123, Example Street, City 123@abc.com 123-456-7890 lasantha.wam

hạnh phúc trổ mầm từ phía cô đơn...

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

Cảm xúc cũng là một câu chuyện…


Nguyễn Ðặng Thùy Trang, SN 1993. Quê gốc ở xã Cát Hanh, Phù Cát. Hiện đang sống và làm việc tại TP Quy Nhơn.
Nguyễn Ðặng Thùy Trang là một người viết trẻ phát triển đều đặn cả thơ và văn xuôi, được đánh giá giàu tiềm năng. Mới đây cô được NXB Văn hóa Văn nghệ TP HCM đầu tư in một tập truyện ngắn. Trong 5 năm gần đây, cô là tác giả trẻ đầu tiên ở Bình Ðịnh làm được điều này.
Trang tập viết văn và truyện ngắn được in báo, tạp chí khá sớm, ngay từ khi còn học ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Ngay từ những truyện còn non nớt, tác phẩm của Trang đã khiến người đọc chú ý đến cô bởi những nét riêng. Trang thổ lộ: “Với tôi, cảm xúc cũng là một câu chuyện. Cảm xúc thường rất khó nắm bắt, nếu giữ lại được nó cũng là một ý hay. Tôi nghĩ mình có ảnh hưởng từ các nhà văn Nhật và một tác giả mà tôi rất yêu mến, hâm mộ, người truyền lửa cho tôi - nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ”.
Nguyễn Đặng Thùy Trang thường xuyên nắm bắt được cảm xúc của mình và trải ra trên những trang viết. Có một số cây bút trẻ sau khi lập gia đình, chẳng mấy mặn mà chuyện văn chương chữ nghĩa nữa, bởi những vướng bận áo cơm, chuyện gia đình. Nhưng với Trang, lại khác. Lập gia đình, nhất là khoảng thời gian có em bé, Trang viết khỏe và chắc hơn trước. “Đây là khoảng thời gian đặc biệt. Vì nhiều sự thay đổi trong cuộc sống nên tôi có những cảm nhận mới hơn và khác hơn trước đây. Tôi viết như một sự giãi bày với con chữ!”.
Trang vồn vã chia vui với tôi khi cô được NXB Văn hóa Văn nghệ TP HCM đầu tư in một tập truyện. Tác phẩm có tên hết sức gọn và gợi: Bay... Và, 20 truyện trong tập sách cũng sở hữu cái tựa cũng ngắn, gọn như vậy: Camera, Nến, Nguyệt, Nứt, Gương, Hẻm, Cái ôm, Cúc dại… Trang chia sẻ: “Bay là tập truyện ngắn đầu tay của tôi viết về những bạn trẻ và suy nghĩ của họ, cuộc sống của họ. Tập truyện ra đời là một niềm vui, may mắn đối với tôi. Khi làm bản thảo, tôi đã chờ đợi sự đồng ý của một nhà xuất bản nào đó. Và NXB Văn Hóa Văn Nghệ TP HCM đã hỗ trợ in 500 cuốn. Đây là một khích lệ rất lớn”.
.
Cùng với truyện ngắn, Trang còn thử sức mình ở thể loại thơ và tạo được nhiều hiệu ứng tích cực khi đăng tải trên nhiều tờ báo, tạp chí như Văn nghệ quân đội, Tạp chí Sông hương, Tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, báo Bình Định, báo Tiền Phong…  Trang nói, thơ là một mơ ước. Thơ của cô thường ngắn gọn, cô đọng, truyền tải được dòng cảm xúc, lấp lánh rất nhiều ý niệm và tôi có cảm giác dường như mỗi lần đọc lại, ta lại thấy hé ra một nét gì đó, một tông màu nào đó cứ bảng lảng quấn quýt. Tôi thấy thơ của Trang giàu sức gợi mở.
Từ khi làm mẹ, Trang viết đều, nhiều và đầy đặn. Tôi hỏi: “Chăm con, làm gia sư, lo việc nhà, vậy Trang dành thời gian nào cho chuyện sáng tác?”. Cô cười cười: “Tất nhiên, chăm con luôn đặt lên hàng đầu. Tôi viết vào những khoảng trống. Viết liền mạch thì viết trên máy tính, còn ý tưởng có thể soạn trên điện thoại. Mỗi ngày một ít. Và có một ngày để tôi tập hợp, chỉnh sửa, hoàn thiện tác phẩm”.
Các sáng tác của những người trẻ thường được cho là thiếu trải nghiệm sống. Trang nhìn nhận: “Đó là vấn đề chung, cũng là một mặt hạn chế của Trang. Nhưng mỗi người viết sẽ luôn tìm ra một ý tưởng cho tác phẩm của mình sao cho luôn mới với bạn đọc. Như tôi đã kể, nay cảm xúc của tôi - với vốn sống nhiều hơn, đứng ở nhiều vai hơn - nhờ vậy cũng dồi dào hơn. Và việc thường xuyên viết trở thành một nhu cầu, là một cách để tôi hoàn thiện tác phẩm mình chẳng hạn”. 
VÂN PHI

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2020

Rộn vang sắc màu và nhịp điệu núi rừng

Vĩnh Thạnh là một trong các địa phương bảo tồn văn hóa dân gian khá tốt. Mỗi lần về Vĩnh Thạnh, sắc màu thổ cẩm, giai điệu cồng chiêng và những vòng xoang Bana Kriêm cứ quyến luyến du khách, như muốn níu chân người ở lại...
Biểu diễn cồng chiêng tại làng Đăk Tra, xã Vĩnh Kim.
Tôi còn nhớ ngày lên Kon Trú, xã Vĩnh Kim, năm 2018, các nghệ nhân Yang Danh, Đinh Chương, Đinh Y Băng cùng nghệ nhân trong làng ngồi lại, nói chuyện về văn hóa Bana. Họ nói say sưa, cho đến khi những nghệ nhân trẻ mang bộ cồng chiêng vào nhà rông, cất lên những âm vang núi rừng cùng những bước chân nhịp nhàng vòng xoang của những thiếu nữ Bana dịu dàng trong nếp áo truyền thống, khiến người xem không rời mắt. Khi đêm xuống, quanh ché rượu cần, bao chuyện đất chuyện làng, niềm trăn trở về văn hóa bản xứ được các nghệ nhân trải lòng. Ai nấy đều như chung niềm tâm sự, phải giữ, giữ tiếng chiêng, giữ điệu xoan, giữ hơ mon, giữ văn hóa truyền thống dân tộc mình...
 
