ ai cũng đều mơ ước.

* Bình Định xuất hiện thường xuyên trong sáng tác của ông?

- Bình Định như mạch ngầm chảy mát hồn tôi. Nơi ấy có những bè bạn ấu thơ, có ký ức một thời nghèo khó nhưng ấm cúng. Đây cũng là nơi giàu trầm tích văn hóa, con người đôn hậu nhiệt thành. Mọi thứ quện quyện trong ký ức, trong hôi hổi những hạnh ngộ hôm nay, là nguồn chất liệu dồi dào trong nhiều trang văn của tôi.

 Bình yên đầm Thị Nại. Ảnh: CÔNG TÂM

Năm 1996 tôi có viết 1 truyện ngắn Hành trang ngày trở lại. Truyện ngắn lấy bối cảnh là TP Quy Nhơn. Sau được in và làm tựa đề cho một tập truyện cùng tên. Rải rác trong các trang viết tôi có nhắc về Tây Sơn, về Bình Định. Đặc biệt là trong tiểu thuyết sắp xuất bản - Lỗi định mệnh thì có nói nhiều về lịch sử Bình Định, biển Quy Nhơn, về Gò Lăng, Phú Lạc, các món ăn đặc sản ở Phú Phong…

* Là người hoài niệm, xa nơi chôn nhau cắt rốn hẳn ông còn lưu giữ nhiều ký ức quê nhà?

- Tây Sơn ắp đầy nơi tôi nhiều kỷ niệm. Đây là nơi tôi sinh ra và lớn lên, tuổi mới lớn, biết yêu, biết làm thơ… trở thành những ký ức sâu đậm trong những ngày xa xứ. Sau này vì hoàn cảnh, tôi ít về quê hương. Còn các bạn cũ thất lạc nhiều. Tuy vậy, hơn 10 năm nay, năm nào tôi cũng cố gắng thu xếp về, vui gặp bạn cũ. Tôi thường về vào tháng 7, vì lễ Vu Lan năm nào cũng tháp tùng gia đình đi làm từ thiện.

Lúc còn ở Ý, vợ chồng tôi có tham gia hoạt động trong QTT - Quỹ tương trợ người Việt tại Ý - thành lập 2002 bởi sự gợi ý của 6 sáng lập viên nhằm quy tụ người Việt định cư tại đây với mục đích hướng về quê hương Việt Nam. QTT hoạt động chủ yếu tại 3 lãnh vực: Từ thiện, văn hóa, xã hội. Tính đến 2010 thì QTT đã cấp khoảng 1.000 học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo ở Việt Nam, đã xây dựng lại trường Tây Thuận (Tây Sơn, Bình Định) bị đổ nát vì bão lũ, đóng góp hơn 300 triệu đồng cho các công tác từ thiện khác (cứu trợ bão lụt, giúp trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật…). Tôi có về Việt Nam thì vẫn còn nhiều bạn khác tiếp tục duy trì hoạt động của QTT. Tôi mong quỹ sẽ còn hoạt động dài lâu đểhỗ trợ phần nào đó cho những người, những nơi cần sự giúp đỡ.

* Những ngày cuối năm, ai xa xứ hầu như đều chung tâm trạng bùi ngùi nhớ tết quê?

- Tôi cũng không ngoại lệ. Xa quê từ năm 1971, mãi đến năm 2009 tôi mới về lại Việt Nam. Cũng ngót nghét 40 năm mới lại đón cái tết truyền thống quê hương, không khí tết, cách đón tết, phong tục… mọi thứ đều đã ít nhiều khác xưa. Nhưng tết đến luôn làm mình xúc động dù thời đại đã khác. Sau năm 2009, thì tôi về nhiều lần. Lần nào về, cũng nôn nao. Dù đã có nhiều thay đổi, nhưng tết quê người Việt chúng ta vẫn mang những đầm ấm sum vầy.

Điều may mắn là vợ tôi cũng rất thích về Việt Nam, phải nói là vợ tôi rất yêu mến Việt Nam. Cô ấy đã tổ chức nhiều hội thảo ở Ý về Việt Nam. Đặc biệt, còn tham gia tổ chức cả hội thảo “Tết Việt Nam, phong tục và truyền thống”. Ở Ý, những người Việt xa quê như chúng tôi vẫn đón tết cổ truyền hằng năm. Như Tết 2020, chúng tôi tổ chức tại Milano vào trưa Chủ nhật với sự hiện diện của gần 400 bạn bè Việt - Ý, các hội đoàn, thân hữu. Buổi họp mặt ngoài chương trình đoàn tụ còn có các tiết mục biểu diễn võ thuật, ca nhạc, trình diễn áo dài, giới thiệu sách, múa lân... rất ấm áp, hoành tráng.

Bản thân tôi, vẫn luôn mong được đón tết cổ truyền trên chính quê nhà. Đi là đểtrở về, chúng tôi cũng luôn mong muốn có dịp về thăm lại Tây Sơn, các nơi ở Bình Định. Chính vì vậy, hai vợ chồng tôi cố gắng chủ động sắp xếp đểcó thểtrở về.

* Cám ơn nhà văn về cuộc trò chuyện này. Mong yêu thương từ quê nhà sẽ luôn được ủ ấm mặc cho bao khoảng cách về địa lý. Kính chúc ông và gia đình thật nhiều sức khỏe và bình an, đón một cái tết đầm ấm, nhiều niềm vui.

VÂN PHI (Thực hiện)

P/S: Bài báo Xuân báo Bình Định.

Link: http://www.baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=46&macmp=46&mabb=225519

Dây dưa không dứt kịch, thơ…

 Bạn đọc và khán giả đã quá quen thuộc với thi sĩ, kịch tác giả tài hoa Văn Trọng Hùng. Đó là nét tài hoa của một cốt cách nghệ sĩ nghiêm cẩn với chữ nghĩa, sắc sảo và đa cảm với thế thái nhân quần. Ông nhiệt huyết với sáng tạo và như một mắc míu duyên nợ, vẫn đang từng ngày bầu bạn với cả thơ và kịch, hay nói cách khác là với chữ nghĩa.

