123, Example Street, City 123@abc.com 123-456-7890 lasantha.wam

hạnh phúc trổ mầm từ phía cô đơn...

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2022

Người sưu tập tiền xu trên đất Vua

 Chỉ mới theo đuổi việc sưu tập tiền chừng 5 năm thôi, nhưng anh Lê Quốc Cường (SN 1978, ở phường Bình Ðịnh, TX An Nhơn) đã sở hữu một bộ sưu tập tiền xu đầy đặn.

.

ĐAM MÊ TỪ MỘT… MẮC MÍU

Nhắc nhớ về cái duyên đến với việc sưu tầm tiền xu, anh Lê Quốc Cường kể: “Chuyện ấy đến với mình rất ngẫu nhiên. Cách đây hơn 5 năm, khi lần đầu cầm đồng xu để xin keo, mình chợt tự hỏi, không biết bốn chữ đúc nổi trên đồng bạc ấy nghĩa là gì. Chỉ thế thôi mà mình dùng mọi thủ pháp tra trên google với nhiều câu lệnh khác nhau, mãi mới biết được hai chữ “thông bảo” - đồng tiền lưu hành thông dụng. Hai chữ còn lại phải tìm người giảng giúp. Trong quá trình tìm đọc, càng tra cứu càng thấy nảy sinh nhiều điều thú vị. Thế là đâm ra ghiền lúc nào không hay”.

Đồng xu Thiên Hưng thông bảo trong bộ sưu tập của anh Lê Quốc Cường

Tiền xu Việt Nam được sản xuất từ các chất liệu như nhôm, đồng, kẽm, sắt hoặc hợp kim; là phương tiện thanh toán phổ biến từ những năm giữa thế kỷ thứ X đến đầu thế kỷ XXI. Tiền xu Việt Nam được phát hành lần đầu vào giữa thế kỷ thứ X, thời kỳ nhà nước Ðại Cồ Việt dưới thời vua Ðinh Tiên Hoàng. “Ở thời phong kiến, gần như cứ mỗi ông vua lên ngôi, triều đình lại cho phát hành một loại tiền mới. Và nhiều khi, chỉ thay đổi niên hiệu, vua cũng cho phát hành tiền”, anh Cường chia sẻ.

Muốn trực tiếp cầm nắm, săm soi từng đồng xu cũ, anh cố công đặt mua tiền xu từ nhiều kênh khác nhau, có lúc phải đến tận nơi để trực tiếp giám định. Dần dần anh thấy những đồng “thông bảo” quả thật phản ảnh một phần lịch sử nên nhen nhóm ý tưởng sưu tầm đủ bộ tiền các triều đại Việt Nam. Anh tham gia vào các hội nhóm tiền cổ trên mạng; các chuyên gia thấy anh đam mê nên tận tình chỉ bảo và giới thiệu nhiều nguồn tài liệu để tham khảo. “Nghề chơi cũng lắm công phu, muốn sưu tập xu thì ít ra cũng phải có nền tảng về tiền cổ. Bởi vậy, mình phải tự trang bị các kiến thức về tiền xu và lịch sử, rồi mày mò tự học chữ Hán”, anh Cường thổ lộ.

Bộ sưu tập tiền xu của anh Lê Quốc Cường hiện gần như đầy đủ các loại tiền xu của Việt Nam từ thời vua Đinh Tiên Hoàng đến triều Nguyễn, cả tiền Đông Dương đến tiền Việt Nam thời hiện đại. Mỗi lần đến căn nhà anh tại phường Bình Định, tôi lại được anh giới thiệu cặn kẽ từng loại xu một, từng câu chuyện gắn liền với lịch sử đồng xu ấy. Thích thú và say mê. Anh thổ lộ: “Để chăm chút cho phòng trưng bày tiền xu, mình phải tự tay sắp xếp các không gian trong phòng, lắp 3 tủ kính lớn để trưng bày tiền xu theo thứ tự các triều đại”.

Cầm một đồng xu cổ đã lên ten xanh, ngắm nghía một hồi lâu anh chỉ rõ từng đường vân, từng dấu chữ và cả cái nét xưa cũ như phủ lên đồng xu nhỏ lọt thỏm trong lòng bàn tay. Đó là đồng xu Thiên Hưng thông bảo (1459 - 1460), một trong số những đồng xu đẹp, hiếm mà anh rất thích. Tiền Thiên Hưng thông bảo do vua Lê Nghi Dân, vị hoàng đế thứ 4 của nhà Hậu Lê cho đúc và đặt tên theo niên hiệu Thiên Hưng của mình. Lê Nghi Dân tại vị 1 năm, nên đồng Thiên Hưng thông bảo không nhiều.

