123, Example Street, City 123@abc.com 123-456-7890 lasantha.wam

hạnh phúc trổ mầm từ phía cô đơn...

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

Bỗng muốn làm sỏi đá


 bởi ta đau nên vần thơ rỉ máu
tích đêm sương khát tủy nhân tình
ghì ôm những mộng vô hình
uống no hương sữa tịnh minh cõi phàm

ta chán ngán mùa hoang tiếc lỡ
chán chiều tàn trốc lở ngày xanh
chán đêm quen say khướt một mình
chán chính kẻ đứng trong gương rệu rã
ta chán tất màu xanh cỏ lá
cả chân trời xám xịt triền mây
chán những lời thỏ thẻ mọng đầy
yêu thương đó rêu hoang cũ kĩ
ta đi qua những ngày nghịch lí
vườn địa đàng neo giữa cõi phù vân
ta lang thang trong cõi miên trần
chờ thoát kiếp đầu thai thành sỏi đá
để ngàn năm ủ vùi trong băng giá
chịu đọa đày của mọi nhẽ sân si
vô tri
vô nghĩa lý
                vô vi.

Lơ Pang, Tây nguyên mùa xanh nắng


Từ mùa dã quỳ hôm ấy
Thiên di mỏi cánh lưng trời
Rêu phong mùa hoang tích cũ
Đâu rồi rét lạnh sương hơi?
Lơ Pang, nắng xanh hồn nhớ
Cà phê trắng muốt đồi hoa
Bản làng ủ trong sương mịch
Yêu thương đâu độ phai nhòa?
Này cô gái BaNar ơi, xin đừng đi vội
Nước da ngăm đôi mắt sáng vời
Tiếng hát em vang bạt ngạn gió
Nam tơr dơr? Hãy ở lại cùng tôi
Tôi muốn em dạy tôi cách bắn nỏ
Kể tôi nghe sự tích Biển Hồ
Hạt nắng muôn đời hôn vào lòng đất đỏ
Ngắm em cười, tim hoang vỡ ngàn vạn nhịp sóng xô.
Này thác Đắk Trôi ngưng lưng triền nhớ
Ai vẽ cầu vồng vắt giữa chừng hoang
Này cô gái ơi, đôi mắt biết dỗi hờn
Cứ né tránh cái nhìn vô tội vạ…
Cũng vì thương mà quen hóa lạ
Cũng vì yêu mà trái đắng thơm nồng
Nên xa lắm…mà sao còn nhớ lắm
Ngày mai này, người còn nhắc tôi không?
Tôi chép lại một trang nhật ký
Vài dòng thôi… còn viết ở trong lòng
Ai kéo gió về miền bản thượng
Lơ Pang mùa này gửi chút nhớ đầu đông.

(nam tơr dơr: đi đâu đó?, tiếng BaNar. Thác Đắc Trôi còn gọi là thác Atơmanh)

Một cõi hình như

hình như đêm qua gió rủ ta đi chơi
và đưa ta đến một miền xa lạ
ta thành thân với mặt trời
hôn vào tâm thức bão
lửa bỗng hóa băng trôi

hình như ta hò hẹn với mưa
khóc gầy đôi kỷ niệm
nhặt cánh hồng hoang liệm ngày nắng tím
mang mưa về ướt đôi môi cô bé nhà bên

hình như đêm qua ta khóc cuộc tình còn
giọt đắng cay hay giọt thời gian ru ta đời bóng xế
ta có khóc không mà trời rưng rưng lệ
hạt trầm tích ngủ vùi dưới thớ đất sâu

hình như đêm qua ai đã nguyện cầu
được ôm ta chút thôi những ngày lá vỡ
em, em đã bỏ rơi ta giữa miền hoang hoải nhớ
nam mô a di đà… tháp cầu kinh kệ xin phù hộ cho một kiếp ở đợ trần ai

hình như đêm qua ta chết giữa ngày dài
hóa thành phiến lá khô hong hạ về nẻo mộng
những giấc mơ chắp vá giữa vom trời lồng lộng
hóa thành tinh tú vô vi
hình như ai thủ thỉ ta điều gì
trong mường tượng mơ hồ không rõ nữa
ta như kẻ mộng du không điểm tựa
                chân khỏa trần nơi biệt viễn hồn xiêu.

Hạt nhân gian







Trời làm cơn mưa rào xuống tám tầng địa ngục
gột rửa cõi trần ai
đánh thức hình hài đã ngủ mê vì những chán chường vô vị
ngơ ngẩn phôi thai…

Cầu U Linh, ai một lần bước qua nơi ấy 
mà hồi ức xưa vẫn vẹn nguyên 
hay đã xóa hết rồi khi con thuyền chở linh hồn qua sông Ức Thủy
con thuyền vẫy sóng trập trùng thiên lý
mang ta về cõi khơi vơi…

Ai ? Đã một lần tách khỏi cuộc đời
để vô ưu mặc sự khóc – cười nhân thế
hồn nhiên rong chơi, linh hồn lõa thể
tắm trong dòng Nại Hà đón những hạt mưa rào rơi vỡ tự nhân gian
Ai ? Cho ta hỏi nơi ở của Nàng
người hay múa hát dưới cung Vọng Nguyệt
người ta đã lạc từ muôn kiếp trước
có nụ cười như bồ công anh
có đôi mắt sáng như thiên thần
có trí tuệ như Apolo huyền thoại
lạc mất rồi
ta gọi gì giữa miền bóng tối
mà thanh âm hờn dỗi

hạt nhân gian ơi ! Nên khóc hay cười ?

