123, Example Street, City 123@abc.com 123-456-7890 lasantha.wam

hạnh phúc trổ mầm từ phía cô đơn...

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2022

Yă Xuâng nữ nghệ nhân hơ mon cuối cùng...

Trò chuyện với tôi, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh tiếc nuối: Giờ người có thể hát, kể hơ mon ở Vĩnh Thạnh này chỉ còn đôi, ba người; trong đó, đặc biệt nhất là nữ nghệ nhân Yă Xuâng (tên thật là Ðinh Thị H’Lên, SN 1936 ở làng K2, xã Vĩnh Sơn) - người hát, kể hơ mon hay nhất, nhuần nhuyễn nhất và nắm giữ nhiều bài hơ mon nhất...

NNƯT Yă Xuâng hát kể hơ mon như một món quà tặng khách phương xa.

Yă Xuâng là nữ nghệ nhân Bana duy nhất ở Vĩnh Thạnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT). Giữa cái lạnh se sắt, tôi lên Vĩnh Thạnh. Đến làng K2 xong, còn phải đi một thôi đường núi hơn 10 km gập ghềnh dốc đồi, đất nhão nhịt, trơn trượt mới tới nơi. Nhưng bù lại, khi đến nơi, ai cũng thích thú bởi nhà của Yă Xuâng lọt thỏm trong một thung lũng nhỏ vắng, giữa những thửa ruộng lúa nước long lanh, bình yên.

Giọng hơ mon trong thung vắng

Có lẽ rất lâu rồi cũng chưa ai ghé thăm nên khi thấy chúng tôi, bà khá bất ngờ. Mời khách vào nhà sàn, chêm thêm củi vào bếp, nhắc đến hơ mon, bà cời lại than cho hơi ấm lan tỏa, xua đi cái lạnh, giọng thật ấm, bà kể: “Ngay từ khi còn nhỏ, tầm mười hai mười ba tuổi tôi có theo cha mẹ lên thăm người thân ở K’bang, tỉnh Gia Lai và nghe họ hát hơ mon rất cuốn hút. Vì cứ muốn nghe rồi lại cứ muốn nghe thêm nữa, tôi xin mẹ cha nhiều lần lên xuống để học cho được bài hơ mon. Tôi học hơ mon thuận lợi vì ngoài họ hàng ở K’bang, cha tôi trước đây cũng là một người hát hơ mon rất hay. Tôi cứ học mỗi người một ít như vậy, rồi nhẩm tính lại cũng gần hai mươi trường ca hơ mon”.

 

Hơ mon còn được gọi là sử thi hay trường ca Bana được trình bày dưới dạng hát, kể với những làn điệu âm nhạc có ngữ điệu, sắc thái, cường độ thay đổi linh hoạt theo mạch kể của câu chuyện. Hơ mon thể hiện xen kẽ văn vần với văn xuôi. Và thường, đề tài chủ yếu mà hơ mon hướng đến là về những người anh hùng.

Suốt nhiều năm nay, Yă Xuâng ở trên nhà rẫy, hai vợ chồng già bầu bạn cùng nhau. Hằng ngày chăm vườn mì, nuôi đàn gà, nấu rượu ghè. Khi trước, lâu lâu nhớ con cái, hai vợ chồng Yă Xuâng lại lụi hụi đi bộ về làng. Giờ tuổi cao sức yếu, cứ mười hôm nửa tháng thì con cái lại lên đón. Hơ mon phải có người nghe, phải đông khán giả, mà những năm nay, bà “ở ẩn” nơi thung vắng lời hơ mon cũng lặng về phía ngày cũ. Nghĩ vậy, nên tôi thắc mắc: “Yă vẫn còn hát hơ mon chứ?”. Bà cười hiền khô: “Còn chứ! Có khi, những đêm ngồi bên bếp lửa đỏ nhà sàn một mình, tôi lại hát. Nhưng giờ già yếu rồi, hát một đoạn ngắn thôi bất kỳ mà mình nhớ, chứ không hát đủ hết được như xưa nữa”.