Đọc sách. Làm thơ. Viết kịch. Với ông, đó không chỉ là một thói quen…

1. Những ai quen biết Văn Trọng Hùng đều nhận ra tinh thần tự học đáng nể của ông. Ông học rất nghiêm túc, say mê với những tri thức mới, dùng thực học để khẳng định mình. Nghe tôi hỏi, ông chỉ cười sảng khoái, bảo: “Anh quen rồi. Với lại, đọc sách giúp cho tinh thần tỉnh táo, chống được sự lão hóa não nữa”.  Có lần, nhà giáo, PGS.TS Hồ Thế Hà viết tặng ông như một ký họa chân dung: “Tôi đã thấy bóng anh đổ trên trang giấy/ Trong phòng văn khuya lạnh mưa xuân/ Ngọn bút viết và xóa/ Mái tóc buồn lõa xõa/ Nỗi niềm nhân thế còn đau…”. Sự gần gũi thân tình và tính cách hào sảng của ông dễ làm người khác cảm mến. Nhưng điều vượt lên là những giá trị mà ông để lại qua các sáng tạo nghệ thuật.

Ông Văn Trọng Hùng

Tôi tiếp cận với sáng tác của ông trước khi gặp ông. Ban đầu là thơ. Từ những bài thơ mà một người bạn lớn tuổi chia sẻ từ tập Hầu chuyện với tiền nhân với bất ngờ từ những đối thoại:“- Bà có day dứt khi nhà Lý lụi tàn tan vỡ/ Nguyên do kia cũng có từ bà?// - Thời vàng son của nhà Lý đã qua/ Không vào tay nhà Trần cũng vào tay kẻ khác// - Nếu dương trần có ngày tiếp bước/ Nỗi niềm kia bà mong ước điều gì?// - Ta mong được yêu và được làm dân dã”. Tác giả để nữ vương bộc bạch lòng mình: “Ta mong được yêu và được làm dân dã”. Đó là lời thổ lộ tự sâu kín lòng mình của Lý Chiêu Hoàng hay là chính đồng cảm của Văn Trọng Hùng với người xưa, có lẽ đều hợp lý… Cuối cùng thì phụ nữ ai cũng muốn được yêu và được sống một cuộc đời bình yên, nếu thiếu, dẫu cho đó có là nữ vương thì cuộc đời cũng chẳng vui sướng chi. Cũng từ đó còn thấy thơ của Văn Trọng Hùng tạo được kết nối với người đọc bởi cái tình nồng hậu ấm đầy.

2. Càng tìm hiểu và có dịp tiếp xúc với Văn Trọng Hùng, tôi mới hay trước Hầu chuyện tiền nhân, ông đã in ấn khá nhiều các tập thơ: Dạo khúc nhân tình (1991), Bóng trúc (2001), Đối ảnh (2006). Ngay tập thơ đầu tay, ông đã cho thấy một trách nhiệm thi sĩ khi lặn vào thế thái nhân tình, đồng cảm cùng những thân phận. Tập thơ có khá nhiều ý kiến trái chiều nhưng rồi mọi chuyện cũng qua. Thơ - với Văn Trọng Hùng là một đam mê vận vào số phận thế nên ít lâu sau, năm 2019, ông lại in tiếp tập thơ Ngửa mặt hỏi trăm năm.

 

Văn Trọng Hùng sinh năm 1954, quê ở Hoài Ân. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Văn học dân gian Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Chi hội Văn học và Chi hội Văn nghệ dân gian (Hội VHNT Bình Ðịnh).

Vẫn quen thuộc cùng những thi phẩm chắc về tứ, nét thơ phóng khoáng, hào sảng với thế mạnh về sự chiêm nghiệm, phản biện nhưng ở tập thơ mới nhất này, Văn Trọng Hùng xộc thẳng vào những điều nhức nhối: “thời gian sẽ mòn những vật chứng/ thời gian biển lại trong xanh/ Nhưng/ những vết nhơ của láng giếng hữu nghị kia/ thời gian/ xóa mãi/ không thành” (Thời gian). Thơ và thi sĩ, văn và người, đã có một nhất quán tính cách, rạch ròi yêu ghét, nặng lòng với nhân nghĩa ở đời, hướng về nhân quần.

3. Bên cạnh mảng thơ, Văn Trọng Hùng nổi bật ở mảng sáng tác kịch bản. Ông là kịch tác gia hiếm hoi hiện nay được các nhà hát nghệ thuật truyền thống săn đón kịch bản.

Lần đầu, tôi tiếp xúc với kịch của ông là vở Hồn tháp được Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định dàn dựng năm 2016. Với Hồn tháp, kịch tác gia Văn Trọng Hùng đã thể hiện nỗi trăn trở với vấn đề bảo vệ giá trị văn hóa dân tộc. Kịch bản có sự pha trộn giữa những yếu tố truyền thống của văn hóa Champa và hơi thở cuộc sống thời hiện tại. Đây cũng là lần đầu tiên việc trùng tu di tích lịch sử được đưa vào ca kịch bài chòi. Với tôi, đây là một kịch bản hay. Một vở diễn ấn tượng, tuy nhiên phần nhiều, kịch bản sân khấu của ông hướng về mảng đề tài lịch sử.

Kịch tác gia Văn Trọng Hùng (ngoài cùng bên phải) tại buổi báo cáo tổng duyệt vở diễn Hồn tháp. Ảnh: V. PHI

Ở mảng khai thác này, ông đọc và tìm hiểu cặn kẽ các sử liệu, cả chính thống lẫn nổi trôi lưu lạc dân gian. Với ông, lịch sử như là cái đinh để ông treo những ý tưởng của mình lên. Bước ra từ những vương triều hưng phế tồn vong, những nhân vật lịch sử dã sử với bao được mất, thành bại, nhân vật hay nội dung kịch bản của ông đều hiện lên sống động, vừa quen vừa lạ. Và ở mỗi số phận nhân vật, mỗi câu chuyện đều hàm chứa những thông điệp về con người, về hành pháp, về những giá trị nhân bản, gần gũi với đời thực.

