123, Example Street, City 123@abc.com 123-456-7890 lasantha.wam

hạnh phúc trổ mầm từ phía cô đơn...

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2020

Văn Trọng Hùng & miệt mài trầm tích...


Nhà thơ, kịch tác gia Văn Trọng Hùng.
Sinh thời, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn có viết tặng nhà thơ, kịch tác gia Văn Trọng Hùng câu đối: “Hảo dã Văn Trọng Hùng, muộn nhi thi, nộ nhi kịch/Truy tùy cổ nhân chí, tiến tận chức, thoái tận tâm” (tạm dịch: Khá lắm, Văn Trọng Hùng! Buồn thì làm thơ, giận thì viết kịch/Noi theo cái chí của người xưa, tiến thì làm trọn chức trách, về thì giữ vẹn chữ tâm”. Ðấy là lúc Văn Trọng Hùng còn đương chức, nay ông đã về hưu được mấy năm nhưng lời khen của Vũ tiên sinh nghe vẫn đúng.
Mới rồi, Văn Trọng Hùng cho ra mắt tập thơ Ngửa mặt hỏi trăm năm (NXB Hội nhà văn, 2019). Cả kịch và thơ, Văn Trọng Hùng đều tạo được những dấu ấn riêng, nhưng tôi, tôi tìm thấy ở thơ ông rất nhiều đồng cảm.
Văn Trọng Hùng viết đều và miệt mài nhưng năm, bảy năm, có khi tròm trèm chục năm, ông mới tuyển in. Như một sự trầm tích những tháng năm sống với bao lằng lặng cảm xúc. Những Bóng trúc (2001), Đối ảnh (2006), Hầu chuyện tiền nhân (2012) làm đầy đặn thêm gia tài thơ của ông. Và giờ đây, là Ngửa mặt hỏi trăm năm (2019). Vẫn nét kiêu bạc, cái tình ăm ắp đầy, nỗi trở trăn thế sự.
Bàng bạc trong Ngửa mặt hỏi trăm năm là rất nhiều những câu hỏi. Là băn khoăn với bao nỗi đời. Là tự vấn lòng mình. Là soi chiếu vào nhân tình thế thái, phản biện trong nhiều lĩnh vực xã hội, lịch sử. Có những câu hỏi ngắn - mảnh -
bén như xoáy, như len lỏi vào đến tận lõi của vấn đề. Dù là hỏi trăm năm trước hay muôn ngày sau, đâu mới là cái nét trượng phu, nhân nghĩa giữa những vai diễn trong tiểu thuyết võ hiệp, lẫn cuộc đời. Đâu mới là tình hữu hảo thực sự khi con người bị nhúng vào cái bẫy danh lợi phù hoa? Đâu mới thật là bằng hữu khi Hàn Tín thù tạc với Hạng Vũ? Biết cách đặt câu hỏi tức là đã khai mở cách tiếp cận câu trả lời. Và hỏi theo cách của Văn Trọng Hùng là ẩn chứa trong đó rất nhiều câu trả lời khiến người đọc có thể tự mình kiến giải: “Chỉ có điều nay hơi lạ/ đạo hay mệnh trời/ ông chẳng nói một lời/ và bỗng mất võ công trước những Nhạc Bất Quần hữu hảo?” (Hỏi Kim Dung). Hoặc “Ở Côn Sơn đêm ấy vẫn lặng yên/ Nguyễn Trãi chong đèn đọc sách/Về khuya mưa như trút nước/Lê Lợi đến thăm/Nguyễn Trãi đã đi nằm” (Đêm ấy ở Côn Sơn). Nhiều bài thơ bật lên nét tài hoa bằng cái kết bất ngờ và giàu sự chiêm nghiệm. Có những câu thơ, tác giả đau đáu nỗi niềm quê hương: “thời gian sẽ mòn những vật chứng/ thời gian biển lại trong xanh/ Nhưng/ những vết nhơ của láng giềng hữu nghị kia/ thời gian/ xóa mãi/ không thành” (Thời gian).
.
Lạnh, rắn, đó là với kẻ xu nịnh quyền thế không lo vận nước, không đoái hoài con dân, chính nghĩa. Nhưng cũng có một Văn Trọng Hùng khác, ấm nồng những yêu thương trong những câu thơ về bằng hữu, về người thân và mênh mang những tình thi vừa kín đáo vừa dào dạt niềm yêu. Ví như, với đấng sinh thành, có những bùi ngùi của một hài nhi tóc bạc trong niềm ngoái vọng: “Tóc con giờ đã sương pha/ Hư danh một bóng mây qua giữa trời/ Ước gì còn mẹ mẹ ơi/ Con xin che hết khoảng trời nắng mưa” (Mẹ).
Trong thơ, bóng dáng các nhân vật từng xuất hiện trong kịch Văn Trọng Hùng cũng hiện hữu dưới sự soi chiếu của ngôn ngữ thơ. Trong thơ có kịch, trong kịch có thơ. Là ông tự nhận vậy. Nhưng ông rành rõ phân định giữa thơ và kịch. Có lần ông chia sẻ, viết kịch cần một trường lực bền bỉ hơn thơ. Nhưng nói vậy, không có nghĩa là làm thơ dễ dàng. Nếu như nó không làm mình thực sự rung cảm. Ông xem tứ thơ là căn cốt của một bài thơ. Cũng như ông xem yếu tố lịch sử là cái “đinh” để treo lên đó những ý tưởng sáng tạo khi viết kịch lịch sử. Nhưng rõ ràng, giữa thơ và kịch, có một sự đan cài nhất định, bổ trợ nhau. Trong bài Gặp Võ Tánh ở thành Hoàng Đế rút từ tập Hầu chuyện tiền nhân, ông viết: “Một đời ta vì trăm họ, giang san/ Dẫu khác chúa nhưng không khác lòng yêu dân yêu nước/ Mà thôi, trải năm tháng những gì mất, được/ Mặc đời sau, công tội luận bàn/ Ngươi nhìn kìa, Trần Quang Diệu đang sang/ Rượu đã sẵn. Và... trăng đã đến”. Có lẽ, đó là “tiền đề” để làm nên một Khúc ca bi tráng, lừng lững trên sân khấu truyền thống chuyên nghiệp.
Tiếp cận thơ Văn Trọng Hùng, dễ thấy nét thơ phóng khoáng, hào sảng với thế mạnh về sự chiêm nghiệm, phản biện tạo nên nét cuốn hút riêng khiến người đọc cảm mến. Tôi tìm thấy trong thơ ông một điểm khác, ấy là bóng dáng của một thi nhân nhuốm đầy nỗi cô đơn. Dường như, càng dày những suy nghiệm, thi nhân ấy càng mênh mang trống trải: “Ngửa mặt hỏi trăm năm/ Trăm năm cười lành lạnh/ Trắng đen  chừng ảo ảnh/ Ta. Có phải ta” (Bỏ rượu).
VÂN PHI


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

ambum ảnh

ambum ảnh

Bài đăng phổ biến

Được tạo bởi Blogger.