Chiều 3.8, tại xã Vĩnh Sơn diễn ra Ngày hội văn hóa cồng chiêng xã Vĩnh Sơn lần thứ I, năm 2019. Tham gia Ngày hội có: Ðội cồng chiêng của 6 thôn thuộc xã Vĩnh Sơn; Công đoàn xã Vĩnh Sơn; đội cồng chiêng xã Vĩnh Kim. Ngày hội là dịp giao lưu của các đội cồng chiêng của xã, kích thích phong trào luyện tập, trao truyền văn hóa cồng chiêng.
THẢO KHUY
Cuối tháng 7 vừa rồi, ở làng Đăk Tra, xã Vĩnh Kim, tôi thực sự ấn tượng với đêm giao lưu văn nghệ giữa Đoàn Trại sáng tác VHNT trẻ Bình Định với đồng bào. Dân làng Đăk Tra đã trình tấu nhiều tiết mục văn nghệ dân gian Bana Kriêm: Trình diễn cồng chiêng, chơi đàn preng, blơng khơng, hát dân ca và những tiết mục múa dân gian hết sức đáng yêu của những đứa trẻ Bana.
Chị Đinh Thị Nhiên trong đội văn nghệ làng Đăk Tra tâm sự: “Chúng tôi mỗi khi lên rẫy về hay tập trung lại nhà rông làng để luyện tập. Một bài múa, trình tấu cồng chiêng không có nhiều động tác, nhưng cần phải đều, nhịp nhàng, ăn khớp giữa âm thanh cồng chiêng và điệu múa. Mỗi lần lễ hội, giao lưu văn nghệ, mừng lúa mới, người làng lại tụ hội về nhà rông biểu diễn, ca hát, vít rượu cần. Vui lắm. Sinh hoạt văn hóa cộng đồng này gắn kết mọi người lại gần nhau hơn”.
Mới vừa rồi, nghe bạn tôi, anh Bùi Ngọc Thanh (ở làng K2, Vĩnh Sơn), phấn khởi: “Nhiều ngày nay các làng ở Vĩnh Sơn rộn rịp lắm. Đêm xuống, sau ngày lên rẫy, bà con lại xúm tụm luyện tập cồng chiêng, sao cho đánh hay, múa đẹp để chuẩn bị cho hội thi trình tấu cồng chiêng giữa các làng của xã Vĩnh Sơn”. Nghe Thanh kể, xem video Thanh ghi lại cảnh luyện tập của bà con, tôi lại muốn dời chân trở lại Vĩnh Thạnh, tìm lên Vĩnh Sơn.
Những năm gần đây, nhiều hoạt động phong trào nhằm lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa dân gian diễn ra đều khắp, thường xuyên ở các xã huyện Vĩnh Thạnh. Đặc biệt từ khi được tỉnh tặng cồng chiêng, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dường như cuồn cuộn những dòng sinh lực mới. Anh Minh Khư, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim chia sẻ, địa phương hay tổ chức các hoạt động gìn giữ nét đẹp văn hóa cổ truyền và nhận được sự đồng tình ủng hộ của bà con. Bà con chí thú làm ăn nhưng không quên làm phong phú tinh thần mình bằng tiếng hát, lời ca, bằng những điệu múa dân gian và những bài cồng chiêng cha ông để lại. Xã cũng đang lập kế hoạch để trình lên UBND huyện xin tổ chức thi diễn tấu cồng chiêng và các môn thể thao truyền thống và văn nghệ trong thời gian sắp đến.
“Thi diễn tấu cồng chiêng” là cụm từ tôi được nghe nhiều nhất trong những lần đến Vĩnh Thạnh trong quãng gần 2 năm gần đây. Đem điều này ra trao đổi với ông Đinh Y Oai, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Vĩnh Thạnh, thì ông Oai sôi nổi hẳn lên: Từ khi có sự quan tâm của tỉnh, đặc biệt là năm 2018, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức trao 31 bộ cồng chiêng cho các làng ở huyện Vĩnh Thạnh, điều đó như tiếp lửa gìn giữ bảo tồn văn hóa bản địa. Bà con ở làng hết sức phấn khởi. Hiện tại, mỗi làng đều có một CLB cồng chiêng tập hợp các thế hệ già trẻ có sự say mê và khiếu biểu diễn. Mỗi CLB có hơn 25 người. Trong đó có ít nhất 15 nam và 10 nữ. Huyện Vĩnh Thạnh vốn đã tổ chức và duy trì được lễ hội cồng chiêng thường niên, cố gắng gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, nay khi các làng cũng tha thiết tổ chức ngày hội của riêng mình, thật không gì sung sướng bằng!
Những năm gần đây Vĩnh Thạnh nhận được sự quan tâm rất lớn của các cấp, các ngành, đơn vị trong vấn đề bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Nhưng vẫn có những địa phương tuy cũng nhận được sự hỗ trợ tương tự nhưng phản hồi sau đó lại không được như Vĩnh Thạnh. Cái khác của Vĩnh Thạnh là việc xây dựng phong trào văn hóa cơ sở được thực hiện đồng bộ; vai trò của các nghệ nhân, những hạt nhân giàu uy tín, nhiệt huyết được phát huy đến tối đa. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh chia sẻ: “Họ là lực lượng nòng cốt trình diễn, truyền dạy cho các lớp trẻ. Trong các cuộc thi, lễ hội văn hóa gần đây của Vĩnh Thạnh, các tiết mục diễn tấu cồng chiêng bài bản hơn. Các làng có sự chuẩn bị chu đáo về trang phục, thể hiện rõ bản sắc truyền thống người Bana. Các hoạt động thu hút nhiều bà con tham gia, trong đó có khá nhiều thanh niên. Đây thực sự là tín hiệu vui trong việc trao truyền, gìn giữ văn hóa truyền thống”.
VÂN PHI

Tạo cái đẹp từ... phế liệu

Tôi tiếp xúc với tác phẩm của Giang Minh Hoàng trước khi quen biết anh, và ấn tượng không chỉ bởi chất liệu mà bởi cả những ý tưởng của anh qua tác phẩm.
Giang Minh Hoàng sáng tác từ rất sớm. Ngay năm 1997, anh đã thực hiện tượng danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Hoài Ân. Sau khi tốt nghiệp đại học mỹ thuật chuyên ngành điêu khắc, anh tiếp tục tu nghiệp thạc sĩ nghệ thuật thị giác tại Thái Lan. Vững vàng trong chuyên môn, anh từng được mời vào Hội đồng xét duyệt tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành (đặt tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn).
Nghệ sĩ điêu khắc Giang Minh Hoàng sinh năm 1977, quê ở xã Ân Ðức, huyện Hoài Ân; là thạc sĩ nghệ thuật thị giác, ÐH Mahasarakham (Thái Lan). Anh hiện là giảng viên khoa Mỹ Thuật, Trường Trung cấp VHNT Bình Ðịnh; hội viên Hội VHNT Bình Ðịnh, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Tác phẩm của nghệ sĩ thường là một trải nghiệm, sự rung động, một điểm nhìn trong tương tác với hiện thực, từ đó mở ra những chiều kích cảm xúc cho công chúng. Mỗi người thường có thế mạnh trên một vài chất liệu và với ngôn ngữ biểu đạt của riêng mình, họ tạo nên tác phẩm. Có cơ hội ngắm các tác phẩm điêu khắc của Giang Minh Hoàng, người xem dễ bật lên niềm cộng hưởng.
Trong Triển lãm Mỹ thuật khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2017, tác phẩm “Chiếc hộp ước mơ” của Giang Minh Hoàng với chất liệu giấy được anh xếp từ những hộp nhỏ và tỉ mỉ đính kết chúng lại với nhau để truyền tải câu chuyện về niềm mong ước đoàn viên, hạnh phúc gia đình. Gần đây nhất, với chất liệu nhựa, cũng lấy cảm hứng từ nghệ thuật dân gian, anh tạo nên tác phẩm điêu khắc “Cung đàn xưa”, tạo dáng người phụ nữ đang chơi đàn bầu, để lại nhiều suy tưởng về ý niệm thời gian và những giá trị văn hóa truyền thống. Đây cũng là tác phẩm được chọn tham dự Triển lãm khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên năm 2018 tại Phú Yên.
Tình yêu 2 (gỗ - nhựa phế liệu), tác phẩm dự Triển lãm 10 năm điêu khắc mỹ thuật Việt Nam 2012.
Giang Minh Hoàng đã thể nghiệm sáng tạo trên nhiều chất liệu như đá, sắt, inox, nhưng từ khi theo học thạc sĩ nghệ thuật thị giác tại Thái Lan năm 2012 đến nay, anh chủ yếu chọn chất liệu nhựa, giấy, gỗ cho các sáng tác của mình. “Nhìn những vỏ chai, mảnh giấy người ta bỏ đi, mình không xem đó là rác, mà coi đó là chất liệu, tạo cho nó một hình hài, một vẻ đẹp khác”, nghệ sĩ điêu khắc Giang Minh Hoàng chia sẻ. Và anh nối tiếp vòng đời cho những vật tưởng chừng như bỏ đi ấy trong hình hài khác, trao gửi ở đó những suy tưởng khác.
Với chất liệu nhựa, xuất phát từ ý tưởng nỗi nhớ trong tình yêu, Giang Minh Hoàng tạo nên chuỗi ý tưởng concert với seri 36 tác phẩm. Trong đó, tác phẩm “Tình yêu 4” với việc tạo hình người nữ gối đầu vào người nam được giới chuyên môn đánh giá cao, nhận được giải Tài năng trẻ của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2013.
Ở Giang Minh Hoàng toát lên một niềm say mê, nghiêm túc với nghề. Dù bận rộn với cuộc mưu sinh, nhưng khi bật lên những ý tưởng mới, anh lại bắt tay vào thực hiện, để tiếng lòng của mình bừng thức trong từng chất liệu vô tri.
VÂN PHI

Một góc nhìn vào văn hóa Hrê...