4. Ông đã viết hàng chục vở kịch và hầu hết đều được các nhà hát dàn dựng và đạt giải cao như: Nước mắt diêm vương (1992), Tiết Giao trả ngọc (1993), Phong thần (1994), Đi tìm chân Chúa (1997), Anh hùng với giai nhân (viết chung với Sỹ Chức, 1999), Luận anh hùng (2003), Nhìn lại một vương triều (2011), Đêm sáng phương nam (viết chung với Đoàn Thanh Tâm, 2012), Khúc ca bi tráng (2013), Nước non cửa Phật (2016), Quan khiêng võng (2018)… Ngay từ những kịch bản sân khấu đầu tiên, Văn Trọng Hùng đã cho thấy một tư duy nghệ thuật sắc nhạy, đặc biệt là với vở Tiết Giao trả ngọc, đã giúp ông đĩnh đạc bước vào giới sáng tác kịch bản Việt Nam.

Điều đặc biệt, là ta thấy rằng trong kịch của Văn Trọng Hùng, phảng phất quen thuộc trong thơ ông, như Tiết giao trả ngọc chẳng hạn, đã thoáng chợp một rung cảm trong bài thơ Nguyệt Cô. Hay giữa thơ và kịch của ông đã có mối đồng liên, như bài thơ Gửi Lưu Bang với kịch Mộng bá vương, bài thơ Gặp Võ Tánh ở thành Hoàng Đế với kịch Khúc ca bi tráng… Nhà thơ Thanh Thảo từng nhận định xác đáng về thơ và kịch Văn Trọng Hùng: Trong thơ có kịch, trong kịch có thơ. Tôi chung nhận định ấy với tiền bối thi sĩ. Thơ và kịch của Văn Trọng Hùng có một sự ràng rịt, tương hỗ nhau. Và có khi, cảm hứng của một thể loại sáng tác này lại bật dậy ngay khi ông đang say đắm trong một thể loại sáng tác khác.

Văn Trọng Hùng vẫn đắm say với chữ nghĩa. Có khi ông nói vui: “Mỗi ngày viết một ít, vì sợ xong sớm, lại uổng…”. Nói thế, nghĩa rằng ông đang nhập tâm lắm trong kịch bản của mình. Và khi nào đó lỡ “lơ là” dứt ra khỏi kịch, ông lại đi lạc sang thơ. Có khi ông thú nhận rằng mình hay có sự “sang số” như thế. Nói rồi ông lấy ra tập bản thảo thơ chép tay, hào sảng đọc để chia sẻ cùng bằng hữu. Ông nói: “Này! Tao mới viết bài này”, rồi say sưa: “Chưa Tết phong lan đã nở rồi/ Có phải xuân về mở cuộc chơi/ Giai nhân tài tử đều đi hết/ Để lại vườn ta mấy đóa rơi”. Có một người bạn thân tình thấy ông như thế, phải bật cười sảng khoái mà ghẹo rằng: “Anh Bảy chắc còn dây dưa dài dài với thơ và kịch”. Nghe vậy, ông cười rộ: “Thiếu thơ và kịch, thì đâu còn là Văn Trọng Hùng, sẽ nhạt nhòa lắm!”.   

BÁ PHÙNG - VÂN PHI

Link: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=20&mabb=217288

Đại võ sư Lê Xuân Cảnh: “Học võ mà thành đạo”

 Bằng tâm huyết và tấm lòng với võ cổ truyền suốt hơn 30 năm qua, đại võ sư Lê Xuân Cảnh, SN 1944 ở phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn vẫn miệt mài mở lớp dạy võ tại quê hương, nhen lên tình yêu võ thuật trong lớp trẻ, góp phần gìn giữ võ cổ truyền Việt Nam.

1.Lê Xuân Cảnh đến với võ thuật từ năm 15 tuổi, từng học 3 năm với lão võ sư Lý Tường (cha của võ sư Lý Xuân Hỷ, ở TX An Nhơn), sau đó có 1 năm học roi với thầy Bảy Giáo (tên thật là Phạm Thế Giáo, ở Thanh Liêm, TX An Nhơn) và 11 năm học với thầy Bửu Thắng ở chùa Quang Hoa, tại xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Lão võ sư Lê Xuân Cảnh hồi tưởng: Hồi đó tôi nghe roi của thầy Bửu Thắng hay nên khăn gói tìm đến học. Thầy dạy nhiều chiêu thế, một trong những thế roi tôi tâm đắc nhất là “Phản mã hồi thương”, chiêu thức nhanh, uyển chuyển, đòn thế triển khai bất ngờ, hiệu quả”.

 Nghệ nhân Ưu tú, võ sư Lê Xuân Cảnh truyền dạy võ cho các môn sinh. Ảnh: NVCC

Nhiều năm liên tục ở vị thế là học trò điều mà võ sư Lê Xuân Cảnh tích lũy được quan trọng hơn cả không phải là các đòn thế mà chính là kết tinh được nhận thức tinh thần thượng võ, không được làm càn, không ỷ mạnh hiếp yếu, phải khiêm nhường, bảo vệ người lương thiện cô thế. “Tôi cố gắng chắt lọc những điểm tinh túy nhất của từng môn phái rồi hình thành bí quyết của mình để truyền dạy cho các môn sinh của mình. Sau 15 năm lặn lội “tầm sư học võ” điều tôi vô cùng tâm đắc là mình “học võ mà thành đạo”. Năm 1975, tôi quyết định mở lò dạy võ. Để tưởng nhớ người thầy dạy dỗ mình đầu tiên, ông lấy tên là võ đường Lý Xuân Cảnh. Mãi sau, tôi mới đổi về với tên của mình” - Lão võ sư bộc bạch.

