123, Example Street, City 123@abc.com 123-456-7890 lasantha.wam

hạnh phúc trổ mầm từ phía cô đơn...

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2020

Những vườn mai trên mái phố...

Phố! Những dãy nhà ken kín. Mái phố lêu nghêu điệp trùng bê tông, tường gạch. Nhưng lọt thỏm đâu đó giữa lòng phố Quy Nhơn, trên những sân thượng nhà tầng, là các khu vườn nhỏ nhỏ xinh xinh. Ðặc biệt hơn, không ít trong số họ sở hữu những vườn mai vàng bonsai khiến người xem phải tấm tắc.
Những ngày cận Tết, tham quan vườn mai của họ, nhìn những búp xanh mướt mát trổ, lại thấy nao nức mong ngóng ngày con én đưa thoi… Ở phố mà, tấc đất tấc vàng, nên với hầu hết những người trót hâm mộ cây hoa này, việc đưa vườn cây cảnh bonsai lên tầng thượng là giải pháp tối ưu.
* * *
Ghé thăm vườn mai của ông Trần Minh Xuyến (đường Cần Vương, TP Quy Nhơn), tôi không khỏi ngạc nhiên bởi khu vườn hơn 30 chậu mai bonsai đang trổ búp xanh tơ trên tầng 3 của ông. Về hưu hơn 4 năm nay, dường như phần lớn thời gian của ông dành cho vườn mai này. Túc tắc chăm dưỡng mỗi ngày, niềm vui nhen lên theo từng nhánh mai trổ nụ…
Về hưu hơn 4 năm nay, phần lớn thời gian của ông Trần Minh Xuyến dành cho vườn mai này.
Vài năm trước, tầm cuối Chạp đầu Giêng ông lại đi khắp các làng mai, vườn mai tìm mua những gốc mai vừa ý, tự tay mình vào chậu, tạo dáng. Đang trong những đoạn hồi tưởng hơn 30 năm gắn bó với mai, ông chợt ngưng chuyện, chỉ một gốc mai lớn trong vườn, kể: Cách đây không lâu, trong lúc xê dịch chậu, tôi vô tình làm gãy mất một cành. Tôi đã cứu chữa cành mai ấy nhưng không sao lành lặn được. Có chơi bonsai mới chia sẻ được nỗi xót xa ấy.
Ông Xuyến cho biết, chăm mai trên tầng thượng cũng không khác như dưỡng mai ở dưới đất là mấy. Có điều, phải dày công hơn một chút, đặc biệt là để ý việc cung cấp nước cho mai. “Nhất là mùa gió nam hanh hao, mai ở trên tầng thượng tiếp xúc với nắng gió nhiều hơn nên dễ bị mất nước, khô lá, nếu không để ý thì dễ hỏng cây lắm”, ông Xuyến chia sẻ.
Có những người chơi mai và đến mùa Tết lại sang nhượng bớt để lấy chỗ tuyển “tân binh”. Nhưng cũng có người gần như không nghĩ đến chuyện bán buôn những cây mai của mình. Anh Trần Minh Hải (giới chơi mai quen gọi anh là Hiếu Veston, nhà ở đường Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn) là một ví dụ.
Anh Hiếu Veston (bìa trái) đang giới thiệu một cây mai quý với “bạn mai”.
Tại vườn mai của anh Hiếu Veston, những chậu mai đã sớm hé những bông đầu mùa. Hôm tôi đến thăm vườn mai trên sân thượng nhà, anh và một người bạn mai đang “tán” rất xôm về mai. Người khách trung niên cứ tấm tắc mãi về những gốc mai lâu năm với dáng thế độc đáo và những nụ mai đã bung ra bụ bẫm, căng đầy nhựa sống.
Anh Hiếu kể, có một gốc mai đã có người mua và gởi lại nhờ anh chăm vài tháng. Nhưng rủi thay, do anh sơ sẩy, gốc mai bị rộp một phần. Anh bèn đề nghị hoàn lại tiền và nhất định mời cho được người mua đến xem lại, nhằm tránh tiếng bán cho ai khác được giá hơn nên kiếm cớ…
Chuyện cây hoa cũng như chuyện đời, không chu đáo, cẩn thận thật khó mà theo đuổi. Dù chăm mai cả năm chỉ chơi được mấy bữa, nhưng với những người đã hâm mộ mai, họ chơi và vui quanh năm theo nhịp sinh trưởng của cây hoa, chứ không phải đợi đến lúc trổ hoa.
Ông Huỳnh Đông Dương (bìa trái) đang giới thiệu một gốc mai lâu năm với khách.
Vườn mai trên sân thượng của ông Huỳnh Đông Dương (đường Mai Xuân Thưởng), thuộc hạng khủng ở TP Quy Nhơn. Ở đó có hơn 40 chậu mai mà cây ít tuổi nhất cũng đã hơn 20 năm. Ông Dương là một tay chơi công phu, ngay trong giới chơi mai cũng không mấy người làm theo kiểu ông. Những cội lão mai của ông đều có tên riêng như: Thanh kỳ cổ mai, Kim sư huỳnh mai, Giáng long…, và mỗi cây lại có một “hồ sơ thành tích” riêng. Ông Dương say sưa nói về mai với tất cả niềm trân trọng, kể từ lúc hâm mộ bonsai, bắt tay vào với thú vui này, ông Dương chỉ chơi mai và đến giờ vẫn vậy.
Vườn mai của ông Huỳnh Đông Dương, vào tháng Chạp búp búp đã vun tròn như cựa mình trong nắng sớm, làm bừng thức cả một không gian. Hơn nửa đời người gắn bó với mai, nhưng ông vẫn khiêm nhường rằng chưa dám nói là hiểu hết về cây mai. Càng chơi mai lại càng thấy bể học riêng về mai không thôi đã mênh mông, bát ngát.
* * *
Nếu thả flycam những ngày này trên các làng hoa, vùng hoa Bình Định, sẽ thấy rực đều sắc vàng. Có thể là mai là cúc là hướng dương. Nhưng ở Quy Nhơn, nếu thấy lốm đốm điểm xuyết vàng thì nhất định là mai - những vườn mai trên tầng cao mái phố. Có lẽ chính nơi ấy, là chốn cánh én mùa xuân gõ cửa sớm hơn cả, thầm thì gọi xuân về…                    
VÂN PHI
Bài đã đăng BBĐ: 
http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=117457

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

ambum ảnh

ambum ảnh

Bài đăng phổ biến

Được tạo bởi Blogger.