123, Example Street, City 123@abc.com 123-456-7890 lasantha.wam

hạnh phúc trổ mầm từ phía cô đơn...

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Hoa Uyên Tử (Tặng người đàn ông với chiếc xe đạp không xích)

Hoa Uyên Tử                                                  
                                                                                                                          Vân Phi
                                                             (Tặng người đàn ông với chiếc xe đạp không xích)
Thằng Tèo Lết tu một hơi sạch ly cà phê: “Ngon thật”. Thằng Tám tỏ ra thông thái chửi: “Thằng ngu, cà phê là phải nhắm từ từ từng ngụm để cảm nhận hương vị của nó. Không phải như mày uống rượu trong xó núi đâu”. Thằng Tèo Lết gãi đầu. Nó nhe răng ra cười, răng cửa bị thiếu mất một chiếc. Nhìn nó như Sác Lô thời a còng. Chưa cần diễn chi thì người đối diện đã muốn cười.
***
Thực ra, Tèo Lết không phải tên thật của nó. Ngày nó được sinh ra bên núi An Mư đúng mùa hoa tiểu uyên tử nở tím cả cánh rừng già. Họ đặt tên nó là Uyên Tử. Nó phổng phao, đôi mắt tròn đen như hạt cườm màu ngọc bích. Nhưng từ khi lên tám tuổi, chả hiểu sao đôi chân nó teo lại, mềm oặt. Cơn đau hành hạ từng ngày, nó khóc nhiều đến mức mắt bị mù. Vợ chồng ông Năm đau xót khi thấy con mình như vậy. Tất nhiên, ông Năm biết nguyên nhân vì sao thằng con trai duy nhất của mình ra nông nỗi như thế…
Ông Năm từng là lính Việt Nam cộng hòa. Nhưng bản tính chơn chất, chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ phương hại ai cả. Chiến tranh đã khiến con người ta không còn là mình nữa, những con người bình thường bỗng trở nên quyết liệt đến đáng sợ. Giữa lằn ranh sống chết, tiếng súng nổ không khoan nhượng. Ông Năm sợ hãi những âm thanh đoành đoành, những tiếng nổ của đạn pháo rung trời kia. Sợ những cú chạm mặt nhau giữa những người từng là đồng hương uống chung dòng nước, giờ lại ở hai bên chiến tuyến chĩa lưỡi hái tử thần về nhau để một mất một còn. Tất thảy những điều đó ám ảnh ông Năm trong từng hơi thở, mỗi khi ông nhắm mắt là cơn ác mộng về tiếng súng, lửa, máu lại ùa về xâm lấn...
Một ngày nọ, ông đội mưa gió trốn khỏi cánh rừng A Bảo trong tiếng súng nổ chát chúa giữa hai bên chiến tuyến để tìm về với người vợ hiền nơi miền quê yêu dấu. Trên đùi máu chảy bê bết bởi vết đạn chẳng biết của phía nào. Giờ nghĩ lại những ngày tháng cũ, đôi lúc ông nghĩ, giá mà ngày ấy chết luôn thì hay. Chết dưới viên đạn của những người bên kia chiến tuyến hay chết trong bom rơi đạn lạc, hoặc nhắm mắt rút chốt lựu đạn là xong. Nếu vậy thì chẳng có ngày hôm nay, chẳng phải thấy đứa con của mình đau đớn oặt ẹo như vậy khi bị lây nhiễm thứ chất độc nguy hại hủy hoại từng thế hệ. “Uyên Tử à. Ba xin lỗi. Có lẽ con không nên đến thế giới này để rồi gánh chịu tất cả những điều đó”, nhìn đôi chân nhũn nhặn của con, nghĩ đến những tháng ngày qua thằng bé im bặt không khóc cũng không nói lời nào, ông Năm cầm quả lựu đạn trên tay run run, nước mắt lăn dài trên gò má đen sạm. “Khốn nạn thật! Tại sao?”, ông Năm cười điên dại. Tiếng nổ vang trời bứng luôn gốc cây bời lời bốn tháng tuổi bên mé rừng, rung chuyển cả ngôi nhà mái lá xập xệ. Uyên Tử có lẽ vẫn đang ngủ. Cũng chẳng biết được nó đang ngủ hay thức. Nó vẫn im lặng. Đôi mắt nhắm nghiền. Hơi thở vẫn đều đều, chỉ có thân thể là gầy quéo như một xác ướp, thỉnh thoảng khẽ rung lên một chút.