2. Đến võ đường Lê Xuân Cảnh vào một chiều muộn, khi những bạn nhỏ là võ sinh của võ đường - chủ yếu là học sinh THPT ở địa phương - lần lượt đến mỗi lúc một đông. Chị Bùi Thị Lê ở Bả Canh, Đập Đá, phường Nhơn Hưng, một phụ huynh có con theo học tại võ đường Lê Xuân Cảnh, chia sẻ: “Ở võ đường này, con mình được thầy tận tâm chỉ dạy, không chỉ giúp cháu rèn luyện tốt thể lực, trang bị khả năng tự vệ mà còn là một nơi sinh hoạt lành mạnh. Những ngày hè tôi hay đưa con đến đây học”.

Lớp võ của lão võ sư Lê Xuân Cảnh thu hút khá đông võ sinh. Thường mỗi buổi tập có từ 50 - 60 em luyện tập với sự truyền dạy ân cần, tỉ mỉ của chính võ sư Lê Xuân Cảnh.

Từ võ đường của lão võ sư Lê Xuân Cảnh, nhiều em đã gặt hái được thành tích tốt, điển hình là cách đây khá lâu, nữ võ sinh Bảo Thương khi được cử đi tham gia Liên hoan Quốc tế võ thuật tại Nga, đã xuất sắc giành HCV với bài roi Bát quái. Lão võ sư Lê Xuân Cảnh cho hay: “Ngoài việc chú tâm truyền dạy các đòn thế, các bài roi, bài quyền thì nhiều năm nay võ đường cũng đã phục dựng và đào tạo đội ngũ võ sinh biểu diễn thi đấu cờ người và đào tạo các đội múa lân thể hiện võ thuật trong biểu diễn để phục vụ các dịp hội, lễ…”.

Võ đường Lê Xuân Cảnh thu hút nhiều người tìm đến theo học vì ở đây không chỉ được chỉ dạy tận tình của lão võ sư về võ thuật mà ở võ đường, các học viên còn cảm nhận được cái tình ấm áp mà người thấy lớn tuổi dành cho học trò như cháu, như con, có nhiều học trò gắn bó nhiều năm, ông không lấy học phí nữa. Nhận thấy nhiều em nổi trội, nhiều kinh nghiệm, võ sư Lê Xuân Cảnh chăm chút đào tạo nâng cao. Các em cũng phụ giúp ông trong việc rèn dạy lại cho các môn sinh lớp sau.

3. Có lần nán lại võ đường đến đêm muộn, tới khi buổi học kết thúc. Lúc ấy, vị võ sư già cùng vài phụ huynh lại lụi hụi san cát phẳng lại sân tập, chuẩn bị cho bữa tập hôm sau. Hình ảnh lão võ sư già thu dọn những thứ lặt vặt phục vụ cho việc luyện võ của các cháu với nét mặt đôn hậu khiến người khác cảm mến. Nhắc đến việc truyền dạy cho thế hệ kế cận, lão võ sư bày tỏ: “Chỉ cần là người có tố chất, có tâm huyết, chịu khó thì tôi luôn sẵn lòng truyền hết tâm huyết sở học mà mình biết, không nhất thiết là cho con cháu ruột rà. Miễn sao các học trò có thể phát huy võ cổ truyền Bình Định, giữ lại chút gì đó cho mai sau là tôi an lòng”.

Hằng năm, võ đường Lê Xuân Cảnh tổ chức cúng tổ vào ngày 17.5 Âm lịch, đây là dịp để võ đường tưởng nhớ đến những sư phụ đã truyền dạy võ nghệ, đồng thời là dịp để nhắc nhở các thế hệ môn sinh ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn di sản võ cổ truyền. Ở TX An Nhơn, võ đường Lê Xuân Cảnh là một trong những võ đường có đông võ sinh nhất. Đồng thời, đây là một trong 6 võ đường tiêu biểu được chọn để thực hiện trong chương trình bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Ðịnh gắn với phục vụ du lịch đã được UBND tỉnh thông qua. Tuy nhiên ở TX An Nhơn hiện có khoảng 20 võ đường đang hoạt động. Số lượng học viên theo học ở các lò võ chênh lệch từ vài chục đến trăm người. Hầu hết, các lò võ đều chưa có nhiều võ sinh, ngay cả những võ đường có đông thì cũng đều quanh năm. Việc gìn giữ, trao truyền võ cổ truyền vì thế vẫn chưa được như mong muốn là tâm tư của nhiều võ sư nhất là những người đã cao niên kỷ.

***

Với những cống hiến của mình, lão võ sư Lê Xuân Cảnh nhận được nhiều bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam. Năm 2015, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Năm 2016, ông được Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam cấp bằng Đại Võ sư Quốc gia. Ông cũng là một trong 4 Nghệ nhân Ưu tú của Bình Định được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân trong đợt xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ III - năm 2021.

PHONG LINH

P/S: Bài trên báo Bình Định.

Link: http://www.baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=204579

Người sưu tập tiền xu trên đất Vua

 Chỉ mới theo đuổi việc sưu tập tiền chừng 5 năm thôi, nhưng anh Lê Quốc Cường (SN 1978, ở phường Bình Ðịnh, TX An Nhơn) đã sở hữu một bộ sưu tập tiền xu đầy đặn.

.

ĐAM MÊ TỪ MỘT… MẮC MÍU

Nhắc nhớ về cái duyên đến với việc sưu tầm tiền xu, anh Lê Quốc Cường kể: “Chuyện ấy đến với mình rất ngẫu nhiên. Cách đây hơn 5 năm, khi lần đầu cầm đồng xu để xin keo, mình chợt tự hỏi, không biết bốn chữ đúc nổi trên đồng bạc ấy nghĩa là gì. Chỉ thế thôi mà mình dùng mọi thủ pháp tra trên google với nhiều câu lệnh khác nhau, mãi mới biết được hai chữ “thông bảo” - đồng tiền lưu hành thông dụng. Hai chữ còn lại phải tìm người giảng giúp. Trong quá trình tìm đọc, càng tra cứu càng thấy nảy sinh nhiều điều thú vị. Thế là đâm ra ghiền lúc nào không hay”.