Nói đoạn, bà lại nhóm thêm củi vào bếp, rồi bà cất lời. Tiếng hát dìu dặt, say mê. Bà bảo, hơ mon người Bana hay kể lại những câu chuyện tình yêu lứa đôi tuổi trẻ, những chuyện anh hùng giữ đất giữ làng đánh đuổi kẻ xâm lấn, có khi hơ mon kể lại những chuyện gần gũi như chuyện đi thăm bà con, đi thăm rẫy, vào rừng… Bản thân bà biết nhiều bài hơ mon như Prăng Cắt, Mung Mol, Chum Chrai, Chom Proông… Nhiều năm trước, có bài hơ mon đã được nhà nghiên cứu Hà Giao ghi lại. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ vốn hơ mon mà Yă Xuâng đang giữ.

Phải hiểu, phải yêu thích mới muốn giữ lại

Nhắc đến nghệ nhân Yă Xuâng, Nghệ nhân Nhân dân Đinh Chương chia sẻ: “Ngày trước, tôi cũng nhiều lần được nghe Yă Xuâng hát hơ mon. Tiếng hát của bà rất cuốn hút. Mọi người già trẻ quây quần bên bếp lửa nhà sàn nghe bà say sưa. Những đứa trẻ nằm trên tay những người mẹ ngủ lúc nào không hay, nhưng người lớn thì khác. Nghe Yă Xuâng hát kể hơ mon càng nghe càng thích, càng tỉnh”.

Hơn 5 năm nay, vì tuổi cao sức yếu nên Yă Xuâng không thể tiếp tục truyền dạy hơ mon nữa. Bà thổ lộ: “Hơ mon chủ yếu được truyền lại bằng phương thức truyền miệng. Khó học lắm. Vì dài, khó nhớ. Hồi trước có người theo học một thời gian rồi thôi. Họ bảo khó, học hoài mà không hát, không kể thành bài được. Những người trẻ bây giờ cũng ít ưng hơ mon. Họ tìm đến những thứ hiện đại khác. Hơ mon thuộc về cái xưa cũ của ông bà, nó quý nhưng phải hiểu, phải yêu thích mới thấy nó có giá trị, muốn giữ lại. Mỗi thời một khác mà. Nhưng vẫn cứ thấy tiếc tiếc…”. Với những đóng góp của mình, nghệ nhân Yă Xuâng được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian năm 2007. Năm 2015, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNƯT.

Gần cả cuộc đời sống với hơ mon, điều mà lâu nay Yă Xuâng chưa nguôi trăn trở, là trong bối cảnh cuộc sống có nhiều biến đổi, nhiều giá trị văn hóa cổ truyền trong đó có hơ mon đang dần bị lãng quên, mai một, không tránh khỏi nguy cơ sẽ mất đi mãi mãi. Và dường như, đó cũng là niềm khắc khoải chung của các nghệ nhân lớn tuổi tại Vĩnh Thạnh mà tôi tiếp xúc.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh, tâm sự: “Những nghệ nhân còn nắm giữ và có khả năng trình diễn hơ mon như NNƯT Yă Xuâng vô cùng hiếm. Một nghệ nhân hơ mon thực thụ phải là người có giọng hát tốt, khỏe, phải thuộc nhiều làn điệu. Đồng thời, phải biết xử lý cốt truyện, biết phân đoạn phân câu, nhuần nhuyễn câu chuyện của mình kể mà xử lý âm điệu, lấy hơi, chọn nơi luyến láy nhằm dẫn dắt câu chuyện sinh động. NNƯT Yă Xuâng hội đủ các yếu tố ấy. Bà là vốn quý của dân tộc Bana, sau bà có lẽ sẽ khó mà kiếm được nghệ nhân nào như vậy nữa”.

VÂN PHI 

P/S: Bài đăng báo Bình Định, ngày 20.2.2022

Link: http://www.baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=166213

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

ambum ảnh

ambum ảnh

Bài đăng phổ biến

Được tạo bởi Blogger.