Anh Lê Quốc Cường giới thiệu đến bè bạn các loại tiền xu mình sưu tập.

TRUYỀN CẢM HỨNG YÊU LỊCH SỬ NƯỚC NHÀ

Nói đến yếu tố “đẹp” của tiền xu, anh Cường phân tích: “Xu đẹp có nhiều tiêu chí. Thứ nhất là xu có ten nguyên bản. Nếu tẩy rửa thì xu mất 2/3 giá trị. Màu ten đẹp như xanh ngọc, như ten silicat, ten đỏ tím. Thứ hai là rõ chữ. Thứ ba không bị trầy, rỗ mặt xu, tròn vành sắc cạnh, hai mặt đều đẹp”.

Phòng trưng bày bộ sưu tập tiền xu của anh mở ra một không gian xưa cũ, đầy hoài niệm. Trên kệ sách ở thư phòng, ngoài một số sách lịch sử, còn nhiều loại sách dành cho người có niềm đam mê sưu tập tiền. Điểm đặc biệt trong bộ sưu tập tiền xu của anh Cường, là anh tập hợp trọn bộ tiền của nhà Tây Sơn từ tiền Thái Đức thông bảo do vua Thái Đức Nguyễn Nhạc phát hành đến Quang Trung thông bảo, Quang Trung đại bảo của vua Quang Trung, và Cảnh Thịnh thông bảo - do vị vua cuối cùng của nhà Tây Sơn cho đúc và phát hành. “Đặc biệt, có loại tiền xu được nhà Tây Sơn chế ra không phải để lưu thông như tiền tệ thông thường mà chỉ để gửi sang nhà Thanh bên Trung Quốc, ngầm tỏ bày sự tự cường, kiêu hãnh dân tộc trong bang giao. Ấy là đồng Quang Trung thông bảo, mặt lưng có hai chữ “An Nam”. Mình sưu tầm tiền xu thời Tây Sơn với mong muốn giữ gìn một phần di sản của triều đại Tây Sơn và vì lòng kính ngưỡng Hoàng đế Quang Trung!”, anh Cường tâm sự.

Những ngày cận Tết đến nhà anh, bên ly trà ấm, chúng tôi chia sẻ nhiều với nhau. Anh tặng tôi một đồng xu cũ của triều Tây Sơn làm kỷ niệm. Rồi anh nồng nhiệt tỏ bày: “Năm ngoái, mình dùng tiền xu như một món quà lì xì ngày Tết, mọi người thích thú lắm. Năm nay, mình cũng sẽ lì xì một số bạn bè tiền xu này để chia sẻ niềm vui với mọi người. Mình nghĩ thú vui sưu tập đã nhen lên tình yêu lịch sử dân tộc mình. Hồi phổ thông mình học lịch sử thường lắm, nhưng nếu bây giờ mà học lại chắc chắn mình sẽ rất khá. Vì vậy với thú vui sưu tập, mình rất muốn con trẻ có thêm cảm hứng yêu thích, ham tìm hiểu sử Việt”.

Người trong giới sưu tập thường hay kín tiếng, đặc biệt là sưu tập tiền. Họ tìm đến việc sưu tập như một thú vui, để từ những hiện vật mà mình sở hữu có thể lặng lẽ chia sẻ với nhau những phát hiện thú vị. Anh Cường nói, có khi mình săm soi cả ngày một đồng xu, rồi lại lụi hụi tra cứu kỹ lưỡng về lịch sử đồng xu, nó ở niên đại nào, do ông vua nào đúc. Mỗi đồng xu đều gắn liền với một giai đoạn lịch sử nước Việt, ghi dấu ấn những thịnh suy một thời. Sưu tập đồng xu, cũng là cách để mình tìm hiểu sâu hơn lịch sử, trân trọng những giá trị của người xưa.

NGÔ PHONG

P/S: Bài trên báo Bình Định, 25.01.2021

Link: http://www.baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=46&macmp=46&mabb=164876

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

ambum ảnh

ambum ảnh

Bài đăng phổ biến

Được tạo bởi Blogger.