Đồng xu Thiên Hưng thông bảo trong bộ sưu tập của anh Lê Quốc Cường

Tiền xu Việt Nam được sản xuất từ các chất liệu như nhôm, đồng, kẽm, sắt hoặc hợp kim; là phương tiện thanh toán phổ biến từ những năm giữa thế kỷ thứ X đến đầu thế kỷ XXI. Tiền xu Việt Nam được phát hành lần đầu vào giữa thế kỷ thứ X, thời kỳ nhà nước Ðại Cồ Việt dưới thời vua Ðinh Tiên Hoàng. “Ở thời phong kiến, gần như cứ mỗi ông vua lên ngôi, triều đình lại cho phát hành một loại tiền mới. Và nhiều khi, chỉ thay đổi niên hiệu, vua cũng cho phát hành tiền”, anh Cường chia sẻ.

Muốn trực tiếp cầm nắm, săm soi từng đồng xu cũ, anh cố công đặt mua tiền xu từ nhiều kênh khác nhau, có lúc phải đến tận nơi để trực tiếp giám định. Dần dần anh thấy những đồng “thông bảo” quả thật phản ảnh một phần lịch sử nên nhen nhóm ý tưởng sưu tầm đủ bộ tiền các triều đại Việt Nam. Anh tham gia vào các hội nhóm tiền cổ trên mạng; các chuyên gia thấy anh đam mê nên tận tình chỉ bảo và giới thiệu nhiều nguồn tài liệu để tham khảo. “Nghề chơi cũng lắm công phu, muốn sưu tập xu thì ít ra cũng phải có nền tảng về tiền cổ. Bởi vậy, mình phải tự trang bị các kiến thức về tiền xu và lịch sử, rồi mày mò tự học chữ Hán”, anh Cường thổ lộ.

Bộ sưu tập tiền xu của anh Lê Quốc Cường hiện gần như đầy đủ các loại tiền xu của Việt Nam từ thời vua Đinh Tiên Hoàng đến triều Nguyễn, cả tiền Đông Dương đến tiền Việt Nam thời hiện đại. Mỗi lần đến căn nhà anh tại phường Bình Định, tôi lại được anh giới thiệu cặn kẽ từng loại xu một, từng câu chuyện gắn liền với lịch sử đồng xu ấy. Thích thú và say mê. Anh thổ lộ: “Để chăm chút cho phòng trưng bày tiền xu, mình phải tự tay sắp xếp các không gian trong phòng, lắp 3 tủ kính lớn để trưng bày tiền xu theo thứ tự các triều đại”.

Cầm một đồng xu cổ đã lên ten xanh, ngắm nghía một hồi lâu anh chỉ rõ từng đường vân, từng dấu chữ và cả cái nét xưa cũ như phủ lên đồng xu nhỏ lọt thỏm trong lòng bàn tay. Đó là đồng xu Thiên Hưng thông bảo (1459 - 1460), một trong số những đồng xu đẹp, hiếm mà anh rất thích. Tiền Thiên Hưng thông bảo do vua Lê Nghi Dân, vị hoàng đế thứ 4 của nhà Hậu Lê cho đúc và đặt tên theo niên hiệu Thiên Hưng của mình. Lê Nghi Dân tại vị 1 năm, nên đồng Thiên Hưng thông bảo không nhiều.

Anh Lê Quốc Cường giới thiệu đến bè bạn các loại tiền xu mình sưu tập.

TRUYỀN CẢM HỨNG YÊU LỊCH SỬ NƯỚC NHÀ

Nói đến yếu tố “đẹp” của tiền xu, anh Cường phân tích: “Xu đẹp có nhiều tiêu chí. Thứ nhất là xu có ten nguyên bản. Nếu tẩy rửa thì xu mất 2/3 giá trị. Màu ten đẹp như xanh ngọc, như ten silicat, ten đỏ tím. Thứ hai là rõ chữ. Thứ ba không bị trầy, rỗ mặt xu, tròn vành sắc cạnh, hai mặt đều đẹp”.

Phòng trưng bày bộ sưu tập tiền xu của anh mở ra một không gian xưa cũ, đầy hoài niệm. Trên kệ sách ở thư phòng, ngoài một số sách lịch sử, còn nhiều loại sách dành cho người có niềm đam mê sưu tập tiền. Điểm đặc biệt trong bộ sưu tập tiền xu của anh Cường, là anh tập hợp trọn bộ tiền của nhà Tây Sơn từ tiền Thái Đức thông bảo do vua Thái Đức Nguyễn Nhạc phát hành đến Quang Trung thông bảo, Quang Trung đại bảo của vua Quang Trung, và Cảnh Thịnh thông bảo - do vị vua cuối cùng của nhà Tây Sơn cho đúc và phát hành. “Đặc biệt, có loại tiền xu được nhà Tây Sơn chế ra không phải để lưu thông như tiền tệ thông thường mà chỉ để gửi sang nhà Thanh bên Trung Quốc, ngầm tỏ bày sự tự cường, kiêu hãnh dân tộc trong bang giao. Ấy là đồng Quang Trung thông bảo, mặt lưng có hai chữ “An Nam”. Mình sưu tầm tiền xu thời Tây Sơn với mong muốn giữ gìn một phần di sản của triều đại Tây Sơn và vì lòng kính ngưỡng Hoàng đế Quang Trung!”, anh Cường tâm sự.

Những ngày cận Tết đến nhà anh, bên ly trà ấm, chúng tôi chia sẻ nhiều với nhau. Anh tặng tôi một đồng xu cũ của triều Tây Sơn làm kỷ niệm. Rồi anh nồng nhiệt tỏ bày: “Năm ngoái, mình dùng tiền xu như một món quà lì xì ngày Tết, mọi người thích thú lắm. Năm nay, mình cũng sẽ lì xì một số bạn bè tiền xu này để chia sẻ niềm vui với mọi người. Mình nghĩ thú vui sưu tập đã nhen lên tình yêu lịch sử dân tộc mình. Hồi phổ thông mình học lịch sử thường lắm, nhưng nếu bây giờ mà học lại chắc chắn mình sẽ rất khá. Vì vậy với thú vui sưu tập, mình rất muốn con trẻ có thêm cảm hứng yêu thích, ham tìm hiểu sử Việt”.

