123, Example Street, City 123@abc.com 123-456-7890 lasantha.wam

hạnh phúc trổ mầm từ phía cô đơn...

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

Trữ tình Trình Ngọc Chương


Trình Ngọc Chương (SN 1954, ở phường Bình Ðịnh, TX An Nhơn) hoạt động văn nghệ từ năm 1972 và sáng tác nhạc từ khá sớm nhưng gần đây anh mới cho ra mắt tập nhạc đầu tay của mình. Tác phẩm của anh vừa dung dị vừa trữ tình đằm thắm, được nhiều bè bạn và người yêu nhạc yêu mến.
Trình Ngọc Chương vốn là một giáo viên dạy toán. Về âm nhạc, anh không theo học trường lớp nhạc bài bản nào cả, chỉ vì đam mê rồi mày mò tự học. Anh tâm sự, âm nhạc là thứ dễ kết nối con người lại với nhau. Niềm say mê đàn - hát dần thôi thúc anh viết và hát về quê hương và đồng bào.  
Trình Ngọc Chương thể hiện ca khúc do chính anh sáng tác.
Trình Ngọc Chương điềm đạm nhưng rất nhiệt tình tham gia văn nghệ phong trào ở địa phương và nhà trường. Anh có nhiều sáng tác dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Năm 1985, anh viết ca khúc Em lớn lên từ đây. Ca khúc này sau đó được giải Tác giả có bài hát hay trong “Hội thi Tiếng hát hoa phượng đỏ - năm 1988”. Có lẽ Trình Ngọc Chương không dồn sức cho sáng tác, anh kể mình nén chất liệu thật lâu, đến khi cảm xúc tự nó bật lên trên khuôn nhạc, thì mình trải lòng ra. Ngay cả khi phổ thơ thành ca khúc, Trình Ngọc Chương cũng dồn chất liệu như vậy, thành ra đến nay anh chỉ có chừng 50 ca khúc.
Mãi tới đầu năm 2020, anh ra mắt tập tình khúc đầu tiên của mình - Giọt nắng chiều phai (Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh) gồm 25 bài hát. Sáng tác của anh chủ yếu về quê hương, tình yêu, tình bạn và thân phận con người. Như bài Chút tình mồ côi, là sự đồng cảm của anh với đứa học trò nhỏ của mình. Anh trải lòng: “Mình cũng là đứa trẻ mồ côi, khi biết được đứa học trò nhỏ như thế mình như bị chảy theo dòng tự sự, có nhiều sự đồng cảm. Mọi thứ dồn nén lại để mình viết”. Nói rồi anh cất lời, tiếng hát rủ rỉ: “Em mồ côi hay chiếc lá mồ côi, mà lặng lẽ trong chiều tím nhạt. Trời thôi nắng em về trong gió thoảng hương đồng bông cỏ trắng bờ xa”.
Nhạc của Trình Ngọc Chương xuyên suốt một nét trữ tình, êm đềm và dịu ngọt. Nó khác hẳn với vẻ ngoài thô rám, góc cạnh, logic và chính xác của một thầy giáo dạy toán. Tôi nhiều lần ngồi trò chuyện và nghe anh đệm đàn hát giữa bạn bè, anh hát chỉ vừa đủ nghe và đệm đàn cũng vừa đủ để làm nền cho ca khúc. Bạn bè anh trêu, nhạc và phong cách diễn của Trình Ngọc Chương được công chúng lắng nghe vì nếu không lắng nghe sẽ không nghe được gì hết. Đùa vui như thế thôi nhưng giữa những cuộc trình diễn lớn, nhưng đêm văn nghệ phong trào, cái cách thủ thỉ sẻ chia về quê hương, đặc biệt là quê hương An Nhơn của anh được công chúng đón nhận nồng nhiệt.
Giữa những bề bộn cuộc sống, nghe nhạc Trình Ngọc Chương sẽ dễ thấy lòng vơi nhẹ lại. Nhạc của anh kéo về những không gian mênh mang bình lặng của đồng quê: “Trời trong xanh bao la gió ngàn reo câu ca. Khi chiều lên quê ta em về thơm hương lúa. Em mùa xuân bên anh lên đồi cao quê hương. Dáng hình em thân thương nghe lòng anh xao xuyến” (Chiều hát trên đồi quê hương). Nhạc của Trình Ngọc Chương không nhiều đột biến về tiết tấu, giai điệu nhưng vẻ đẹp từ hình ảnh toát lên ở ca từ giàu chất thơ có sức thu hút khó cưỡng lại. Thảng hoặc, Trình Ngọc Chương có làm thơ, và thơ anh cũng như nhạc tự nhiên lại có tiết tấu giai điệu. Như bài Lời tháng Tư: “Em về nắng chợt vô tình/ Rơi lên sợi tóc tơ xinh thì thầm/ Tưởng chừng như chuyện xa xăm. Từ trong cây cỏ đêm rằm tháng Tư/ Chuyện đời thơ chuyện thực hư/ Nhân gian huyền ảo có như không mà”.
Trình Ngọc Chương không chủ tâm làm một nhạc sĩ, bằng chứng là dù rất nhiệt tình với văn nghệ phong trào nhưng nghĩ đến anh, hầu hết những người quen biết anh đều gọi anh là thầy Chương. Nhắc đến anh, nhạc sĩ Hữu Thuần, hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam, rất trân trọng: “Tôi biết Trình Ngọc Chương từ khi anh ấy hoạt động văn nghệ xã hội ở An Nhơn từ trước năm 1975. Với ca từ đậm chất thơ, tiết tấu nhẹ nhàng, giai điệu mượt mà, những tình khúc của Trình Ngọc Chương dễ đi vào lòng người. Đặc biệt, anh có nhiều ca khúc trữ tình tựa như bức họa đồng quê dễ lay thức những lữ khách xa nhà như muốn gọi lòng trở về bản xứ. Tập ca khúc vừa rồi của anh Chương vừa in đa phần được viết với nhịp 3/4, dòng nhạc boston êm đềm, đúng với điều anh luôn nhớ nghĩ và hay nói về quê hương thân yêu”.
VÂN PHI

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

ambum ảnh

ambum ảnh

Bài đăng phổ biến

Được tạo bởi Blogger.