Uyên Tử ghét ba nó. Có lẽ vậy. Nó tránh né mọi lời hỏi han ân cần và sự chăm sóc chân thành của chú Năm. Mẹ nó chết khi nó vừa lên 9 tuổi, mất cùng đứa em đang tượng hình gần 4 tháng tuổi khi bà bị dòng thác cuốn đi theo cơn lũ nghịch mùa. Nó nhớ đôi bàn tay ấm áp của mẹ hay áp vào má nó, xoa trán nó và cả tiếng khóc thút thít của bà dưới bếp trong căn nhà hai gian. Nó nghe hết.
Uyên Tử vẫn hay gồng đôi tay lết ra con suối mà mẹ nó bị cuốn đi để ngồi một mình. Nó tựa lưng vào gốc bời lời già, hái một chiếc lá và thổi. Âm thanh rít lên thống thiết như con chim rừng bị cứa cổ hòa vào tiếng suối gào riết thê lương. Âm thanh nhẹ dần rồi dìu dặt buồn hun hút, nghe như ai oán, nghe như chênh vênh. Trong mắt nó rỉ ra thứ nước đặc sánh. Như máu. Chẳng phải nước mắt…
Người ta vẫn thấy Uyên Tử lết đi đến cuối xóm Hẻo dưới chân đồi An Mư mỗi khi ba nó lên rẫy. Nó không muốn ở nhà, nó không muốn nằm trên chiếc giường bện tre và chiếc chiếu cói bằng dây đay sần sùi vẫn còn hơi ấm của mẹ. Những thứ đó làm nó nhớ. Nhưng cũng làm nó sợ. Nó sợ điều gì cũng chẳng rõ. Có lẽ, nó sợ những hồi ức ấm áp và thực tại mục ruỗng đầy cay nghiệt. Vậy là, thay vì lầm lì đối diện, nó tìm cách trốn tránh.
Khi nó lên 15 tuổi. Ba nó bán hết đất rẫy và căn nhà vách nứa với giá rẻ mạt chuyển về thành phố An Khương sống. Ông Năm tìm được công việc trong một nhà máy giấy. Hai cha con ở nhà của một người quen. Hình như là một người bạn chí thân sống chết từ thuở còn chiến tranh của ông Năm đã chuyển lên Sài Gòn không ở đó nữa. Ngôi nhà cũng chẳng khá hơn ngôi nhà trước của thằng Tèo là mấy. Tường gạch nhiều chỗ nứt nẻ. Có đoạn bị thủng một lỗ rõ to. Xung quanh là những ngôi nhà cũng bằng vai phải lứa như thế. Chúng nằm lởm chởm xiêu vẹo dọc theo một con hẻm nhỏ, lọt thỏm giữa phố. Xung quanh xóm nhà lá ấy là những nhà cao tầng với giàn tigôn và hoa tulip xinh đẹp. Dân tình ở thế giới văn minh xung quanh xem những người trong con hẻm này là những quái thai kì dị của xã hội. Họ đặt nó với cái tên mạt sát: Hẻm Chó Mửa.
Đã nhiều năm nay, đây là nơi trú ngụ của bao thân phận nghèo rách rưới và đói khổ. Từ những tay sống bằng nghề xăm vẽ, trổ những nét rồng phượng cho lũ choai choai học đòi mới lớn đến gã nhà thơ tóc dài chấm lưng nửa tháng chưa chịu tắm hay ngồi thẩn thơ đọc những câu cực vớ vẩn như trời hành. Rồi cả những tay chạy xe ôm mặt mày nhếch nhác, thuốc lá phì phèo, ăn nói bỗ bã, sẵn sàng văng tục chí mạng khác hẳn với văn hóa học đường dạ thưa. “Nậu cha mày, có chịu ăn không tao cho cái bạt tai chết mẹ bây giờ”, “Đù mạ thằng Tí đâu, hôm nay sao mầy không đi học để cô giáo gọi tao mắng dốn tơi tả”. Vừa nói các ông bố vừa xách roi dí con chạy tán loạn cả