Cuốn sách “Văn hóa cổ truyền của người Hrê ở huyện An Lão tỉnh Bình Định” (NXB Khoa học Xã hội, năm 2015; Nguyễn Xuân Nhân chủ biên, Đinh Văn Thành cộng tác) là một công trình nghiên cứu công phu về văn hóa của đồng bào Hrê. Sách được giới chuyên môn đánh giá cao, nhất là trong bối cảnh những giá trị văn hóa mang bản sắc riêng đang dần phai mòn theo thời gian.
Trong 36 thôn tập trung người Hrê sinh sống tại huyện miền núi An Lão, có 2 thôn người Hrê cộng cư với người Bana; 2 thôn Hrê cộng cư với người Kinh; 32 thôn còn lại cư trú tập trung, biệt lập. Việc khảo sát, nghiên cứu chủ yếu tập trung các làng trên Trường Lũy - nơi còn lưu giữ những nét văn hóa chưa bị lẫn tạp. Tại đó, như nhiều dân tộc khác, làng là đơn vị xã hội cao nhất của người Hrê, họ gọi làng là palài. Điều chú ý là với người Hrê, một thôn có thể có nhiều làng…
Lễ cúng bến nước là nghi lễ truyền thống của đồng bào Hrê. Lễ được tổ chức nhằm tạ ơn trời đất, các thần linh, tổ tiên ông bà phù hộ dân làng sau một năm vất vả ; cầu mong mọi người luôn sức khỏe, dân làng được bình an và mong cho nguồn nước luôn dồi dào để dân làng ăn uống, sinh hoạt không ốm đau, bệnh tật, cây trái mùa màng tươi tốt, súc vật lớn nhanh, bản làng trù phú.
- Trong ảnh: Thầy cúng dâng rượu cúng tại bến nước. Ảnh: VÕ CHÍ HÀ
Những thông tin quý
Cuốn sách là một công trình nghiên cứu văn hóa dân gian giá trị, giúp ta có cái nhìn sâu sát hơn về văn hóa cổ truyền của người Hrê tại An Lão. Từ đó, có thể thấy sự đồng điệu và dị biệt giữa văn hóa Hrê với các dân tộc khác và với ngay cả người Hrê đang sinh sống tại Quảng Ngãi.
Dày gần 400 trang, sách được phân thành 6 chương, nội dung rõ ràng, mạch lạc, chứa nhiều tư liệu bổ ích. Điều này cho thấy cách làm việc khoa học, công phu của các tác giả. Qua điền dã, khảo sát, tìm tòi, thu thập thông tin từ đồng bào Hrê, tác giả đã cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin mà không phải ai cũng thấu tỏ.
Điểm đáng lưu ý đầu tiên là thông tin, người Hrê là “người bản địa” chứ không phải phiêu bạt từ Malaysia đến: “Người Hrê có nguồn gốc từ người Indonésien cổ đại (còn gọi là người Mã Lai cổ), nói tiếng Môn - Khmer đã sinh sống ở miền núi phía Tây - Bắc Bình Định (An Lão) và miền núi phía Tây Quảng Ngãi từ thời cổ” (tr. 56).
Khác với nhiều dân tộc sinh sống ở khu vực miền núi khác, đồng bào Hrê biết làm lúa nước từ rất sớm. Người Hrê có câu ngạn ngữ: “Oitaleqi deac la oi chi e i ma ngai Hrê sình rìh”, nghĩa là “ở đâu có nước là ở đó có người Hrê sinh sống”. Trước đây, người Hrê ở An Lão chủ yếu làm lúa nước, song vì đất bằng hẹp nên họ “phải kết hợp làm ruộng nước với ruộng khô, làm rẫy, làm vườn, chăn nuôi và cả hình thái kinh tế săn bắt, hái lượm thời nguyên thủy để sinh sống” (tr. 101).
Bằng sự chịu khó, cần cù của mình, bao đời nay, đồng bào Hrê quý đất như vàng, chỉ cần có thửa đất bằng là họ sử dụng triệt để, vỡ đất làm ruộng.
 
Nét độc đáo trong nếp sống, sinh hoạt
Sách còn cho người đọc biết khá nhiều nét độc đáo trong nếp sống sinh hoạt của đồng bào Hrê. Điển hình như khi khảo tả về ngôi nhà sàn cổ truyền của người Hrê, tác giả viết rất chi tiết: “Nhà lợp tranh, vách tranh nẹp tre vót đẹp, hai chái để trống. Cửa chính trước mặt nhà hướng về phía đất cao, chếch về bên phải. Hai bức vách hai đầu ngăn cách giữa hai chái và phần trong nhà làm bằng gỗ, có hai cửa phụ hai đầu thông ra hai chái. Hai cửa phụ chỉ cao 1,50m, người ra vào cửa phải khom lưng, cúi đầu. Cứ mỗi bếp là có một cửa sổ hắt ánh sáng vào nhà. (…) Đầu hai nóc nhà làm hai sừng bằng cỏ tranh hay hai thanh tre kéo dài giao nhau thành hình chữ V chĩa lên trời, gọi là sừng nhà (haki, hki) biểu tượng cho sự bền vững, khỏe mạnh” (tr. 173 - 175).
Người Hrê giàu có về số lượng lễ tục. Trong số ấy, lễ cà răng là “lễ tiết hết sức quan trọng trong cuộc đời của người Hrê. Lễ tiết này được xem như là lễ thành đinh của nam và lễ trưởng thành của nữ Hrê” (tr. 222). Riêng về lễ hội lớn, người Hrê có lễ Tết, lễ cúng cơm mới (hội mùa) và lễ hội đâm trâu. Trong những ngày này, gái trai xúng xính xiêm y, ăn mừng ca hát dưới ánh lửa bập bùng bên triền núi, tiếng cồng chiêng, đàn sáo cất vang.
Đọc sách, ta biết thêm tục táng treo trong nghi thức tang ma của đồng bào Hrê. Thời xưa, quan tài (ranan) được làm bằng cây tpê đốt cháy bên trong cho rỗng ruột, đủ chứa thi hài người chết. Sau đó, họ treo quan tài trên những cây lớn trong rừng. Về sau, nguồn gỗ lớn cạn đi, tập tục cũng đổi khác: “Thi hài người chết được đặt trong quan tài bằng ván, quan tài được lồng hai đầu vào khung gỗ làm giá chôn chặt xuống đất. Dưới quan tài đào huyệt sâu, lâu ngày hỏng giá gỗ quan tài sụp xuống, thi hài người chết bị lấp dần theo mưa gió” (tr. 161).
ĐỨC LINH
(bút danh của Phuy, hihi)

Thầy giáo già nặng lòng với văn hóa H’rê

Với dòng máu H’rê chảy trong người, thầy giáo Ðinh Văn Thành luôn đau đáu về văn hóa của quê hương bản xứ. Ông luôn cố gắng để có thể góp chút công sức của mình lưu giữ nét văn hóa cổ truyền người H’rê.
Thầy giáo Đinh Văn Thành cần mẫn ghi chép những tư liệu có được trong chuyến điền dã tại làng Kon Trú.
Tôi quen anh Đinh Văn Thành trong một lần cùng về Kon Trú (Vĩnh Kim, Vĩnh Thạnh) và cùng một mối quan tâm về văn hóa H’rê. Bắt được nhịp chuyện, anh xổ tung ra với tôi niềm đau đáu với văn hóa của dân tộc H’rê.
Trong chiến tranh, ông cùng nhiều bạn bè được đưa ra Bắc học tập. Năm 1962, tốt nghiệp khoa Văn tại Trường Sư phạm miền núi Trung ương Hà Nội, ông được phân công dạy cấp 2 ở nhiều tỉnh ngoài Bắc như Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Thái Nguyên. Đến năm 1970, ông tiếp tục về Hà Nội học ĐH Sư phạm Hà Nội 1. Tốt nghiệp đại học, ông về Hải Phòng dạy học đến năm 1975. Nước nhà thống nhất, ông về quê, công tác tại Ty Giáo dục Nghĩa Bình. Kể dài dòng như thế chỉ để khẳng định một điều, ròng rã suốt những năm tháng xa quê hương ấy, dù đi học hay đi dạy, ở đâu ông cũng tìm cách ghi chép lại những hiểu biết, những điều liên quan đến văn hóa H’rê mà ông nhặt nhạnh được. Cùng với đó, ông chịu khó làm giàu kiến thức nền, trình độ lý luận.
 