Tuổi thơ tôi


Tuổi thơ tôi, cánh diều ngược gió
chiều chiều cõng  nắng đi hoang
gom mây vào đôi mắt nhỏ
ham chơi bị mẹ đánh đòn

Tuổi thơ tôi, đồng xanh nắng hạ
hương đồng ướp vị phù sa
những trưa mò cua bắt ốc
lội đồng theo dấu chân ba
ai làm trời mưa tháng bảy
bếp khoai nóng dưới hiên nhà
cầu vòng trước sân đã trổ
nội cười, giàn mướp đơm hoa

Tuổi thơ tôi, ngày giông gió lũ
chèo xuồng vớt củi triền đê
những đêm mưa dầm không ngủ
chong đèn đợi bóng ba về

tuổi thơ tôi, mẹ đan áo ấm
mong con khôn lớn nên người
chữ “Nhân” mẹ thêu rất rõ
muôn đời nhớ mãi mẹ ơi

Tuổi thơ tôi, tiếng gà gáy sớm
bình minh ai hát trên đồi
con đường hôm nay đi học
hương đồng theo gió khơi vơi

Tuổi thơ, diều ơi bay mãi
thả rông mơ ước lên trời
bao năm tôi về tìm lại
nụ cười một thuở rong chơi.


Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Phía sau tình yêu



Em tập cách đếm thời gian qua cái chớp mi
sẽ không khóc nữa đâu phải không những ngày anh chẳng đến?
Với tách cà phê đen và đôi chân mỏi mệt
ngồi riêng mình
tập đếm…
tập quên…

Những trang nhật ký có dáng hình quen
phải làm sao để em tẩy xóa
hay em viết tiếp một hình dung nào đó
chẳng bao giờ khiến em khóc như anh.
Giọt cà phê rơi
chạm đáy cốc
tan tành
giá có thể bôi đen hết đáy tim em ký ức
từng giọt rơi rơi như kéo bão giông quay cuồng nơi lồng ngực
em muốn một hơi đầy uống cạn ly ký ức để xóa hết những ngày qua…

Tình yêu! Là quái quỷ gì mà đày đọa trái tim ta
đã biết bao lần xé tim em ứa máu
bình yên kia, nào còn nơi nương náu
và em, ương bướng điều gì chẳng hiểu nữa nhưng chẳng muốn buông đâu
Con tim em đã tróc lở muôn lớp lệ sầu
chỉ còn những nhịp đập vô thường… hấp hối
Khóc!
em nép mình trong căn gác tối
có phải em là người đàn bà yếu đuối nhất thế gian?

Không! Em không muốn như thế
Không muốn nữa
Không muốn
Không
cuộc sống của em không thể mãi lệ thuộc vào anh
và không muốn nữa đâu vì đã xem anh như là tất cả
đôi chân nhỏ bé này phải đứng lên và bước qua giông gió
té ngã nhiều rồi sẽ cứng rắn hơn.

Người à! Dẫu mai này em rất cô đơn
nhưng sẽ mạnh mẽ sống không ép mình phải quên anh nữa
vì em hiểu rằng cố quên là sẽ nhớ
nên sẽ chôn thật sâu vào lòng những kỷ niệm chỉ của riêng em
giọt cà phê đắng lắm
em sẽ ngồi với cô bạn thân và cùng nhau nêm
cùng bỏ thêm đường để thấy rằng đâu chỉ còn vị đắng ở bờ môi trong những ngày xa cách
cay, đắng, ngọt bùi vị tình yêu rất thật

cái chớp mi này, em dành cho một ngày mới không anh.

TỰ KHÚC

Bến cũ mười năm thả sóng trôi sông
đò không khách, đêm đêm trăng vỡ
ủ kỷ niệm xưa say trong mắt lệ
ông lái đò buồn
buông nhành trúc câu trăng…

Còn đâu những hẹn hò thuở ấy bến My Lăng
em hẹn mùa sau theo chàng về bên ấy
mười ngón tay đan
con đò chiều miên man là vậy
hạnh phúc neo mình trên nhịp thở đôi môi…

 Ngày đó có còn ông lái đò ơi?
rượu đã lên men mười năm hò hẹn
đợi mãi ánh trăng non mà sao chẳng đến
ông lái đâu rồi
sao chẳng chở trăng về neo lại bến xưa?