xóm nhà lá. Đó là những âm thanh mà thằng Tèo Lết từ khi chuyển đến sống nơi đây đã quen thuộc. Nó im lặng và lắng nghe. Thế thôi. Có những điều nó không thấy nhưng “nhìn” được, giống như một nhà hiền triết nào đó đã từng nói, kẻ mù có đôi mắt của trái tim… Quả thật, ít ai để ý rằng, đằng sau những câu nói nghe như chát chúa và bị xem là lũ thất học vô văn hóa kia là những tấm lòng yêu thương được ngụy trang bằng sự xù xì thô ráp của lớp ngôn ngữ bụi đường.
Họ lao ra cuộc sống bên ngoài vất vả, sẵn sàng chịu đựng sự phỉ nhổ và coi khinh của những người tự cho mình có đẳng cấp thượng lưu để kiếm miếng cơm cho vợ con. Họ cũng lao động miệt mài bằng đôi bàn tay nhưng chẳng bao giờ khấm khá được. Thế mà, cũng từ cái hẻm phố Chó Mửa này, một tay nọ đỗ đạc rồi ra làm quan xã một nơi nào đó. Chẳng mấy chốc đã có nhà lầu. Cũng từ độ đó, tay ấy biến hẳn khỏi những bộ mặt rách rưới quen thuộc. Tiệt nhiên không bao giờ quay lại.
Thời chiến tranh, nghe đến đi lính, làm quan là sợ xanh mật, nhưng giờ thời thế đã thay đổi, có khi đi buôn còn lâu giàu hơn làm quan. Bởi thế nên nhiều người có khổ cực trăm bề cũng ráng cho con học hành thành tài đặng sau này có cơ hội đổi đời, thăng quan tiến chức thì càng tốt. Trong xóm có tay Hai Ròm, người nhỏ thó, bị bệnh gai cột sống vẫn từng ngày đạp xe ra Cảng cá Uy Hòa để làm bốc vác kiếm mấy đồng lẻ nuôi bà vợ bị bệnh động kinh và hai đứa con ăn học. Con Hai Ròm, thằng lớn đã mười sáu tuổi, một buổi đi học, một buổi đi đánh giày, đứa con gái bị tan máu bẩm sinh mỗi tháng phải thay máu một lần để duy trì sự sống nhưng chăm ngoan và học rất khá. Nỗi bận tâm về sự học dành phần nhiều cho thằng con trai. Nó tên Tám. Nó ốm chỏng chơ như thằng nghiện xì ke thiếu thuốc. Nó học hành cũng dạng thường. Hai Ròm mỗi khi vác cây roi tre giáo huấn chuyện học hành thì nó khự nự: “Nhà mình chẳng tiền chẳng thế. Học chỉ thêm tốn cơm tốn gạo hả ba. Giờ ra xã hội không tiền thì trăm đường khó. Ba không thấy chú Nam (là “tay nọ” đã bái bai mãi mãi cái hẻm Chó Mửa) ngày trước à, phải bán nhà, chạy chọt mãi mới được…”. Hai Ròm nghe thì càng thêm tức. Cho nó đi học ai dè giờ nó lý sự lại. Định vụt roi đánh cho nó nhớ đời nhưng chợt nghĩ lại, thằng Tám ương bướng cố chấp, càng đánh thì nó lại càng lì như trâu, lại càng giống chú Hai khi còn trẻ. Hai Ròm miệng mếu xệch: “Bố lạy mày con à. Phải học để sau này thoát ra khỏi cảnh này. Đời bố mày đã khổ vì dốt, vì không biết con chữ là gì rồi…”.
Thấy bố van lì, thằng Tám gật đầu ừ dạ, nhưng khả năng có hạn, không phải cứ muốn là được. Thằng Tám lanh lợi, nhưng toàn lanh chuyện đời, chuyện người, còn cộng trừ nhân chia, nguyên lí, phản ứng, nó chịu thua, chưa chiến đấu đã buông súng đầu hàng.
Từ ngày gia đình thằng Tèo Lết chuyển về hẻm Chó Mửa. Thằng Tám thấy thằng Tèo hơi ghê ghê không dám đến gần. Cứ chiều chiều Tèo lại lết ra đầu ngõ, tựa vào gốc trụ điện im lặng. Thằng Tám đi đánh giày về nhiều lần đi qua nhưng không một lời chào người hàng xóm mới. Chỉ đi qua. Lặng lẽ.