Thầy giáo Đinh Văn Thành sinh năm 1945, quê gốc tại An Trung, An Lão. Ông là hội viên Chi hội VHNT các Dân tộc thiểu số; hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian, Hội VHNT Bình Định.
Năm 1976, ông công tác tại Phòng GD&ĐT huyện Tây Sơn, ít năm sau, ông lại về Sở. Nhưng ở vị trí công tác nào, mối quan tâm đặc biệt của ông vẫn là những bản làng cách trở, những nơi xa xôi mà đồng bào còn nhiều thiếu thốn. Những ngày lưu lại Kon Trú, chứng kiến cảnh nhiều người già vui mừng, hồ hởi tìm đến hỏi thăm ông, nhắc lại chuyện năm cũ, tôi thầm hiểu vì sao bà con lại nhất mực trang trọng gọi ông là Thầy.
Nhà ở Quy Nhơn, nhưng ông Thành thường xuyên lên An Trung, An Lão thăm lại quê xưa, chuyện trò cùng bà con nơi đây. Ông Thành kể: Trước khi là Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Bình Định, từ năm 1986 đến 1992 mình là Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Lão. Đây là giai đoạn mình gom nhặt được nhiều tư liệu về văn hóa H’rê.
Nhờ làm việc cần mẫn, nghiêm túc, năm 2015, ông cộng tác với Nguyễn Xuân Nhân viết được tác phẩm Văn hóa cổ truyền của người H’rê ở huyện An Lão, tỉnh Bình Định (NXB Khoa học Xã hội, 2015). Nắm vững ngôn ngữ H’rê, ông là phiên dịch viên giúp Nguyễn Xuân Nhân đi sâu vào nghiên cứu văn hóa dân tộc này. Ông Đinh Văn Thành tâm sự: Tôi học được từ thầy Nguyễn Xuân Nhân rất nhiều. Trong tác phẩm Văn hóa cổ truyền của người H’rê ở An Lão, phần lớn việc phân tích, đánh giá là của thầy Nhân. Cùng với nhiều tư liệu điền dã có được trước đó, khi cùng thầy Nhân đi thực tế, tôi học được ở thầy nhiều điều thú vị, có ích cho công vệc bảo tồn văn hóa H’rê. Nhờ làm việc với một người vừa giàu tâm huyết, vừa giỏi nghề, sự hiểu biết của tôi cũng tăng lên.
Tham gia viết, tìm hiểu nhiều về văn hóa cổ truyền người H’rê, nhưng với thầy giáo Đinh Văn Thành, ông tâm huyết nhất vẫn là chữ viết của người H’rê. Sau nhiều năm giảng dạy, tiếp cận với văn hóa và tìm hiểu kỹ về cách phát âm của người H’rê, ông đã cùng TS. Tạ Văn Thông (Viện Ngôn ngữ học) đã trực tiếp biên soạn cuốn sách Và H’rê - Tiếng H’rê (2008). Đây là một trong những công trình thuộc đề tài “Xây dựng và hoàn chỉnh chữ viết, biên soạn sách phục vụ dạy và học tiếng BaNa Kriêm, H’rê, Chăm H’roi ở Bình Định”, do Sở KH&CN và Viện Ngôn ngữ học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) hợp tác thực hiện.
GS.TS Nguyễn Văn Lợi (Viện Ngôn ngữ học) nhận định: Tuy còn một số hạn chế nhất định nhưng không thể phủ nhận ý nghĩa và mặt tích cực của tư liệu khi góp phần khá quan trọng vào việc dạy và học tiếng H’rê, bước đầu định hình chữ viết riêng của đồng bào H’rê. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo điều kiện lưu giữ những nét văn hóa H’rê bằng chính chữ viết của đồng bào.
Nhiều lần đến thăm nhà, lần nào tôi cũng thấy thầy giáo Đinh Văn Thành cần mẫn ghi ghi chép chép, bổ sung, hệ thống lại mục từ trong chữ H’rê để phục vụ cho công việc giảng dạy. Những con chữ thon, đứng đẹp như đánh máy được người thầy giáo già chỉn chu chép trên cuốn sổ làm tài liệu lưu giữ. Nhìn quanh bàn làm việc của ông trên căn gác, tôi kịp nhìn thấy chồng bản thảo dày cộp. Hết thảy đều là những ghi chép, nghiên cứu về âm, từ, chữ viết của H’rê. Ông mong muốn có thể phổ biến chữ H’rê được rộng rãi hơn nữa để những người con H’rê có thể đĩnh đạc lưu giữ nét văn hóa của mình.
ĐỨC LINH
(bút danh của Phuy)

Nghệ nhân Nhân dân Ðinh Chương:“Trong máu tôi có điệu múa, lời ca Bana Kriêm!”

Nghệ nhân Nhân dân Ðinh Chương là một trong số ít những nghệ nhân dân gian có hiểu biết sâu sắc, thông tỏ về văn hóa Bana Kriêm. Không chỉ hát hay, múa giỏi, ông còn là một bậc thầy về chế tác và biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc mình.
Ông tham gia các hoạt động văn nghệ từ rất sớm. Năm 1967, ông đã là đội trưởng đội văn nghệ Vĩnh Thạnh, vừa sáng tác bài múa vừa sáng tác bài hát, kịch bằng tiếng mẹ đẻ, thường xuyên đi biểu diễn phục vụ đồng bào.
Nghệ nhân Nhân dân Đinh Chương chỉnh đàn T’rưng.
Nhắc nhớ chuyện xưa, ông đưa tay chỉ lên vách nhà sàn. Ở đó, là mấy chục bằng khen được ông trân trọng lưu giữ. Nhiều bằng khen trong số đó, giấy có từ thời kháng chiến, nhiều cái đã ngả màu xưa cũ. Năm 1977, Đinh Chương tham gia cuộc thi múa hát văn nghệ miền Trung. Ông biểu diễn tiết mục múa “Mừng lúa mới” và đạt HCV. Liên tiếp những lần tham gia sau đó, ông luôn có giải cao trong các cuộc thi, liên hoan văn hóa các dân tộc thiểu số ở mọi cấp độ.
Tiếp xúc với ông, dễ thấy chất lửa văn nghệ như còn đượm nồng bất chấp tuổi tác. Năm 2011, khi đã 72 tuổi, ông vẫn hăng say biểu diễn hơmon “Chàng Y Ông” trong Ngày hội các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bình Định và góp phần đưa đoàn Vĩnh Thạnh đoạt giải nhì toàn đoàn. Có lẽ chưa ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số nào được huyện, tỉnh tổ chức mà vắng mặt bok Chương. Ông hát hơmon, đan đát, biểu diễn cồng chiêng… đủ cả. Hình ảnh một già làng của núi rừng Vĩnh Thạnh cất cao tiếng hát ngọt đằm, vang xa đầy nội lực từ lâu đã thân thương, gần gũi trong công chúng.
 
Nghệ nhân Ðinh Chương sinh năm 1939, quê ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Hội viên Chi hội VHNT các dân tộc thiểu số, Hội VHNT Bình Ðịnh. Ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2015 và Nghệ nhân Nhân dân năm 2019.
Không chỉ giỏi múa, hát, kể hơmon, Đinh Chương còn là bậc thầy về chế tác và biểu diễn các loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc Bana, từ đàn T’rưng, đàn Blơng khơng, đàn goong, đàn Hơ đong, Đing Dút đến sáo Tà lía, sáo Ola. Tôi hết sức ấn tượng khi ông thổi Tà lía, là loại sáo có ba lỗ, thanh âm như muốn kết nối lòng người với rẫy rừng, với không gian xanh bao la phía trước mặt. Ngắm ông say sưa trình tấu minh họa, có cảm giác nhạc cụ như là một sinh vật sống, đang trò chuyện và cộng hưởng cùng nghệ nhân. Nghe tôi nhận xét, ông cười thật ấm: Trong máu tôi có điệu múa, lời ca Bana Kriêm, sinh ra đã thế rồi mà!
Mới rồi gặp lại ông trong Liên hoan văn hóa cồng chiêng tỉnh Bình Định lần thứ nhất. Ông nắm tay thật chặt, không che được nỗi mừng vui. Ông bảo, biết tin tỉnh tổ chức Lễ hội cồng chiêng, mừng lắm, ông cùng con gái gắng thu xếp để tham gia cho kỳ được. Ai tiếp xúc với ông cũng đều nhận thấy sự nhiệt thành của ông cũng như những nghệ nhân ở Vĩnh Thạnh. Họ vốn vậy, luôn hết mình để gìn giữ, trao truyền vốn văn hóa dân tộc mình.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh chia sẻ: “Nghệ nhân Đinh Chương là một báu vật sống của người Bana Kriêm. Nay dù tuổi cao nhưng ông vẫn vẹn nguyên nhiệt tình với văn hóa của đồng bào mình, vẫn là một già làng uy tín vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương, tiếp tục truyền dạy các bài hát, điệu múa, chế tác nhạc cụ giữ nét văn hóa Bana Kriêm. Đến đâu, ông cũng được bà con yêu mến, kính trọng”.
Mấy năm gần đây, Đinh Chương dành nhiều thời gian cho cháu con. Hiện ông đang ở cùng con gái và chăm sóc hai cháu ngoại. Cháu nhỏ mới đâu vài tháng tuổi, thế nên, ông có dịp… khoe tiếng hát ru, có dịp ngợi ca vẻ đẹp của những bài hát ru Bana Kriêm. Mà thật, đứa trẻ đang ngằn ngặt khóc bỗng ngoan ngoãn yên giấc trên đôi tay bế ẵm của ngoại. Tôi cứ mãi hình dung, sẽ thật diệu kỳ khi những lời ca da diết ngọt lành của đất của làng, của tấm lòng những bậc sinh thành len vào ký ức ấu thơ của những đứa trẻ, để mạch ngầm văn hóa âm thầm len lỏi đến tận từng mạch máu, đường gân, theo chúng trong từng bước đường phương trưởng, bất kể đó là Bana, Kinh hay Chăm Hroi, H’rê.
VÂN PHI