Sóng vỗ vào mây thành những cơn mưa
nay bến cũ đìu hiu
ly cà phê hoài niệm
qua lối hẹn xưa, hoa giấy ngủ mê ủ mình trong sắc tím
dòng sông âm thầm riết ký ức vào thơ…
                                                       Bến My Lăng, An Nhơn, 30-3-2014


Gánh Hàng Rong






Phố đã về đêm, vẫn một người ở đó
Gánh hàng rong lối về sao chợt nhỏ
Dưới cơn mưa phùn
Đôi quang gánh chông chênh
   
Một kiếp người bao sóng gió lênh đênh
Những năm khói binh đã mang theo phận bạc
Gánh hàng rong tự thuở xưa đã khác
Chở nỗi niềm qua ký ức phôi thai.


Chiếc áo nâu sờn, mái tóc sương phai
Đong đếm thời gian bằng nếp nhăn gấp khúc
Mùi bánh xôi gừng vẫn còn thơm phức
Mà kiếp đời sao cứ mãi long đong.

Gió bên kia trời đánh thức hư không
Qua biết bao nắng sương
Bước chân người có chăng do dự?
Người mẹ đã cho con nhiều thứ

Chỉ giữ riêng mình đôi quang gánh chông chênh…

Nhật Ký Làm Mẹ



Có niềm vui nào lớn hơn niềm vui của một người lần đầu tiên làm mẹ
Đón đứa con yêu sinh ra ở cõi người
Và chính tay mình nuôi đứa con thơ từ thuở còn nằm nôi, khóc đứng khóc ngồi
Bao mệt nhọc có thấm gì đâu, chỉ cần thấy con cười là mẹ quên đi hết.

Con là kết tinh từ tình yêu mật ngọt
Là máu xương, là cuộc sống của mẹ. Con à!
Ngủ ngon nhé con! Mẹ hát ời a
Khúc ru bỗng thành câu chẳng biết tự khi nao mẹ có…















Cuộc sống sau này sẽ muôn vàn sóng gió
Mẹ lo con có bản lĩnh giữa dòng đời?
Từng phút từng giây mẹ luôn hy vọng con ơi
Mau lớn nhé! Mẹ thương con nhiều lắm.

Mùa giáng sinh này mẹ đan cho con áo ấm
Và đôi găng tay bé xíu len hồng
Mình cùng đón ba về giữa những giọt nắng đông
Hạnh phúc nhỏ nhoi thôi nhưng sự yên bình sẽ không bao giờ tắt
Dẫu mai này giữa cõi đời được mất
Con của mẹ à! Tình yêu thương này chẳng bao giờ vơi cạn đâu con.


BIỂN VỠ

    biển vỡ
    những vô vàn trắng xóa
    tựa những mảnh tinh thể vô vi chệch quỹ đạo thiên hà
    tựa như ta
    vỡ nửa hồn say
    nốc cạn vực ngày
    vớt đời mình lên từ tinh sương huyết phách
    hốc não choáng mê ly
    mắt xè cay
    ôm tình yêu như là báu vật

    ừ
   là tình yêu
   là chất men của biển
   là tình yêu
   là men say của sóng
  là cứu cánh đời ta trong cô đơn thăm thẳm tột cùng



 biển vỡ
 giận dữ nuốt những con tàu hun hút vào đêm
 có một vì sao băng qua đại dương quá vội
có phải biển cũng biết cô đơn nên neo nhịp hồn vào cánh hải âu hấp hối
lội qua tháng năm bẫy nhão, tê cóng đôi chân lạc về phía sương mù
biển vỡ
bình minh lội mưa
lội những ngày cũ kĩ
những cánh bồ công anh biết đến khi nao mới tan trong gió sớm
bên kia thềm sóng là ta hay là đại dương
là cô liêu hay là vỡ sóng muôn trùng
ta đi tìm tình yêu từ vàng phai bọt sóng
                   cứ vắt cạn đời ta trong vực thẳm
nhưng xin đừng bóp nát trái tim yêu

Gió xiêu miền khứ vãng


Bạn già ơi, gửi cho tôi chút nắng
Của miền Trung vào nóc phố Sài Gòn
Ở nơi đây thủy triều lên dốc bãi
Lội mưa dầm tôi nhớ miền Trung hơn
Bạn già à, bao lâu rùi không gặp nhau nhỉ
Nhớ lắm cái thuở thiếu thời đạp xe đội nắng đi rông
Tôi, đứa con gái ngông nghênh bỏ xứ theo chồng
Hạnh phúc ngắn ngủi mà ngang trái cuộc đời sao đằng đẵng quá!
Duyên lỡ, với quê hương tôi thành người xa lạ
Chẳng dám một lần quay lại thăm bến ngàn xưa
Xin lỗi bạn già, lời hứa hẹn khi nao hãy xem như mây gió
Đừng giận tôi, nỗi xót xa kia biết nói sao vừa...
Có lẽ, tháng năm sẽ hao gầy kỷ niệm
Anh bạn của tôi ngày nào có còn ngốc nghếch thương tôi
Tôi thèm quá, được một lần ngồi sau xe đạp
Đấm thùm thụp vào lưng của tên ngốc lạ kì

Bạn già à, trốc khô dòng linh lệ
Con đường chiều đổ gió xiêu nghiêng
Tôi bước đi về miền khứ vãng
Mà trái tim nhói buốt trăm miền...


Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

XIN HÃY TRẢ EM VỀ VỚI BÌNH YÊN

Người đàn bà đi về phía hoàng hôn
Gánh nỗi cô đơn oằn vai ký ức
Cất giữ trong tim nỗi buồn bội thực
Quay lại nhìn đời
Chợt thấy mình hoang hoải mồ côi…
***
Ai đã đánh cắp nụ hôn đầu đời mộng mị đôi môi
Trái tim em đã trao cho anh, một người xa lạ
Hạnh phúc dịu vời mà bỗng dưng mong manh quá
Anh mãi mãi không về sau đêm trú gió rừng hoang.

Lơ Pang mùa này sương phủ kín đồi thông
Hai mươi năm, em đếm thời gian bằng mái đầu bạc trắng
Thử hỏi nhân gian tình yêu có bao giờ phẳng lặng
Sao mãi gieo xót xa cay đắng trong lòng

Người trở về nơi ấy có vui không?
Có vô ưu như một thời xa lạ?
Hay trái tim…cũng muôn vàn chắp vá?
Người có thấy không,
Bên nấm mồ không hình hài xác thịt
Con gái khóc gọi ba…

Xin hãy trả em về với bình yên
Sao lại đến rồi đi không lời từ tạ
Để đôi môi khô gầy liệm hồn em băng giá
Để mỗi nhịp đập này đều đau đớn vì ai…

                                           26/09/2013

EM CÓ TRỞ VỀ


Em có trở về sông Côn 
nhắc lại thuở tóc tém trèo me ngược cồn cát vàng trắng hạ
mùa ngô đồng xanh lá
mùa ta mới biết thương...

Em! Có trở về ngõ lấm bụi đường
nhánh mù u đơm bông rụng hạt
mình đã vẽ trái tim nhau lên cát
nghe bổi hổi nhịp phù sa...

Em! Có nhớ cánh đồng chiều mình cắt cỏ cùng ba
ba bảo, vài năm nữa sẽ cho chúng mình kết duyên đôi lứa
đôi má em đỏ hây hây như ngày đông hong bên bếp lửa
cười thẹn thùng, anh cũng mắc cỡ kéo sợi cỏ rơi hoang

Em! Có trở về sông Côn
nghe tiếng sóng vỡ chân mây nhắc ngày hò hẹn
cây cầu bắt ngang nối liền hai bến
anh sẽ cõng em qua mùa cỏ lau trắng mướt triền quê

Em! Có trở về sông xưa
con cá trắm cắn đọt rau lang thả tràn giọt nắng
con nước cuốn em đi đã qua bao mùa dòng sông nơi anh chẳng còn phẳng lặng
mười năm, hồn vỡ liêu xiêu...

Em, có trở về sông Côn
hãy đến với anh bằng cơn mưa đầu hạ
nghe gió cõng nắng chiều
nghe con bướm trắng lạc bầy đậu trên chùm hoa tim vỡ
… nhắc lại những mùa yêu.
***
Đây là một trong số những bài thơ mà Vân Phi thích nhất.hichttps://banbexunau.wordpress.com/2015/07/06/em-co-tro-ve/comment-page-1/





LÂU KHÔNG VỀ NHÀ


Lâu rồi không về nhà nhỉ
bên sông hoa gạo trắng ngần
cánh đồng trưa mầm nắng hạ
mẹ ngồi phơi thóc trên sân

Lâu rồi không về nhà nhỉ
cội me rệu rã góc đời
con từ khơi xa trùng lãng
về nghe hương rạ trở khơi 
 
Lâu rồi mẹ à con nhớ
tuổi thơ bên ánh đèn dầu
ba chuốt vành nan đan thúng
mẹ ngồi tết sợi cỏ dâu

Lâu rồi về nhà với mẹ
nằm nghe khói phả nương chiều
bữa cơm thơm lừng lúa mới

làm sao đếm được thương yêu...

Đi vài ngày không zìa nhà là mẹ lại lo, suốt ngày gọi điện, có lúc làm cho đứa con hư thấy phiền. Nhưng mà, trên thế gian này có ai thương con bằng mẹ đâu... Thân ta một đời lang bạt, đến khi nào mới được bình yên...


Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

Bước Chân Liêu Xiêu Ngã Vỡ Trời Chiều

tôi mục rỗng lòng mình
thai ngén đứa con của quỷ
với những vần điệu du dương ủy mị
như những giọt nước mắt của kẻ sát nhân
đứa con của tôi hay là chính tôi giữa cõi miên trần
vật vã những yêu thương, khai hoang những luống sâu hốc tối
để cấy vào lòng đêm những hoang mang vời vợi
hút ánh sáng mặt trời trơ trọi qua mùa trở dạ hoài hoang
ôi, đứa con                  
của những mùa trốc lở
hút tủy sương mà mãi chẳng thành người
đứa con đã bị bỏ rơi
có mẹ là bóng tối
có bố là mặt trời
một thằng bố đi hoang suốt đời khiến con mình biến thành quỷ dữ
suốt đời chỉ biết hút tinh tủy sương khơi…
ôi đứa con của những tháng ngày không biết vui
năm bữa say, hai bữa ngất ngất đời chông chênh nhịp gió
rồi điên gào
rồi lõa thể hồn mình với tháng năm đày đọa
bước chân liêu xiêu ngã vỡ trời chiều…
                                                               Vân Phi
***
Có những tháng ngày ta chẳng biết mình đang lang thang ở kiếp nào nữa...

Dấu tích Chăm bên dòng sông Côn

               
          Sông Côn là dòng sông lớn nhất của tỉnh Bình Định với chiều dài 171 km, khởi nguồn từ  miền núi phía Tây huyện An Lão và xuôi về đầm Thị Nại. Trải qua những thăng trầm biến đổi nhưng dòng sông Côn vẫn rì rầm sóng biếc, đôi bờ trù phú đã từng một thời chứng kiến những đổi thay thế cuộc.  Từ thượng nguồn về biển lớn, dấu tích ngàn xưa vẫn còn lưu lại, ta đi nhặt những mảnh vỡ của thời gian từ tiền kiếp Champa (Chăm).

          Từ phía thượng nguồn Tây Sơn, sông Côn chảy qua thị xã An Nhơn giao thủy với một nhánh nhỏ từ Hồ Núi Một chảy xuống và chia thành hai nhánh Bắc Phái và Nam Phái ở hạ nguồn. Dòng Côn giang đã tạo nên nguồn cảm hứng để những nhà văn, nhà thơ viết nên những tác phẩm trác tuyệt, sống mãi ngàn đời. Ta đã thấy một “Sông Côn mùa lũ” tỉ mẫn tâm huyết của Nguyễn Mộng Giác, một Chế Lan Viên gào khản những ước vọng về thời vàng son Champa đã quá vãng. Cho dù nền văn hóa Chăm chỉ tồn tại 5 thế kỷ (cùng với sự tồn tại của thành cổ Đồ Bàn – PV) nhưng đã để lại những dấu ấn rất riêng làm nên nét đặc sắc của Bình Định được cả thế giới biết đến. Sau những biến cố lịch sử, có nhiều di tích đã bị phá hủy. Tuy những gì còn sót lại không nhiều nhưng cũng đủ để nhìn nhận lại một nền văn hóa Chăm đặc sắc, gói gọn trong ba chữ “thành, tháp, gốm”.

        Thành cổ chỉ còn những nét hoang sơ
         Các thư tịch cổ và những tác phẩm “Thiên Nam chí lộ đồ thư”; “Lịch triều hiến chương loại chí”; “Đại Nam nhất thống chí”; “Đồ Bàn thành ký”cho biết vùng đất Bình Định xưa có tổng cộng 4 tòa thành cổ, nhưng thực tế hiện tại chỉ còn 3 tòa thành lưu lại dấu tích. Cả 3 tòa thành này đều phân bố dọc theo lưu vực sông Côn và nằm cách nhau từ 10 đến 12 km. Đó là thành Chas (Nhơn Lộc-An Nhơn), thành Đồ Bàn (Nhơn Hậu-An Nhơn) và thành Thị Nại (Phước Hòa-Tuy Phước). Sự có mặt của 3 tòa thành cổ đã phần nào nói lên tầm quan trọng của vùng đất Bình Định dưới thời vương quốc Chăm, đặc biệt là thành Đồ Bàn.
       Năm 982 dưới triều đại vua Yangpuku Vijaya (âm Hán-Việt là Ngô Nhật Hoan ?) thành Đồ Bàn được xây dựng. Thành này được các sử gia gọi đúng chức năng của nó là kinh đô Vijaya. Đây cũng là kinh đô cuối cùng của vương quốc Champa, các vua Chăm đã đóng đô ở đây đến thế kỷ XV. Từ khi xây dựng kinh đô bên dòng sông Côn đất đai trù phú, đời sống phồn thịnh, dệt vải, điêu khắc mang đậm dấu ấn Chăm, những điệu múa của các thiếu nữ Chăm dưới ngọn lửa đêm trong tiếng chiêng đồng làm say lòng kẻ khác.
         Năm 1471, vua Lê Thánh Tông huy động một đội quân hùng mạnh sang đánh Chăm. Quân nhà Lê đã hạ được thành sau cuộc giao tranh đẫm máu. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì quân Việt đã bắt sống hơn 30.000 người Chiêm, trong đó có vua Trà Toàn còn 40.000 lính Chiêm tử trận. Đồ Bàn từ đó bị bỏ hoang.
        Mãi đến cuối thế kỷ XVIII, Nguyễn Nhạc nhà Tây Sơn tự xưng là Trung Ương Hoàng Đế đã ra lệnh xây dựng thành mới trên nền cũ thành Đồ Bàn để làm kinh đô, lấy tên là thành Hoàng Đế. Năm 1799 quân chúa Nguyễn Phúc Ánh tái chiếm thành Hoàng Đế và đổi tên là thành Bình Định. Sang triều Gia Long năm 1816, nhà vua cho phá bỏ thành Bình Định và chuyển thủ phủ về Quy Nhơn.
          Qua những biến đổi thăng trầm, di tích Đồ Bàn hiện nay chỉ còn sót lại lớp tường lũy bằng đá ong không lành lặn, phía trong thành là lối đi lát đá hoa cương, một thửa giếng vuông, tượng voi đá, và bên cửa hậu là gò Thập Tháp. Một thời vàng son Champa đã ngủ vùi trong thớ đất, nhìn lại những đổ vỡ hoang tàn hẳn khiến nhiều người không khỏi xót xa…