Người trong giới sưu tập thường hay kín tiếng, đặc biệt là sưu tập tiền. Họ tìm đến việc sưu tập như một thú vui, để từ những hiện vật mà mình sở hữu có thể lặng lẽ chia sẻ với nhau những phát hiện thú vị. Anh Cường nói, có khi mình săm soi cả ngày một đồng xu, rồi lại lụi hụi tra cứu kỹ lưỡng về lịch sử đồng xu, nó ở niên đại nào, do ông vua nào đúc. Mỗi đồng xu đều gắn liền với một giai đoạn lịch sử nước Việt, ghi dấu ấn những thịnh suy một thời. Sưu tập đồng xu, cũng là cách để mình tìm hiểu sâu hơn lịch sử, trân trọng những giá trị của người xưa.

NGÔ PHONG

P/S: Bài trên báo Bình Định, 25.01.2021

Link: http://www.baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=46&macmp=46&mabb=164876

Yă Xuâng nữ nghệ nhân hơ mon cuối cùng...

Trò chuyện với tôi, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh tiếc nuối: Giờ người có thể hát, kể hơ mon ở Vĩnh Thạnh này chỉ còn đôi, ba người; trong đó, đặc biệt nhất là nữ nghệ nhân Yă Xuâng (tên thật là Ðinh Thị H’Lên, SN 1936 ở làng K2, xã Vĩnh Sơn) - người hát, kể hơ mon hay nhất, nhuần nhuyễn nhất và nắm giữ nhiều bài hơ mon nhất...

NNƯT Yă Xuâng hát kể hơ mon như một món quà tặng khách phương xa.

Yă Xuâng là nữ nghệ nhân Bana duy nhất ở Vĩnh Thạnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT). Giữa cái lạnh se sắt, tôi lên Vĩnh Thạnh. Đến làng K2 xong, còn phải đi một thôi đường núi hơn 10 km gập ghềnh dốc đồi, đất nhão nhịt, trơn trượt mới tới nơi. Nhưng bù lại, khi đến nơi, ai cũng thích thú bởi nhà của Yă Xuâng lọt thỏm trong một thung lũng nhỏ vắng, giữa những thửa ruộng lúa nước long lanh, bình yên.

Giọng hơ mon trong thung vắng

Có lẽ rất lâu rồi cũng chưa ai ghé thăm nên khi thấy chúng tôi, bà khá bất ngờ. Mời khách vào nhà sàn, chêm thêm củi vào bếp, nhắc đến hơ mon, bà cời lại than cho hơi ấm lan tỏa, xua đi cái lạnh, giọng thật ấm, bà kể: “Ngay từ khi còn nhỏ, tầm mười hai mười ba tuổi tôi có theo cha mẹ lên thăm người thân ở K’bang, tỉnh Gia Lai và nghe họ hát hơ mon rất cuốn hút. Vì cứ muốn nghe rồi lại cứ muốn nghe thêm nữa, tôi xin mẹ cha nhiều lần lên xuống để học cho được bài hơ mon. Tôi học hơ mon thuận lợi vì ngoài họ hàng ở K’bang, cha tôi trước đây cũng là một người hát hơ mon rất hay. Tôi cứ học mỗi người một ít như vậy, rồi nhẩm tính lại cũng gần hai mươi trường ca hơ mon”.

 

Hơ mon còn được gọi là sử thi hay trường ca Bana được trình bày dưới dạng hát, kể với những làn điệu âm nhạc có ngữ điệu, sắc thái, cường độ thay đổi linh hoạt theo mạch kể của câu chuyện. Hơ mon thể hiện xen kẽ văn vần với văn xuôi. Và thường, đề tài chủ yếu mà hơ mon hướng đến là về những người anh hùng.

Suốt nhiều năm nay, Yă Xuâng ở trên nhà rẫy, hai vợ chồng già bầu bạn cùng nhau. Hằng ngày chăm vườn mì, nuôi đàn gà, nấu rượu ghè. Khi trước, lâu lâu nhớ con cái, hai vợ chồng Yă Xuâng lại lụi hụi đi bộ về làng. Giờ tuổi cao sức yếu, cứ mười hôm nửa tháng thì con cái lại lên đón. Hơ mon phải có người nghe, phải đông khán giả, mà những năm nay, bà “ở ẩn” nơi thung vắng lời hơ mon cũng lặng về phía ngày cũ. Nghĩ vậy, nên tôi thắc mắc: “Yă vẫn còn hát hơ mon chứ?”. Bà cười hiền khô: “Còn chứ! Có khi, những đêm ngồi bên bếp lửa đỏ nhà sàn một mình, tôi lại hát. Nhưng giờ già yếu rồi, hát một đoạn ngắn thôi bất kỳ mà mình nhớ, chứ không hát đủ hết được như xưa nữa”.

Nói đoạn, bà lại nhóm thêm củi vào bếp, rồi bà cất lời. Tiếng hát dìu dặt, say mê. Bà bảo, hơ mon người Bana hay kể lại những câu chuyện tình yêu lứa đôi tuổi trẻ, những chuyện anh hùng giữ đất giữ làng đánh đuổi kẻ xâm lấn, có khi hơ mon kể lại những chuyện gần gũi như chuyện đi thăm bà con, đi thăm rẫy, vào rừng… Bản thân bà biết nhiều bài hơ mon như Prăng Cắt, Mung Mol, Chum Chrai, Chom Proông… Nhiều năm trước, có bài hơ mon đã được nhà nghiên cứu Hà Giao ghi lại. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ vốn hơ mon mà Yă Xuâng đang giữ.