Tiễn biệt một ông già hồn hậu, hay cười


Dịch giả Trà Ly tên thật là Phan Trọng Cầu, sinh năm 1941, quê xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc. Năm 1962, học tại Ðại học Sư phạm I Hà Nội. Giai đoạn từ năm 1965 đến 1975 ông dạy tại Trường Học sinh miền Nam.
Từ năm 1975 đến 1987 ông làm việc tại Ty Giáo dục Nghĩa Bình.
Từ năm 1987 đến 1991 ông là Phó Giám đốc NXB Tổng hợp Nghĩa Bình.
Từ năm 1991 đến 2002 ông là Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội VHNT Bình Ðịnh.
Ông được trao 3 giải A và 1 giải B, Giải thưởng Ðào Tấn - Xuân Diệu.
Chỉ đâu vài ngày trước thôi, bạn văn còn thấy ông mỉm cười chuyện trò, nắm tay hỏi han, còn nghe ông kể về những câu chuyện, tác phẩm mà ông đã dịch và đang chuyển ngữ. Thẳm sâu trong đôi mắt ông ấm áp là tình yêu cuộc sống dâng tràn, mọi người đều nghĩ ông còn trường lực lắm, nhất là trong vai trò một dịch giả.

Ấy vậy mà! Thật bất ngờ, khi hôm qua, đêm 24.3, tôi sững sờ khi nghe tin đồng nghiệp nhắn gửi: Anh ơi, bác Trà Ly đã đi rồi…
Tôi chỉ mới biết đến ông vài năm gần đây bởi ông là thế hệ gạo cội trong giới văn chương Bình Định. Nhắc đến Trà Ly là người ta sẽ nhớ ngay đến một người có tính tình điềm đạm, từ tốn, đặc biệt ông chịu khó lắng nghe, dù người đối diện có trẻ đến đâu. Ở kênh giao tiếp nào, ông cũng bình dị, cũng lấy sở học của mình mà ôn tồn trò chuyện rất đỗi gần gụi. Có lẽ cũng vì thế mà ông viết được khá nhiều tác phẩm cho trẻ em. 
Năm 1955 ông tập kết ra Bắc, tốt nghiệp Khoa Văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, rồi dạy Trường Học sinh miền Nam. Năm học 1967 - 1968 chiến tranh ác liệt nên trường sơ tán sang Trung Quốc. Ở đây, nhờ thường xuyên tiếp xúc, trò chuyện với người bản địa, dần dần vốn tiếng Trung của ông đầy đặn lên và ông thêm yêu thích ngoại ngữ này. Cũng bắt đầu khoảng thời gian đó, ông thêm quyết tâm học tiếng Trung và chuyển ngữ tác phẩm văn học tiếng Trung.
Chủ yếu là mày mò tự học nên ông gặp không ít khó khăn. Ông không giấu diếm những khó khăn mà mình gặp phải trong việc chuyển ngữ. Tôi còn nhớ, có lúc chuyện trò với tôi cùng nhiều bạn văn, ông kể rằng hồi đầu mới bắt tay vào dịch, vất vả lắm, ông phải đánh vật với từng con chữ. Nhưng với sự kiên trì, bền bỉ, và lòng quyết tâm, dần dà ông đã có thể sử dụng tiếng Trung để dịch văn học. Hơn chục đầu sách do ông chuyển ngữ được các NXB Kim Đồng, Văn học, Trẻ ấn hành; hàng loạt truyện ngắn dịch, đăng ở nhiều tờ báo, tạp chí như báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội, Văn nghệ công an, Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, như một ấn chứng cho khả năng dịch thuật của ông.
Có lúc tôi hỏi ông, bác gửi cộng tác các báo như thế nào? Ông cười đôn hậu, bảo rằng mình cũng như bao cộng tác viên khác, xưa thì gởi đường thư tín, sau này thì gửi bằng thư điện tử e-mail và chờ đợi. Có báo mình kiên trì gửi năm bảy lần. Họ đọc, thấy được rồi đăng. Về sau nhiều tờ báo chủ động gọi mình, để “đặt hàng”. Tiếp xúc với ông, dễ thấy sự mộc mạc, gần gũi của một tâm hồn nghệ sĩ. Thời gian đầu tiên khi được làm quen với ông, tôi vẫn hay băn khoăn vì lẽ ông tịnh không một chút quan cách dù bước ra từ chốn quan trường. Chẳng gì thì ông cũng từng làm đến Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội VHNT. Nhưng Trà Ly trong trí nhớ của tôi luôn là một ông già hồn hậu, hay cười và chân tình.
Tác phẩm cuối cùng sinh thời Trà Ly đã đưa đến với công chúng.
Ông khiêm tốn, ham học hỏi và rất cần mẫn, tỉ mỉ trong công việc. Ông cũng là người hay sáng tác thơ, những câu thơ đầy chiêm ngẫm trĩu nặng nỗi người, nỗi đời. Thỉnh thoảng Trà Ly cũng viết văn. Nhưng khi nhắc đến ông, người ta vẫn nhớ ông với vai trò một dịch giả. Từ năm 1986 đến năm 2017, ông đã xuất bản 14 tác phẩm dịch. Trong đó, có những tác phẩm dày dạn như tiểu thuyết Bạch Lộc Nguyên (nguyên tác Trần Trung Thực), tiểu thuyết Con quạ (nguyên tác Cửu Đan), tập truyện ngắn Con mèo trong mưa (của 24 nhà văn nổi tiếng trên thế giới)…
Năm vừa rồi, 2018, ông tặng tôi tập truyện dịch dành cho thiếu nhi Đi tìm bà ngoại. Tập sách gồm hai câu chuyện thiếu nhi: Đi tìm bà ngoại của Water Macken và Chuyện kể của chú ngựa Đen của Anna Sewell. Tôi khá bất ngờ, vì nếu các đầu sách trước của ông được dịch từ tiếng Trung thì tập truyện thiếu nhi này là tập sách đầu tiên được ông dịch từ nguyên bản tiếng Anh.
Ông tâm sự, cũng như học tiếng Trung, ông tự mày mò học tiếng Anh. Ông nói, mình lớn tuổi, quỹ thời gian cũng kha khá nên có điều kiện để làm dày thêm vốn ngoại ngữ và dịch những truyện mà mình thích. Thế rồi ông kể lại, ngày xưa để học tiếng Anh, ông đã từng dày công chép tay quyển từ điển Việt - Anh 300 trang của Lê Bá Kông. Bẵng một thời gian, những năm gần đây ông tập trung học lại. Vất vả nhưng khi biết thêm nhiều từ vựng, lại thấy vui. Nhất là nhờ việc tự học ấy, mà ông đã tiếp cận được nhiều nguyên tác của các nước bạn.
Con người tận tâm vì công việc, luôn cố gắng trau dồi sở học của mình dù tuổi cao ấy đã rời “cõi tạm”. Rồi ai cũng về cõi ấy vĩnh hằng, nhưng hẳn rằng, với dịch giả Trà Ly, ông sẽ còn được nhiều người nhắc nhớ, vì tài năng, nhân cách của mình.
VÂN PHI - THẢO KHUY