         Tháp cổ Champa –  Hạt ngọc giữa trời
         Tháp là một dạng kiến trúc tôn giáo mang bản sắc rất riêng của dân tộc Chăm, theo các sử liệu thì người Champa đã xây dựng khá nhiều đền đài. Nhưng trải qua những cuộc chiến tranh liên miên, cộng với sự tàn phá của thiên nhiên, con người, cho đến nay trên vùng cư trú xưa của họ chỉ còn lại một số ít dạng kiến trúc đền đài ấy. So với một số địa phương khác trong dải đất miền Trung, Bình Định là một trong những nơi còn để lại khá nhiều dấu tích của nền văn hóa Chăm với 8 cụm di tích tháp trên tổng số 14 tháp phân bố bên đôi bờ sông Côn.
Tháp Bánh Ít (Tháp Bạc) chon von giữa nền trời
          Tháp Chăm trong Ấn Độ giáo người ta gọi là Sikhara, một dạng kiến trúc tiêu biểu cho đạo Bà-la-môn. Các tháp đều được xây dựng theo một tín ngưỡng thống nhất thờ thần Shiva, một trong tam vị nhất thể của đạo Bà-la-môn. Shiva tượng trưng cho sự sáng tạo và hủy diệt, hai vị thần kia là Visnu tượng trưng cho sự bảo tồn và Brahma tượng trưng cho sự sinh thành, cả ba nằm trong vòng luân chuyển không ngừng. Người Chăm thờ thần Shiva là chính, tín ngưỡng này được kết hợp với tục thờ cúng tổ tiên tạo thành bản sắc riêng trong đời sống tinh thần của họ.
          Kỹ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm cho đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu. Làm thế nào để ghép tất cả những viên gạch nâu sẫm một cách chính xác và tinh xảo thành những tháp, tượng hoành tráng đến vậy? Cái gì đã tạo thành sự kết dính của những viên gạch ấy khiến nó có thể đứng vững hơn một ngàn năm nay? Đã có nhiều cuộc khảo nghiệm và hội thảo diễn ra nhưng vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Chính điều đó cũng đã gây không ít khó khăn trong quá trình trùng tu và giữ gìn di sản.
          Tồn tại trong 5 thế kỷ, trên vùng đất Bình Định xưa người Champa đã xây biết bao những kiến trúc tôn giáo. Những gì còn sót lại hôm nay chỉ là một phần nhỏ trong những di sản mà người Chăm làm ra. Những tháp Chăm còn lại hôm nay là những viên ngọc quý của nền kiến trúc cổ Việt Nam cũng như văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á. Khi định niên đại cho các tháp Chăm thuộc phong cách Bình Định, các nhà sử học và khảo cổ học đã đưa ra một giả định như sau: Phong cách bắt đầu từ tháp Bánh Ít hay còn gọi là tháp Bạc (nửa đầu thế kỷ XII), tháp Dương Long (đầu thế kỷ XIII), tháp Hưng Thạnh (nửa đầu thế kỷ XII), nở rộ ở các tháp Thủ Thiện, Cánh Tiên (hay tháp Đồng), Phú Lốc (hay tháp Vàng) thuộc thế kỷ XIII.
          Trong đó, tháp Cánh Tiên ở thị xã An Nhơn được xây dựng vào thế kỷ thứ XII, dưới đời vua Chế Mân (Jaya Sinbavarman III). Tương truyền, đây là ngôi tháp Chế Mân dành tặng hoàng hậu Paramecvari tức Huyền Trân công chúa, người con gái Việt cao quý đã đặt quyền lợi dân tộc mình lên trên hết, cùng vua Chế Mân kết mối lương duyên lịch sử.
          Đặc biệt, khi đi qua đoạn cầu Đề Gi (nơi giao nhau giữa quốc lộ 1 và quốc lộ 19 – PV) nhìn về phía Đông - Bắc tầm 500m, ta sẽ thấy chon von những ngọn tháp cao trên đỉnh đồi in nền trên nhánh sông Côn, đó chính là cụm tháp Bánh Ít gồm 4 tháp: tháp Cổng, tháp Hỏa, tháp Bia và tháp Chính. Di tích được xếp hạng vào cấp quốc gia ngày 24/12/1982. Tháp này đã được đưa vào cuốn sách 1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” của một nhóm tác giả người Anh. Đây cũng là công trình kiến trúc cổ duy nhất của Việt Nam lọt vào cuốn sách này.
         Cuốn sách là một công trình của nhiều tác giả đến từ nhiều nơi trên thế giới, do cây bút chuyên viết về kiến trúc Mark Irving làm Tổng Chủ biên, Quintessence xuất bản (Anh), được những giáo sư, kiến trúc sư, nghiên cứu sinh đầu ngành chuyên viết về kiến trúc biên soạn. Trong đó, phần viết về tháp Bánh Ít do Stephen Anthony Murphy, một nhà khảo cổ học từng làm việc tại nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Thái Lan, Ireland, Singapore và Nhật Bản, đã nhận bằng Tiến sĩ về khảo cổ học Đông Nam Á tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi, Đại học London, Anh, chắp bút. Đây không những là niềm tự hào của người dân Bình Định mà còn là niềm vui lớn của Việt Nam.
         Tuy nhiên, nhìn lại cụm tháp Bánh Ít hiện nay, dù đã qua không ít lần trùng tu sửa chữa nhưng vẫn đang trong tình trạng “chắp vá” theo kiểu xây dựng thông thường bằng… xi măng và gạch nung nguyên khối, làm mất đi vẻ đẹp nguyên sơ của tháp. Mặc khác, nhiều chỗ gạch còn vị vỡ ra, khuyết một mảng lớn trong lòng tháp. Việc lát đá hộp dựng đường để chiếm lĩnh độ cao của tháp, làm xe ô tô cũng có thể lên được đỉnh đồi đã làm “nhòa” đi vẻ huyền bí linh thiêng của tháp cổ. Gần đây, ông Hồ Quốc Dũng, chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp khảo sát tháp. Ông nhấn mạnh “Tháp Bánh Ít là một công trình kiến trúc quý, hiếm, có giá trị nghệ thuật lớn cần được trân trọng, giữ gìn và phát huy xứng tầm. Đồng thời, phải có kế hoạch quảng bá vẻ đẹp của tháp Bánh Ít nói riêng cũng như không gian văn hóa Chăm Bình Định nói chung một cách thật bài bản, hiệu quả”.
        