Phải hiểu, phải yêu thích mới muốn giữ lại

Nhắc đến nghệ nhân Yă Xuâng, Nghệ nhân Nhân dân Đinh Chương chia sẻ: “Ngày trước, tôi cũng nhiều lần được nghe Yă Xuâng hát hơ mon. Tiếng hát của bà rất cuốn hút. Mọi người già trẻ quây quần bên bếp lửa nhà sàn nghe bà say sưa. Những đứa trẻ nằm trên tay những người mẹ ngủ lúc nào không hay, nhưng người lớn thì khác. Nghe Yă Xuâng hát kể hơ mon càng nghe càng thích, càng tỉnh”.

Hơn 5 năm nay, vì tuổi cao sức yếu nên Yă Xuâng không thể tiếp tục truyền dạy hơ mon nữa. Bà thổ lộ: “Hơ mon chủ yếu được truyền lại bằng phương thức truyền miệng. Khó học lắm. Vì dài, khó nhớ. Hồi trước có người theo học một thời gian rồi thôi. Họ bảo khó, học hoài mà không hát, không kể thành bài được. Những người trẻ bây giờ cũng ít ưng hơ mon. Họ tìm đến những thứ hiện đại khác. Hơ mon thuộc về cái xưa cũ của ông bà, nó quý nhưng phải hiểu, phải yêu thích mới thấy nó có giá trị, muốn giữ lại. Mỗi thời một khác mà. Nhưng vẫn cứ thấy tiếc tiếc…”. Với những đóng góp của mình, nghệ nhân Yă Xuâng được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian năm 2007. Năm 2015, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNƯT.

Gần cả cuộc đời sống với hơ mon, điều mà lâu nay Yă Xuâng chưa nguôi trăn trở, là trong bối cảnh cuộc sống có nhiều biến đổi, nhiều giá trị văn hóa cổ truyền trong đó có hơ mon đang dần bị lãng quên, mai một, không tránh khỏi nguy cơ sẽ mất đi mãi mãi. Và dường như, đó cũng là niềm khắc khoải chung của các nghệ nhân lớn tuổi tại Vĩnh Thạnh mà tôi tiếp xúc.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh, tâm sự: “Những nghệ nhân còn nắm giữ và có khả năng trình diễn hơ mon như NNƯT Yă Xuâng vô cùng hiếm. Một nghệ nhân hơ mon thực thụ phải là người có giọng hát tốt, khỏe, phải thuộc nhiều làn điệu. Đồng thời, phải biết xử lý cốt truyện, biết phân đoạn phân câu, nhuần nhuyễn câu chuyện của mình kể mà xử lý âm điệu, lấy hơi, chọn nơi luyến láy nhằm dẫn dắt câu chuyện sinh động. NNƯT Yă Xuâng hội đủ các yếu tố ấy. Bà là vốn quý của dân tộc Bana, sau bà có lẽ sẽ khó mà kiếm được nghệ nhân nào như vậy nữa”.

VÂN PHI 

P/S: Bài đăng báo Bình Định, ngày 20.2.2022

Link: http://www.baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=166213

NHÀ NGHIÊN CỨU NGUYỄN THANH QUANG: Nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ, còn sức tôi còn viết...

 Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang (SN 1959, quê ở huyện Phù Cát) tốt nghiệp khoa Sử, trường ÐH Tổng hợp Huế. Sau đó, anh công tác tại Sở VH&TT đến khi nghỉ hưu. Anh tham gia nhiều công trình nghiên cứu, đồng tác giả nhiều đầu sách. Những năm gần đây, anh liên tục công bố các tập sách của mình như Chữ Quốc ngữ, từ Nước Mặn đến Làng Sông (Nhà xuất bản Ðồng Nai, 2018), Bà đỡ khai sinh chữ Quốc ngữ (Nhà xuất bản  Ðồng Nai, 2019).

Đặc biệt, trung tuần tháng 9.2020, anh công bố với bạn đọc cùng lúc hai đầu sách: Một số vấn đề về chữ Quốc ngữ (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội & Tạp chí Xưa và Nay) - đồng tác giả với linh mục Gioan Võ Đình Đệ và Hoài Nhơn, Qui Nhơn, Qui Ninh, Bình Định - Đất và Người (Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh) - in riêng. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng anh.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang.

● Có lẽ anh không chủ ý để trở thành một nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Cơ duyên nào khiến anh gắn bó và say mê với công việc sưu tầm, khảo cứu này đến vậy?

- Có lẽ đặc thù nghề nghiệp là cái duyên đã kết nối tôi với công việc này. 40 năm gắn bó với các lĩnh vực: Bảo tàng, Quản lý di tích rồi Quản lý văn hóa, là điều kiện tốt để tôi tiếp cận, tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Bình Định, một vùng đất trầm tích nhiều nền văn hóa cổ: Sa Huỳnh, Champa; một địa điểm 2 lần kinh đô của hai tộc người Chăm, Việt (Đồ Bàn và Hoàng Đế); vùng đất thượng võ, tôn văn của hai vua: Thái Đức - Nguyễn Nhạc và Quang Trung - Nguyễn Huệ… Lịch sử, văn hóa của đất và người Hoài Nhơn/ Qui Nhơn/ Qui Ninh/ Bình Định đã cuốn hút tôi, thôi thúc tôi và tôi đã viết để chia sẻ đến bạn đọc. 

● Qua những trang viết của anh, những lớp trầm tích văn hóa được bóc tách, nghiên cứu tỉ mỉ, chu đáo, thuyết phục bạn đọc. Chúng có mối liên hệ nhất định với nghiệp vụ, công tác chuyên môn của anh. Nhưng một điều tôi băn khoăn, dường như các bài viết liên quan đến chữ Quốc ngữ đi trên một mạch riêng?