Có một người Bana Kriêm như thế

Lần nào lên Vĩnh Thạnh, tôi cũng ghé nhà Yang Danh, để nghe ông say sưa, mải miết kể về người Bana Kriêm (còn viết là Bơhnar Kriêm), về đất và người Vĩnh Thạnh.
Hối hả viết về văn hóa Bana Kriêm
Yang Danh là nhà nghiên cứu văn hóa Bana Kriêm được nhiều người biết đến. Tác phẩm đầu tiên ông - Nhận diện văn hóa làng người Bana Kriêm Bình Định, được trao giải A3 của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam năm 1999. Tiếp đó là nhiều tác phẩm chuyên sâu nghiên cứu về lễ hội đâm trâu, ẩm thực, cồng chiêng… của đồng bào Bana Kriêm.
Được đồng bào ví là “từ điển sống văn hóa Bana Kriêm”, nhà nghiên cứu Yang Danh luôn được bà con chào đón như người thân.
Trong ảnh: Nhà nghiên cứu Yang Danh được mời uống rượu cần trong một gia đình Bana Kriêm.
Càng lo lắng về nguy cơ văn hóa của dân tộc mình bị bào mòn, ông càng hối hả viết. Những năm gần đây, Yang Danh lần lượt cho ra đời nhiều tác phẩm, đáng kể như: Văn hóa rượu cần của người Bana Kriêm, Tập tục truyền thống trong gia đình người Bơhnar Kriêm Bình Định, Văn hóa rượu ghè Bana Kriêm, Văn hóa nương rẫy người Bơhnar Kriêm Bình Định… “Có nhiều dân tộc có rượu cần, nhưng rượu cần của người Bana Kriêm có những nét riêng, vì thế mình mô tả tỉ mỉ về phong cách uống rượu của đồng bào mình”, Yang Danh kể.
Tác giả Yang Danh, tên thật là Yang Ðêu (SN 1946), quê ở xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh. Ông là Chi hội trưởng Chi hội VHNT các dân tộc thiểu số; hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian, Hội VHNT Bình Ðịnh; Chi hội phó Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Bình Ðịnh.
Tôi được mục sở thị khi được ông dẫn vào tham gia một cuộc rượu của người Bana Kriêm. Được chủ nhà mời rượu, tôi nhẹ nhàng đón cần rượu bằng hai tay. Tay phải nhẹ đặt vuốt dưới tay người mời rượu lên hướng ngọn cần. Tay trái cầm cần đến khi chủ nhà “mời anh một ché rượu” mới dám uống. Thoáng thấy gia chủ có vẻ ưng cái bụng với lễ nghĩa vừa “học mót” từ lời kể của nhà nghiên cứu Yang Danh, ngay sau đó tôi đã bối rối vì chủ nhà bất ngờ mời ăn… một hạt cơm. Khi ấy, Yang Danh mới ghé tai tôi nhẹ nhàng giải thích: “Đáng lẽ chủ nhà phải mời ghè rượu mới, thết đãi bữa cơm đàng hoàng. Nhưng vì mình ghé vào giữa buổi rượu, nên họ mời như thế để “làm phép”, cũng ngầm hứa hẹn lần trở lại sẽ đón tiếp chu đáo hơn”…
Cái cách Yang Danh chia sẻ văn hóa Bana Kriêm, cách ông vui sướng cũng như lo lắng về di sản của dân tộc mình khiến người đối diện không thể không ngưỡng mộ, quý mến ông.
Tôi còn sống, tôi sẽ viết…
Những kiến giải cặn kẽ của Yang Danh chứng thực hiểu biết tường tận về văn hóa Bana Kriêm. Và việc nhiều người làng ví ông như “từ điển sống văn hóa Bana Kriêm” không có gì là quá. Yang Danh bảo, ông học từ các già làng thời xa xưa, từ cha ông và gom nhặt cả từ gốc tích người Bana Kriêm tận các vùng trên Tây Nguyên khi có một thời gian ông công tác trên đó. Hành trình tìm hiểu văn hóa Bana Kriêm của ông vẫn tiếp diễn đều đặn. Ông tâm sự: “Văn hóa dân gian Bana Kriêm phong phú và còn nhiều thứ ý nghĩa lắm. Năm sau còn sống, tôi sẽ viết về tang ma trong văn hóa Bana Kriêm, sang năm nữa còn sống tôi sẽ viết tiếp về hoa văn thêu dệt, năm nữa sẽ là ngôn ngữ dân ca của người Bana Kriêm, cứ như vậy đến khi nào còn sống, tôi còn viết về người đồng bào mình…”.
Tôi tin lời Yang Danh vì khi đọc Nhà sàn cổ của người Bơhnar Kriêm, tôi thật sự thấy thú vị khi biết tuy cũng là của người Bana nhưng nhà sàn của người Bana Kriêm Bình Định lại khác với nhà sàn của người Bana ở Tây Nguyên. Tôi tin lời ông còn vì qua nhiều người, tôi biết ông rất tâm huyết và nhiệt tình khi tham gia biên soạn tài liệu giảng dạy ngôn ngữ Bana không chỉ cho con em địa phương mà còn cho cán bộ để mở rộng khả năng giao tiếp với đồng bào.
Những gom nhặt nho nhỏ về văn hóa của đồng bào Bana Kriêm khiến tôi luôn thấy thú vị và háo hức khi lên Vĩnh Thạnh. Và trong những cuộc trò chuyện với Yang Danh, tôi luôn có cảm giác như đang lật mở những trang sách cổ.
NGUYỄN VĂN
(bút danh của bạn Phuy, hihi)

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

Nơi lũ vừa đi qua...