        Gốm cổ, nét văn hóa tinh xảo của người Chăm (?)
         Các khu lò gốm Bình Định tính đến nay có 5 nhóm. Riêng ở thị xã An Nhơn có đã có 3 nhóm gồm: Gò Sành, Gò Cây Ké, Gò Hời. Tất cả các khu di tích này đều nằm dọc hai bờ sông Côn chảy vào vịnh Thị Nại (cảng Quy Nhơn ngày nay), một vị trí thuận lợi để vận chuyển bằng đường thủy. Trong đó, gốm cổ Gò Sành tại Phụ Quang được các nhà nghiên cứu quan tâm nhất.
        Tháng 3/1974, một đoàn khảo cổ học từ Sài Gòn đã đến Phụ Quang (thuộc Nhơn Hòa, An Nhơn, Bình Định) để tìm hiểu nghiên cứu. Tuy chưa có cuộc khai quật nào nhưng họ đã đưa ra giả thuyết về chủ nhân những đồ gốm nơi đây là người Chăm. Hơn 10 năm sau, dựa vào những hiện vật gốm có nguồn gốc từ Gò Sành trong bộ sưu tập của Hà Thúc Cần, trong luận văn tiến sĩ của mình, Rosana Brown - một chuyên gia nghiên cứu gốm cổ Đông Nam Á đã giành một chương viết về đồ gốm và khu lò gốm Gò Sành. Từ những thông tin trên, Viện khảo cổ học Hà Nội, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã hoạch định một chương trình nghiên cứu lâu dài tại Gò Sành và toàn bộ di tích gốm cổ trên đất Bình Định.
  Năm 1987-1990, cùng với Viện Khảo cổ học, Sở Văn hóa - Thông tin Bình Định đã tiến hành điều tra tổng thể các loại hình di tích văn hóa Chămpa, lập hồ sơ khoa học và bản đồ khảo cổ học các di tích phế tích trên địa bàn tỉnh Bình Định.
  Đáng chú ý là từ những năm 1990-1994, Viện Khảo cổ cùng phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin Bình Định điều tra, khảo sát, khai quật một số địa điểm thuộc trung tâm sản xuất gốm Gò Sành (Nhơn Hòa - An Nhơn - Bình Định) và xác định một số di tích lò gốm khác thuộc An Nhơn và Tây Sơn.

