123, Example Street, City 123@abc.com 123-456-7890 lasantha.wam

hạnh phúc trổ mầm từ phía cô đơn...

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

Mẹ Thiện ở Cồn Chim




Phải qua nhiều lối nhỏ quanh co trên Cồn Chim (thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, Tuy Phước), tôi mới tìm đến được nhà mẹ Lê Thị Thiện - Mẹ Việt Nam anh hùng duy nhất còn sống ở ốc đảo giữa mênh mông Thị Nại. Mẹ Thiện sinh năm 1930, 2 trong 3 người con tham gia cách mạng của mẹ là liệt sĩ. Chị Nguyễn Thị Bốn, con gái của mẹ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ; anh Nguyễn Văn Hương, con trai của mẹ hy sinh trong màu áo bộ đội tình nguyện Việt Nam khi làm nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia.

Giáo viên và học sinh điểm trường Cồn Chim đến thăm mẹ Thiện.
Hơn hai mươi năm trước, chồng mất, đứa con trai út của mẹ cũng mất sớm lúc tuổi mới đôi mươi, để lại đứa con vẫn còn đang tượng hình trong bụng mẹ nó. Nỗi đau đớn trong mẹ chồng lớp lên nhau. Rồi con dâu của mẹ đi thêm bước nữa. Xót cháu sống cảnh “cha dượng con dì”, mẹ dắt cháu rời quê chồng ở Phước Thuận (Tuy Phước) trở lại nơi mình sinh thành - Cồn Chim, dựng căn nhà tạm, lặng lẽ nuôi cháu lớn khôn. Ở tuổi gần chín mươi, trong cái nhớ nhớ quên quên, nước mắt mẹ chợt rơi khi mỗi lần bước đến một điểm vô hình nào đó trong ký ức…
* * *
“Em sinh ra đã không biết mặt cha. Từ bé đến giờ, em sống cùng bà nội. Bà là người thân thiết với em nhất”, Nguyễn Trung Tiến, cháu nội của mẹ Thiện, xúc động sẻ chia.
Đã 2 năm nay, mẹ Thiện bị tai biến nên sức khỏe ngày càng giảm sút, đôi chân không còn đứng vững. Lớn tuổi, mẹ mắc thêm chứng nặng tai. Thỉnh thoảng, mẹ mỉm cười hiền hậu, rằng, con nói gì mà mẹ không nghe gì hết trơn hết trọi. “Ngày xưa mẹ làm gì để nuôi em Tiến?”, tôi ghé tai bà. “Đi mò cua bắt ốc, làm thuê cho người ta”, mẹ cười hiền cố giằng níu đoạn ký ức đã xa lắc xa lơ…
Tiến kể, hồi còn bé ham chơi cùng bạn, mải tối khuya vẫn chưa về, bà lại quanh quẩn xóm Cồn Chim đi tìm gọi. Tìm thấy cháu, bà la mắng rồi lặng lẽ khóc. Những năm tháng đùm bọc nuôi cháu, lo lắng mơ hồ về rủi ro nào đó cứ canh cánh bên mẹ. Thì cuộc đời mẹ cứ rủi ro như vậy hoài mà, làm sao mà không sợ chứ. Chiến tranh mất con đã đành. Hòa bình rồi lại mất con nữa. Rồi thì chồng qua đời vì bạo bệnh, rồi thì con trai mất sớm... Cứ như vậy trái tim bà mẹ nào chịu nổi!
Dành cho cháu tất cả sự yêu thương, chở che, mẹ cố gắng không để cháu mình phải chịu thiệt thòi so với những đứa trẻ khác. Khi Tiến lấy vợ, mẹ lấy số tiền dành dụm, tích cóp bấy lâu nay - từng đồng lẻ, từng món nhỏ một, chuẩn bị sính lễ cho cháu.
Thanh Thảo, vợ Tiến, rưng rưng xúc động: “Nội hiền và thương con thương cháu lắm. Nội thương anh Tiến sao thì cũng thương cháu dâu và hai chắt như thế. Mấy hồi em dẫn hai đứa nhỏ về ngoại chơi, nội ở nhà nhớ cháu mà sụt sùi”. Ngó lại mẹ Thiện, đã thấy đôi mắt mẹ rưng rức chực đỏ.
* * *
Tôi nghe chuyện một Bà mẹ Việt Nam anh hùng lặng lẽ nuôi cháu thành người liền tìm về Cồn Chim. Tuổi cao và chừng như không muốn nói nhiều đến thời chiến tranh đã lùi rất xa, mẹ Thiện cười rất hiền, ấm áp nói chuyện hôm nay, chuyện bà con trên cồn đặc biệt yêu thương đùm bọc nhau, nói chuyện xứ cồn thay da đổi thịt, kể chuyện cháu chắt…
Mấy năm trước, người dân xóm Cồn Chim hay nhìn thấy mẹ thỉnh thoảng như một thói quen trong vô thức, đi quanh quẩn mép cồn tìm con ngao, con cua mà xót lòng xót dạ. Anh Trần Văn Nam, bảo vệ của điểm trường Cồn Chim chỉ ngón tay về phía đầu xóm, nơi đặt bia tưởng niệm liệt sĩ ghi danh 71 người anh hùng xứ cồn đã hy sinh vì độc lập, tự do: “Xứ này không thiếu anh hùng. Bà không cầm súng giết giặc nhưng thật sự là một anh hùng. Đến ngày hòa bình, một thân một mình bà nuôi cháu lớn khôn phương trưởng. Ở đây ai cũng cảm động, yêu mến bà cụ”.