PNO - Khi nước rút, những ngấn nước còn bạc thếch lưu dấu trên những thân cây xù xì, trên nền gạch ẩm mốc, bà Xuân cao đi bới rác còn lưu lại trên những thửa ruộng cao bờ, trên những bụi tre gai nằm dọc bên sông.
1. Một buổi chiều mưa không dứt, kèm theo cơn bão đã quật đổ nhiều gốc cây già trên các tuyến đường Quy Nhơn. Tôi gọi về quê chỉ nghe giọng ba tôi gấp gáp: “Nước vào đồng rồi. Đang mấp mé ngoài vườn. Ba má lo di chuyển đàn heo lên chỗ cao đã. Mưa gió to, đừng dìa nguy hiểm. Dậy nghen con”. Rồi cụ cúp máy.
Những đứa con xa quê chỉ biết liên hệ với gia đình bằng điện thoại mà thấp thỏm lo âu, cứ mỗi lần nghe lũ về là ruột gan bồn chồn, sợ hãi. Bạn bè từ khắp nơi trao đổi với nhau qua tin nhắn, qua Zalo, Facebook, tường thuật trực tiếp từng chút tình hình bão lũ: tuyến đường Hùng Vương (TP.Quy Nhơn); bờ tràn Huỳnh Mai (huyện Tuy Phước); cầu Trường Thi, Trường Cửu, Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn) ngập trong cơn nước lớn... Cứ vậy, nước dâng đến đâu, nỗi lo âu ngập tràn đến đó…
Noi lu vua di qua
Lũ về, nước tràn qua bờ tràn tại xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước
Ngày xưa, bọn trẻ chúng tôi hay mong đến mùa nước lên, để được nghỉ học vài ba hôm đi đơm cá, bẫy chuột đồng, bắt rắn nước, đặt bẫy bắt cò trên những gò đất cao… Mùa nước lớn tuổi thơ “hiền lành” lắm. Nước vào mơn trớn cánh đồng sau mùa gặt, cuốn đi những mầm mống rầy ôn còn sót lại sau vụ mùa hè thu, rải một lớp phù sa đắp bồi cho đất đai màu mỡ. Nhưng mùa nước lớn giờ đây đã khác.
Đôi khi chỉ cần mưa, là con nước đã về trắng đồng chẳng theo chu kỳ nào cả. Những cánh rừng già thượng nguồn bị đốn hạ, những công trình thủy điện mùa khô hanh trữ nước, khi mưa gió về lại mở cửa xả lũ khiến tình hình lũ lụt càng thêm phức tạp.
Người dân quê tôi vẫn còn ám ảnh cơn lũ cách đây vài năm, vừa thấy nước mấp mé ngoài vườn, chỉ vài phút sau đã xâm xấp nền nhà. Cơn lũ biến vùng đất thị xã An Nhơn và nhiều vùng khác thành con sông lớn không thấy bãi bờ. Trâu, bò, lợn, gà bị lũ cuốn nổi lềnh bềnh khắp nơi trong dòng chảy xiết. Nơi lũ đi qua, áo quần, sách vở chìm ngập trong bùn non.
Lũ lớn, những tay vớt củi thạo nghề như Mười Cơ, Hai Mẫn ở P.Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn từng ăn đời ở kiếp cạnh dòng sông Côn cũng rợn người trước dòng nước đục ngầu dữ dội. Nhớ lại trận lũ năm xưa, hai ông lắc đầu nguầy nguậy, cơn lũ như trận đại hồng thủy, sợ nhà mình còn không giữ được, tâm trí đâu đi vớt củi.
Giờ người dân quê tôi chỉ cần vừa nghe tin nước lớn và phong thanh đâu đó tỉnh bạn xả lũ, các hồ thượng nguồn đang mấp mé xả tràn điều tiết là đã tim đập chân run. Nhà nhà đều trữ sẵn nước mắm, mì tôm để chuẩn bị sống chung với những tai ương bất ngờ. Cũng bởi, lũ lụt bây giờ, khác xưa nhiều quá…
2. Mới rồi, lũ lại ập về, các tuyến đường bị chia cắt, những chiếc xe máy ùng ục trong dòng nước rồi tắt ngấm. Nhìn gió như cú vuốt đuôi còn lại của cơn bão số 6 vừa tan, nhưng chân không chịu đi hẳn mà cứ vờn vẽ trên những hàng cây xơ xác.
Nhớ bữa đó lúc bão số 5 ập vào, người bạn ở huyện An Lão gọi điện cho tôi, tiếng nói lẫn vào tiếng mưa đặc ri: “Lũ lớn sau bão đánh sập cầu huyết mạch nối hai xã An Dũng, An Vinh về trung tâm huyện An Lão (tỉnh Bình Định), cô lập 1.200 hộ dân. Để đi lại, hai ngày qua người dân ở chỗ mình liều mình ghép cây cau để vượt sông. Sao thấy nguy hiểm quá chừng”. Nghe giọng bạn mà mắt tôi cứ cay cay. 
Nơi cơn lũ đi qua, những thiệt hại tài sản cứ chất chồng. Cánh đồng Phước Sơn, Tuy Phước, nơi có vựa rau trồng theo mô hình rau sạch VietGap, lớn nhất nhì tỉnh Bình Định lâm vào cảnh dở khóc dở cười. Lũ rút, người dân đội nón ra đồng khi cơn mưa còn dầm dề chưa dứt. Bùn non bám đầy trên mặt lá.
Một cụ già luống tuổi đang dùng gàu múc nước ra khỏi đám rau của mình. Cụ bảo, ngâm nước ba, bốn ngày, rễ bị úng thủy, vài ngày nữa thôi sẽ thối rữa cả. Tôi xót xa vì chỉ cách đây không lâu, đây là xứ sở của những cánh đồng rau bạt ngàn, cung cấp rau cho cả nội thành Quy Nhơn và các vùng lân cận.
Đi qua Phước Thuận, Phước Thắng (huyện Tuy Phước), con nước còn xâm xấp mặt đường bê tông. Thỉnh thoảng tôi lại thấy những căn nhà trống huơ không mái, chỉ còn sót lại hai phần ba vách tường còn lộ mảng gạch đỏ sẫm, phía dưới ngổn ngang những gạch ngói, nhiều người lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”, ngồi bên đống đổ nát suy tư.
Tôi bất chợt nhớ lại mùa lũ cách đây ba năm, khi đi qua nơi này và bắt gặp hình ảnh bà Mai Thị Chín (trú tại thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) mái tóc bạc trắng, ngồi thẫn thờ trước căn nhà sập sau lũ, tôi như lặng đi. Bà Chín lôi trong đống gạch ngói chiếc áo cũ nhàu còn vương bùn non. 
Noi lu vua di qua
Những làng treo mép sóng ngày bão lũ phải đối diện với bao hiểm nguy theo từng cơn sóng dữ
Trời nắng chói chang rọi vào căn nhà đổ nát, nắng ráo hoảnh trên đôi mắt úa già của bà Chín, nắng chan chát như chưa từng có cơn lũ đi qua. Nhưng tôi cảm nhận được nỗi đau của người dân nghèo như mảnh đất khô cằn lại một phen xói lở khi nhìn vào từng miếng ngói, mảnh gạch vụn vỡ.
Nhặt nhạnh từng chút một, bà Chín dùng đôi bàn tay thô ráp xoa xoa, như đang âu yếm đứa con ruột thịt của mình. Đôi mắt bà vẫn không rời căn nhà mình gắn bó bấy lâu nay. Tôi nghĩ đến tuổi già bảy mươi của bà cùng những cơn tai biến suốt bảy năm qua, có lẽ, bà đã khô nước mắt… 
Đi qua các vùng quê, nhà cửa tan hoang sau bão lũ, người gần như mất hết tài sản, chỉ còn lại nền nhà đổ nát. Tôi chỉ biết trấn an bằng câu nói cũ rích: “Tài sản mất đi còn có thể làm lại, cũng may người không sao”. Bão đến, cây đổ, nhà bay, con nước lại tràn bờ bãi, dâng trong mắt người nỗi âu lo đến thảng thốt. Tất cả mới chỉ là bước đầu của mùa tai ương ở xứ sở như đoạn giữa đòn gánh của đất nước này…
3. Lũ về tan tác, nhưng từ vùng “rốn lũ” lại ấm lên những tình người. Ở An Nhơn quê tôi, tình làng nghĩa xóm những ngày bão lũ lại càng được thắt chặt. Giữa đêm mưa gió, nhóm thanh niên còn lại ở xóm Sành tập hợp với nhau, mặc áo tơi bơi sõng xung quanh làng, đến những gia đình có người già yếu neo đơn xem ai cần giúp đỡ hay không. Họ chuyền tay nhau điếu thuốc che dưới chiếc nón lá mà rít cho đỡ lạnh.
Tôi về quê khi con nước đang rời đồng. Nhìn ngấn nước sông Côn, chợt nhớ đến bà Xuân cao, một người phụ nữ chồng mất từ rất lâu, chỉ còn mình bà thui thủi bên căn nhà tranh lụp xụp mấy mươi năm qua cạnh bờ sông. Thực ra, tên bà là Nguyễn Thị Nuôi, dáng bà cao lêu nghêu, mỗi mùa lũ về đều lội trong dòng nước đến từng nhà xem ai có cần phụ gì đều sẵn lòng giúp đỡ. 
Khi nước rút, những ngấn nước còn bạc thếch lưu dấu trên những thân cây xù xì, trên nền gạch ẩm mốc, bà Xuân cao đi bới rác còn lưu lại trên những thửa ruộng cao bờ, trên những bụi tre gai nằm dọc bên sông để tìm những quả bí rợ mang về nấu canh và cả món chè bí ngon hết sẩy. Bọn trẻ chúng tôi khi ấy được bà cho ăn một lần là nhớ cả đời, cái món dân dã quê mùa sau cơn lũ mà đậm đà, ngọt lành hương vị quê hương. 
Nghe ba tôi bảo rằng, gần năm nay bà được chính quyền đưa về chăm sóc tại một nhà dưỡng lão. Ừ, thì bà cũng đã lớn tuổi lắm rồi, phải đến tám mươi, chẳng nhẽ suốt đời ôm lấy mái tranh bạc nhàu sống trong kỷ niệm. Nhưng, hẳn rằng, xa túp lều tranh ấy, bà sẽ buồn lắm… 
Nếu bà còn ở lại quê, thì giờ này, chắc hẳn còn nghe thấy tiếng bà rộn rã: “Dọn lụt chưa, có cần tui giúp gì hông?”. Vừa nói bà vừa xắn ống tay áo, bưng rổ rá, tạt nước rửa bùn non, nhiệt tình lắm. Thì người quê mà, chỉ đôi lời hỏi han rồi phụ giúp nhau rửa dọn sau lũ, đã thấy ấm lòng.
Cơn lũ rút dần, một chiều nắng trải vàng trên khúc sông quê, những người đàn ông tranh thủ thu mẻ lưới trên cánh đồng, với những cá rô, cá diếc, cá lúi mập ù đang quẫy cựa. Mùa lũ đi qua với bao nỗi niềm không kể xiết, chỉ có những chia sẻ ấm áp của tình thương là còn đọng lại. “Nước rút rồi” - bà con thở phào nhẹ nhõm. May mà mùa nước lớn năm nay “hiền” hơn năm trước...
Tôi trộm nghĩ, ừ, thì cũng may nhờ “thủy thần” chẳng có những cuộc “hợp binh”... 
Văn Phi

Bài đăng trên báo Phụ nữ thành phố HCM:  https://www.phunuonline.com.vn/noi-lu-vua-di-qua-a1395360.html