Rồi một hôm như mọi hôm, chỉ khác là hôm ấy thằng Tám bị một thằng khách mất dạy bộp tai vì bảo nó đánh giày mà làm xước đôi giày da mới mua. Thằng Tám vừa đi vừa chửi lầm bầm trong miệng: “Có 5 nghìn mà cũng bày trò quỵt người khác. Khốn nạn hết cỡ. Đúng là chó cắn áo rách”. Nói đoạn nó nhổ toẹt một bãi nước bọt bên vệ đường. Khốn nạn thay, nó nhổ trúng ngay cái đầu thằng Tèo Lết đang ngồi thù lù như một đống rác nhếch nhác ở đó. Thằng Tám hoảng hồn, im lặng một chút rồi nói lắp bắp: “Đù mạ mầy hết chỗ ngồi hả thằng kia. Tao không để ý… Tao… Tao không cố ý. Só ri nha”. Thằng Tèo đột nhiên lên tiếng: “Só ri là cái đếch gì?”. “Ơ, mày cũng biết nói à. Thế mà tao tưởng…”. Thế rồi từ đó, hai thằng chơi với nhau. Dần dần thằng Tám cũng không còn thấy thằng Tèo ghê ghê nữa. Khuôn mặt nó dễ thương mà. Sống mũi cao, trắng trèo, đôi lông mày rậm, đôi mắt tròn xoe hạt cườm…
“Bác Ba biết bốc thuốc ổng xem đôi mắt mầy có chữa được không cu”. Thằng Tèo gằng giọng: “Chữa thế nào được. Ngày xưa ông già tao mang tao tới trạm y tế xã, họ bảo hết phương cứu chữa rồi”. Thằng Tám ra vẻ trải đời: “Chỉ có thằng ngu mới cả tin như mầy. Chắc gì mấy ổng phán đúng”. Nói rồi thằng Tám cười khì khì: “Thử đi, bác Ba thương tao lắm, tao hay mát xa, nhổ tóc sâu cho ổng. Để tao nói bác giúp mầy. Không lấy tiền đâu mà lo”. “Được. Nhưng đừng nói chuyện này cho ông già tao biết”. “Ô cơ. Chuyện nhỏ”.
Vậy là hằng ngày, khi ông Năm ra ngoài đi làm trong nhà máy giấy, thằng Tám lại chạy sang cõng thằng Tèo Lết qua nhà bác Ba. Nghe bảo là đắp thứ thuốc kì hoa dị thảo gì đó đen quánh như cứt chó, lại có mùi hôi rất khó chịu. Tèo cảm nhận rõ đôi mắt mình ấm nóng dần đều rồi chuyển sang mát lạnh, tê tê. Không biết có bớt hay không nhưng thứ thuốc quái dị kia vừa làm khó chịu cái mũi, lại khoan khoái trong hốc não.
***
“Tao còn không biết giờ bên ngoài tô bún nó giá bao nhiêu mầy ạ. Lo chạy cơm từng ngày, tiền nhà thuê, tiền viện cho con bé Lan cũng méo mặt rồi”, trong một lần tâm sự với Tèo Lết, thằng Tám thổ lộ. Thằng Tèo giở trong túi ra 50 ngàn bảo: “Hôm nay tao mời. Xài hết chỗ này thôi”. Sau một hồi phân vân thì thằng Tám gật đầu: “Ô cơ! Chơi luôn”. Nói rồi thằng Tám bế thằng Tèo lên chiếc xe đạp, chở vèo ra tận ngõ 6 Ngô Tang. Vào quán Hai Giêng: “Chủ quán cho hai tô bún”. “Hai đứa ăn bún gì?” “Bún là bún chứ còn bún gì?”. Bà chủ quán cười: “Có bún gân, bún bò, bún giò. Ăn bún nào?”. “Cái nào đắt nhất?”. “Bún bò với bún giò đồng giá 5 ngàn. Bún gân 3 ngàn”. “Thế cho 2 tô bún gân”. Nói rồi thằng Tám lại cười khì khì.
Hai thằng quất xong tô bún mà phơi phới dạ. Thằng Tám quẹt mũi: “Được rồi, hôm nay tao làm được 2 khách, mời mày cà phê. Hồi giờ tao cũng chưa uống cà phê, nghe bảo uống cà phê phê hơn uống rượu”. Thế là hai đứa dẫn nhau ra quán cà phê gần ấy…