- Vâng, cũng có phần như thế thật! Một lần tình cờ tôi được Linh mục Huỳnh Kim Lăng cho mượn quyển “Giáo sĩ Đắc Lộ và tác phẩm Quốc ngữ đầu tiên” của Nguyễn Khắc Xuyên - Phạm Đình Khiêm (Nhà xuất bản Tinh Việt Văn đoàn, Sài Gòn 1961). Sau đó, tôi tìm đọc một số bài khảo cứu và sách viết về chữ Quốc ngữ khác, hầu hết đều cho rằng Hội An hoặc Thanh Chiêm (Quảng Nam) là cái nôi hoặc nơi phát tích của chữ Quốc ngữ. Đáng chú ý là tập sách: Hội An - Nôi chữ Quốc ngữ của Hồng Nhuệ - Nguyễn Khắc Xuyên, Nha Trang - 2000; Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam và vị trí của nó trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, PGS. TSKH Lý Toàn Thắng và các cộng sự, Viện Ngôn ngữ học - Sở KH&CN Quảng Nam, 2006; và Dinh trấn Thanh Chiêm - Kinh đô thứ hai xứ Đàng Trong, Châu Yến Loan, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2015.

Tuy nhiên, nhờ vốn hiểu biết của mình và nhiều tư liệu khác, tôi tin vai trò của đất và người Quy Nhơn trong cuộc phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ phải lớn hơn rất nhiều và gần như chưa được đề cập. Vả chăng, ở mảng này còn nhiều tồn nghi cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thấu đáo, khách quan. Nên tự mở cho mình thêm một mảng nghiên cứu. Tôi tìm hiểu và viết bài khảo cứu đầu tiên: Nước Mặn - nơi phôi thai chữ Quốc ngữ đăng ở Tạp chí Khoa học Công nghệ Bình Định (tháng 2 - 3.2005), sau tôi tiếp tục tra cứu và bổ sung thêm tư liệu, đăng ở các báo, tạp chí khác như: Văn hóa Bình Định, Xưa & Nay, Văn hiến Việt Nam… Từ nhiều năm trước, tôi tin một cách mãnh liệt rằng Quy Nhơn - Bình Định là nơi phôi thai của chữ Quốc ngữ.

● Hoài Nhơn, Qui Nhơn, Qui Ninh, Bình Định - Đất và Người là tuyển tập khá dày dặn (750 trang), sách giàu cứ liệu giúp người đọc tiếp cận những trầm tích văn hóa theo thời gian của Bình Định. Đây là tập hợp nhiều công trình, bài báo của anh đã công bố rải rác trong nhiều năm qua. Nhiều người muốn biết sắp tới anh sẽ viết những gì?

Một số người cũng nói vui, chắc là sắp cạn vốn rồi! Tôi cũng nói vui, cạn sức thì có thể chứ Bình Định, quê hương tôi là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, lịch sử, làm sao tôi cạn vốn được. Bên cạnh những di sản văn hóa, trong những bước ngoặt tạo thế đứng và phát triển của đất nước luôn sáng lên những gương mặt tiêu biểu của quê hương Bình Định. Hồn thiêng sông núi Bình Định đã hun đúc nên khí chất anh hùng của những người con ưu tú làm rạng danh non sông đất Việt, tạo một bản sắc độc đáo miền đất “địa linh nhân kiệt”. Tập sách Hoài Nhơn, Qui Nhơn, Qui Ninh, Bình Định - Đất và Người là tập hợp những bài viết của tôi đã được đăng tải trên các tạp chí, báo trong những năm gần đây, mới chỉ phác thảo một chân dung Bình Định trong tiến trình lịch sử qua góc nhìn văn hóa, nhằm giúp bạn đọc quan tâm về Bình Định có cái nhìn tổng quan vùng đất hai lần kinh đô, ba tầng văn hóa. Nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ, còn sức tôi còn viết, chỉ sợ lực bất tòng tâm.

● Thưa anh, được biết anh cũng rất quan tâm đến mảng Champa, anh cũng từng được các trường mời giảng chuyên đề này, vì sao chưa in sách mảng này?

- Trước khi tập sách Hoài Nhơn, Qui Nhơn, Qui Ninh, Bình Định - Đất và Người xuất bản (gồm 5 phần: Một trong những cái nôi cổ xưa nhất của loài người; Trung tâm của nền văn hóa Champa; Tây Sơn Tam kiệt; Hoài Nhơn - Bình Định Đất và người, Miền đất phôi thai, phát triển truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ), bạn tôi góp ý nên in riêng từng chuyên đề, trong đó có mảng về văn hóa Champa, đây là nội dung tôi rất quan tâm. Tuy nhiên, nếu in riêng từng nội dung, tôi cần phải có thời gian bổ sung nội dung tư liệu. Trong điều kiện hiện nay, tôi muốn tập hợp những gì đã có để giữ tư liệu, trong tương lai nếu có điều kiện, tôi sẽ bổ sung nâng cấp và tách ra từng nội dung in riêng. 

● Anh có chia sẻ gì về vấn đề nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử hiện nay không, nhất là vấn đề nghiên cứu, bảo tồn ở Bình Định?

- Đề tài “Đất nước và Con người” so với nhiều địa phương khác, ở Bình Định các nhà nghiên cứu viết chưa nhiều, có thể kể một số tác phẩm tiêu biểu như: Danh nhân Bình Định của Bùi Văn Lăng (1941), Nước non Bình Định của Quách Tấn (1968), Nhân vật Bình Định của Đặng Quí Địch (1971),… Trong những năm gần đây, mảng đề tài này bạn đọc ngày một quan tâm nhiều hơn, nhưng các cây bút thì ngày một thiếu vắng dần, lực lượng kế cận mỏng. Có lẽ để việc nghiên cứu, bảo tồn di sản lịch sử - văn hóa tỉnh nhà được tốt hơn, cần có một chủ trương từ tỉnh và sự quan tâm phối hợp đồng bộ của các sở ngành liên quan.

● Cảm ơn anh với cuộc trò chuyện này!

NGÔ PHONG (Thực hiện)

P/S: Ngô Phong - bút danh của Vân Phi. Bài trên báo Bình Định, ngày 20.9.2020

Link: http://www.baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=155612

ambum ảnh

ambum ảnh

Bài đăng phổ biến

Được tạo bởi Blogger.