         Di chỉ lò Cây Mận
         “Từ cách đây 20 năm, đã có rất nhiều người tìm đến Gò Sành để mua các loại chén, đĩa, bình cũ. Họ sẵn sàng đổi nguyên bộ chén bát mới để lấy một cái đĩa cũ có chạm khắc hoa văn. Nhiều người dân đã bán hoặc đổi, về sau họ mới biết những món đồ cũ kia giá trị hơn nhiều. Dọc bờ sông Côn, vẫn còn nổi lên những mảnh sành sứ đã vỡ. Có người đã nhặt được những cái bát cũ còn nguyên, khi búng ngón tay vào kêu rất thanh”, ông Nguyễn Văn Lâm, chủ của thửa đất khai quật lò Cây Mận chia sẻ.
          Đến năm 1994 bên cạnh các nhà khoa học Việt Nam, có thêm sự hợp tác của các học giả Nhật Bản. Trong số các di chỉ lò đã được xác định ở 5 vị trí thuộc phạm vi vùng Vijaya trước đây, lò Cây Mận, lò Cây Quăng và lò Hời nằm ở khu lò gốm Gò Sành.
        Hiện nay, sản phẩm gốm Gò Sành được lưu giữ khá nhiều trong Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định. Xem xét và nghiên cứu bộ sưu tập này có thể giúp ta hình dung rõ nét hơn về vai trò của di tích khu lò gốm này trong lịch sử. Những sản phẩm được sản xuất ở Gò Sành phần lớn xương có màu xám mực, đỏ nhạt, kỹ thuật giai đoạn sớm dùng con kê, men tráng gần sát đáy, giai đoạn muộn dùng kỹ thuật ve lòng. Men gốm dày đều và màu men không ổn định đã tạo ra một sắc thái riêng cho gốm Gò Sành.
         Những thông tin gần đây cho biết, gốm Gò Sành Bình Định sản xuất ra không chỉ để phục vụ đời sống người Chăm đôi dòng sông Côn mà còn tham gia vào thị trường xuất khẩu sang các nước trong khu vực Đông Nam Á và xa hơn là Ai Cập. Trong số những hiện vật tìm thấy trên con tàu đắm ở quần đảo Calatagan ngoài khơi đảo Pantanan thuộc Philipphines có tới hàng ngàn đồ gốm có xuất xứ Gò Sành.
         Cho đến nay chưa có đủ tư liệu để khẳng định một cách chắc chắn niên khởi đầu cho việc sản xuất đồ sành xứ ở Gò Sành nói riêng và của người Chăm nói chung, nhưng qua những kết quả khai quật khảo cổ tại Gò Sành và ở nước ngoài có thể thấy rằng giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của nghề sản xuất sành sứ ở đây nằm trong khoảng thế kỷ XV-XVI. Có một số chuyên gia Việt Nam cho rằng khởi điểm của việc sản xuất gốm Bình Định có thể bắt đầu từ cuối thế kỷ XIII đến thế kỷ XV, chậm lắm là đến thế kỷ XVI.
         Căn cứ vào các tư liệu lịch sử liên quan đến quá trình hình thành và phát triển vùng đất Bình Định, phân tích loại hình các sản phẩm được sản xuất ra, so sánh những mô típ trang trí trên các hiện vật với những tư liệu điều tra dân tộc học có thể đi tới kết luận: chủ nhân lò gốm Gò Sành và các khu lò gốm cổ khác ở Bình Định không ai khác ngoài người Champa cổ.
        Như vậy, gốm cổ kết hợp với kiến trúc xây dựng độc đáo của những ngọn tháp đặc sắc, tinh tế và những vết tích lưu lại của thành cổ Champa đã tạo nên một văn hóa Chăm bên dòng thủy lưu Côn giang sẽ còn lưu truyền mãi đến tận muôn đời./.
                                                                                         Vân Phi
         BOX: “Bình Định còn có nhiều lợi thế về du lịch văn hóa - lịch sử cả về phi vật thể lẫn vật thể, trong đó có nhiều di tích văn hóa vô giá như: Thành Đồ Bàn và hệ thống di tích 14 ngôi tháp Chăm còn khá nguyên vẹn, hết sức độc đáo và đồ sộ nhất Việt Nam. Hiện nay, tỉnh đang tiến hành lập hồ sơ để trình UNESCO công nhận hệ thống di tích văn hoá Chăm là di sản văn hóa thế giới”, đó là khẳng định của ông Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Bình Định năm 2015 tổ chức chiều 30/3/2015.                                                               
                                                                                                 
            
                               

            
                    

            

              

ambum ảnh

ambum ảnh

Bài đăng phổ biến

Được tạo bởi Blogger.