Làm công nhân bốc vác ở tít Khu Công nghiệp Nhơn Hòa (TX An Nhơn), cách nhà hơn 30 km, cứ cuối ngày là Tiến chạy về nhà. “Nội lớn tuổi, hay đau ốm, có mình vợ em ở nhà, sợ nội có gì không xử lý kịp, đi xa em không an tâm”, Tiến giãi bày. Hồi trước, lúc còn khỏe, cứ chiều chiều là bà lại ra ngoài bến đò đợi Tiến về. Lo cho bà, Tiến nói mãi, bà vẫn lụi cụi chống gậy ra bến. Đến khi cơn tai biến ập đến, đôi chân yếu hẳn, bà mới thôi. Mỗi lần trời nhá nhem tối, Tiến về đến nhà vẫn thấy bà ngồi tha thẩn nơi góc sân, hoặc cạnh thềm nhà, đôi mắt đăm đăm, đợi cháu.
* * *
Mẹ Thiện sinh chục người con nhưng giờ chỉ còn lại 4 người. Mỗi người lập gia đình riêng, tản mác khắp nơi. Có người con vì thương mẹ muốn đón bà về sinh sống, nhưng mẹ nói thôi, vì nghĩ đến đứa cháu nội mồ côi cha, không có mẹ ở bên. Hai bà cháu nương nhau sống qua tháng ngày. Ký ức về những ngày xưa cũ khiến bà không cầm được nước mắt. Tiến ghé tai tôi nói nhỏ: Mỗi khi nhắc đến chuyện xưa, nội hay mủi lòng lắm.
Tuổi bóng xế, mẹ Thiện dường như đang sống trong nhiều chiều không gian, thời gian. Có nhiều hôm, mẹ cứ đòi đi bắt con tôm, cái tép, ra bờ đước hái miếng rau về nấu canh cho cháu nội. Tiến phải cản bà mãi.
Năm 2014, Chủ tịch nước đã tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ. Ông Phạm Minh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn cho biết, toàn xã có 71 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, và mẹ Thiện là 1 trong số 3 mẹ còn sống tại địa phương. Với mong muốn góp một phần nhỏ bé cùng với gia đình trong việc phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Thiện, từ tháng 9.2015, ngành GD&ĐT huyện Tuy Phước đã nhận phụng dưỡng mẹ.
Khi tôi nhắc tên mẹ Thiện, ông Vương Tử Nghị, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuy Phước trầm giọng xúc động. Ông chia sẻ, cơ quan ở xa, lại cách trở, nên ủy quyền cho cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học số 2 Phước Sơn, trong đó có điểm trường Cồn Chim, thường xuyên đến thăm hỏi và hàng tháng trao số tiền hỗ trợ cho mẹ Thiện; có việc gì báo về cơ quan ngay. Những cống hiến của mẹ Thiện, Nhà nước đã ghi nhận. Không chỉ có vậy, từ cuộc đời tràn trề yêu thương, mẹ Thiện là một hình tượng đẹp mà chúng tôi, các thầy cô và các em học sinh lấy đó làm tấm gương, soi chiếu. “Giáo viên, học sinh Cồn Chim hay đến thăm, trò chuyện cùng mẹ Thiện để có gì hỗ trợ thêm cho gia đình. Từ những câu chuyện của mẹ, giáo viên, học sinh như yêu thêm mái ấm gia đình mình”, thầy Võ Hữu Hiếu - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Phước Sơn - tâm sự.
* * *
Những ngày tháng Chạp lạnh lẽo giữa vùng đầm lồng lộng, nhưng lòng tôi thấy ấm áp lạ thường. Câu chuyện về mẹ Thiện thoạt nghe rất đơn giản, nhưng đó là sự giản dị của dồn nén, chất chứa của bao nỗi niềm. Tôi còn nhớ như in lúc tôi chia tay mẹ Thiện, tay bà vịn vai tôi run run, tôi như nghe thấy nỗi lo lắng của những lần từ biệt thuở xa xưa của bà, như thấy đôi mắt bà còn nhòe ướt dõi theo khi Tiến tiễn tôi ra bến. Đò rời Cồn Chim, về đất liền. Cái lạnh cuối năm thốc vào hốc mắt hay hơi biển mặn mòi không rõ nữa cứ làm nhòe ướt mắt tôi…     

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

ambum ảnh

ambum ảnh

Bài đăng phổ biến

Được tạo bởi Blogger.