Vui buồn hát bội không chuyên

Nói cho thật bụng mình thì tất cả những “nghệ sĩ hát bội chân đất” tôi từng có dịp trò chuyện, đều tiết lộ “nói thế thôi chứ buồn nhiều hơn vui”. Nghe tâm sự mà chưng hửng, nhưng được cái không ai đặng đành mà rời bỏ. Thật vậy, chẳng có sự trói buộc nào cả. Chỉ là, tấm lòng còn quá đỗi tha thiết.
Chính điều ấy đã giữ họ, gắn chặt họ - những “nghệ sĩ hát bội chân đất” theo từng bước thăng trầm với hát bội. Khó mà nói hết những khó khăn mà các nghệ sĩ tuồng không chuyên phải đối diện. Nhưng họ, bằng cái tâm với nghề, từ những người nông dân, thợ may, thợ hồ… đã hóa thân duyên dáng như những diễn viên thực thụ.
Đoàn tuồng Nhơn Hưng biểu diễn trích đoạn Tiêu Anh Phụng loạn trào.
Tôi gặp nghệ sĩ Như Hoa (tên thật Trần Thị Quý) ở Đoàn nghệ thuật tuồng Nhơn Hưng, TX An Nhơn). Chị đã bén duyên với hát bội từ thuở lên mười. Mê hát, chị theo nhiều đoàn tuồng trong tỉnh đi diễn, rồi lập gia đình với nghệ sĩ Minh Lưỡng, cũng là một nghệ sĩ hát bội; hai vợ chồng lại cùng nhau nối nghiệp tổ, hết lòng với câu hát. “Không chỉ hai vợ chồng mà cả hai đứa con gái của mình cũng theo nghề này. Tụi nhỏ mê hát bội y như cha mẹ vậy”, nghệ sĩ Như Hoa tâm sự. Gia đình chị là những nhân tố nòng cốt của đoàn tuồng Nhơn Hưng, tham gia vào nhiều phong trào văn hóa văn nghệ tại địa phương. Mới năm ngoái, trong Hội diễn Sân khấu tuồng không chuyên toàn quốc năm 2018, đoàn tuồng Nhơn Hưng góp mặt với hai trích đoạn Tiêu Anh Phụng loạn trào  Tế sống Tạ Ngọc Lân để lại nhiều ấn tượng cho người xem.
Tôi không khỏi xúc động khi bắt gặp người từng vào vai Lão Tạ trong trích đoạn Lão Tạ sai cơ hết sức ấn tượng trong Liên hoan vừa kể, khi anh đang cặm cụi với một công việc không hề liên quan đến hát xướng. Dưới cái nắng oi nồng, người đàn ông ngoài năm mươi tuổi mồ hôi nhễ nhại ướt hết chiếc áo sờn cũ vẫn điêu luyện từng động tác xây xây tô tô của nghề thợ hồ nhọc nhằn. Anh là Võ Minh Tấn của đoàn tuồng Sao Mai (thuộc Trung tâm văn hóa tỉnh). Anh Tấn trải lòng: “Với đoàn tuồng Sao Mai thì tôi mới tham gia hơn bảy năm, nhưng nghề diễn của tôi thì đã hơn ba chục năm nay rồi. Tôi làm nghề thợ hồ cho vợ con đủ bát cơm nóng, còn hát bội là nỗi đa mang, là niềm vui không đong đếm được mà mình trót đeo đuổi”.
Các nghệ sĩ tuồng không chuyên tự hóa trang cho vai diễn của mình.
Thật tình cờ khi cách đây ba tháng, tôi gặp lại nghệ nhân Phạm Thị Kiều (nghệ danh Hoàng Kiều) trong một đêm diễn tại phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn. Chị thay vội mấy lớp áo ngoài sau khi diễn xong trích đoạn Đào Tam Xuân loạn trào. Thật khó hình dung, người phụ nữ có dáng người dong dỏng cao, hát hay diễn giỏi ấy cũng chính là “đầu lĩnh” của đoàn tuồng Ngô Mây (ở Phù Cát). Năm 2012, chị mạnh dạn thành lập đoàn rồi bươn chải đưa đoàn biểu diễn nhiều nơi. Nghề hát bội cũng theo thời vụ, ba tháng âm lịch đầu năm có nhiều hợp đồng, mức sống anh em nghệ sĩ tương đối dễ thở. Càng sau càng thưa vắng dần. Chị bộc bạch: “Nơi mời diễn thì có chừng, mà đoàn biểu diễn thì không ít bởi lẽ không mấy ai đành đặng mà bỏ nghề. Cho nên có khi ba, bốn đoàn chạm mặt nhau tại một địa phương. Nhiều lúc phải bốc thăm hoặc “bỏ thầu” để chọn đoàn. Người vui, kẻ buồn nhưng trong nghề quen biết cả. Nhiều lúc mình được diễn mà chạnh lòng cho bạn nghề”.
Những phút chạnh lòng ấy khiến người nghe như tôi vừa mừng vừa xót. Là bởi, để sống được với nghề trước hết vai diễn của họ cũng phải “sống” trong lòng người xem. Mà điều ấy, trong cơ chế và thị hiếu thực tại, đâu dễ. Tôi chợt nhớ đến lời của NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ trong buổi tổng kết Hội diễn năm 2018, ấy là, cần xác định tác phẩm tuồng cũng như là một loại “hàng hóa đặc biệt”, phải cố công đầu tư, hạn chế những điển tích, điển cố khiến người xem khó hiểu, phải xem xét, tổ chức, sắp xếp lại các trò, bố trí lại làn điệu cho bài bản, chỉn chu. Hát, diễn sao cho vừa giữ được cái chất của tuồng truyền thống vừa cải biên cho phù hợp với lớp khán giả hiện đại. Ông cũng nhận xét về các nghệ sĩ tuồng không chuyên ở Bình Định, rằng: Nhiều nghệ sĩ đã vươn tới tính điêu luyện của nghệ thuật sân khấu truyền thống. Qua các nhân vật, từ truyền thống đến hiện đại, các tiết mục đã thể hiện những tìm tòi, sáng tạo của nghệ nhân, nghệ sĩ...
Nghệ thuật tuồng là một loại hình không dành cho những kẻ ăn xổi ở thì. Để mong thành nghề, người diễn viên phải dốc lòng chiu chắt, bồi dưỡng nghề cho nhuần nhuyễn, tinh luyện. Hầu hết các đoàn tuồng không chuyên ở tỉnh ta có chung hoàn cảnh là các nghệ sĩ phân tán ở nhiều địa phương khác nhau nên việc ráp vai, tập luyện không được thuận lợi. Tuy không có điều kiện tập luyện như các nghệ sĩ tuồng chuyên nghiệp, nhưng ý thức về nghề của “nghệ sĩ tuồng chân đất” vẫn bài bản khi họ cố công tìm cách ôn luyện, học vai. Cho nên, khi bước lên sân khấu, vai nào cũng ra dáng, ra hình.
“Tuy mỗi người một nơi với những công việc riêng mưu sinh, nhưng khi có hợp đồng biểu diễn là anh chị em đều thu xếp công việc tề tựu đầy đủ. Các nghệ sĩ dường như đã thuộc nằm lòng các trích đoạn, tuồng tích. Khi gặp nhau, họ chỉ cần nửa ngày để ráp vai là có thể bước lên sàn diễn, nhập tâm vào từng nhân vật”, ông bầu Lê Văn Bình, đoàn tuồng Sông Côn (ở Vĩnh Thạnh) tâm sự.
Gặp các “nghệ sĩ chân đất”, tôi biết rằng, họ gắn cuộc đời mình với hát bội, không chỉ vì cuộc mưu sinh. Họ vẫn từng ngày thầm lặng với tình yêu hát bội. Nhiệt tâm là thế, nhưng mỗi lần ngoảnh lại, các nghệ nhân tâm huyết với tuồng không khỏi chạnh lòng. Vì rằng, nhiều nghệ nhân càng lão luyện nghề, càng dày kinh nghiệm thì vòng đời cũng dần mỏng lại, trong khi những đào, những kép trẻ hát bội kế nghiệp lại ngày càng ít. Tre già nhưng măng chưa chịu mọc. Đó cũng là nỗi trăn trở chung của hết thảy những ai dành tình yêu cho nghệ thuật truyền thống hát bội. 
 ĐỨC LINH
(bút danh của Phuy, hehe)

ambum ảnh

ambum ảnh

Bài đăng phổ biến

Được tạo bởi Blogger.