Thằng Tám đang nói linh tinh về cách uống cà phê, cảm nhận cuộc sống như một nhà hiền triết nửa mùa thì bỗng dưng khựng lại. Nó khẽ lay lay đôi chân nhũn nhặn như cánh tay em bé của thằng Tèo: “Chú Năm kìa. Chú Năm bảo làm trong công ty giấy mà sao giờ lại chở gánh ve chai. Nhìn thương quá! Ba mầy kìa Tèo ơi”. Thằng Tèo mặt đỏ bừng. Nó kéo một cái rơi chiếc băng vải hờ màu đen trên mắt mà bác Ba vừa đắp thuốc khi nãy. Nó cố mở mắt. Trong cái hun hút tối đen, có một thứ ánh sáng lờ nhờ òa vào mắt nó như sự xâm nhập của ánh sáng vũ trụ vào cánh cửa thiên đường. Cánh cửa mở ra những chân trời ánh sáng, vô vàng ánh sáng, vồ vập và chói lóa. Nó cảm thấy rát buốt, nhoi nhói. Nó nhắm mắt. Mở mắt. Rồi vội vàng nhắm lại. Một lần nữa, nó cố gắng mở ra. Những lờ nhờ dần rõ nét…
Trong tim nó như òa vỡ một cảm xúc rối loạn. Là ba nó. Ngay trước tầm mắt nó phía bên kia đường. Người đàn ông chân bước khập khiễn đang dắt chiếc xe chất đầy ve chai đi cà nhắc từng bước, liêu xiêu chiếc bóng gầy còm. Đôi tay ba nó giữ chặt chiếc xe đạp không xích đã cũ mòn, nó nhận ra là chiếc xe ngày xưa còn bé mẹ hay chở nó ra ngoài trung tâm huyện mua những cây tò he trong rằm tháng tám. Hóa ra, bao lâu hay ba đi nhặt ve chai để nuôi nó. 50 ngàn kia không biết ba nó đã dành dụm bao lâu để có được mà đưa nó giữ, nhưng nó không tiếc mà tiêu xài cho ra dáng anh hào với thằng bạn.
Nó ghét ba nó mà. Tại sao ba nó lại đưa nó đến thế giới này. Để suốt bao năm qua là những chuỗi ngày địa ngục. “Sao ngày ấy ba không cùng con đi đến một thế giới khác. Có lẽ con sẽ không tủi thân và thấy mình thừa mứa trong cõi đời này. Ba cũng không cần phải vì con mà chịu bao tủi khổ như vậy”. Nó lại nhớ đến những lần ba nó ngồi một mình rít thuốc, mùi thuốc lá làm nó khó chịu cho dù ông ở cách nó gần mươi mét. Nó ho sặc sụa. Từ độ đó, nó chẳng bao giờ còn nghe mùi thuốc lá từ ba nó nữa.
Đôi mắt nó chợt ươn ướt, có gì đó không kiểm soát cứ trỗi dậy từ trong lòng. Rối bời. Dội ngược. Nó khóc. Sau bao năm, những giọt nước long lanh lại trổ mầm từ đôi mắt rất đẹp của nó, nguyên vẹn những đơn sơ, ngay khi nó trở lại với ánh sáng. Nó nhoài người lao xuống chiếc ghế. Ngày xưa cũng vì một lần té ngã mà nó mất luôn một chiếc răng cửa. Nhưng lần này chẳng sao, thằng Tám đã nhanh tay đỡ nó. Nó hất bàn tay xương xẩu của thằng Tám ra, cất tiếng gọi run run, cái giọng như con chim non trầm vỡ giữa hoang hoải núi rừng: “Ba ơi, con đây. Ba ơi, con của ba đây. Con thấy ba rồi ba ơi”.

Ông Năm buông chiếc xe đạp ngã xuống lòng đường, lết chiếc chân cà nhắc về phía con trai. Họ tiến gần đến nhau hơn trước ánh mắt của bao người. Tất cả đều im lặng. Mọi thứ như ngưng bặt chỉ còn có hai cha con. Cơn gió thoảng nhẹ đưa mùi cà phê tan loãng trong mê miên ánh sáng. Hôm ấy, trời nắng đẹp, những giọt nắng đậu trên mái phố, trên lá cây non, trên lòng bàn tay, xuyên thấm, ấm dịu rồi hóa thành những sợi tơ mỏng manh tỏa hai bên đường ngợp một sắc tím huyền ảo xinh đẹp của hoa bằng lăng, tựa hệt như mùa hoa tiểu uyên tử trên núi An Mư thuở trước…
...
Truyện đăng ở báo Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/tac-gia-tac-pham/201611/sang-tac-moi-hoa-uyen-tu-truyen-ngan-cua-van-phi-2322117/

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

ambum ảnh

ambum ảnh

Bài đăng phổ biến

Được tạo bởi Blogger.