123, Example Street, City 123@abc.com 123-456-7890 lasantha.wam

hạnh phúc trổ mầm từ phía cô đơn...

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2020

Phạm Ánh - Người giữ nếp đất, hồn làng

Phạm Ánh sống bình dị, viết lặng lẽ. Cả những người lần đầu gặp anh cũng nhận ra ngay nét chân quê, dung dị thuần nguyên dù anh về phố đã mấy chục năm. Cái nét ấy khúc xạ vào cả trong thơ của anh.
Cách đây gần 50 năm, chính xác là năm 1971, lúc 6 tuổi, Phạm Ánh bị trúng pháo mất đi chân trái ngay tại quê nhà - xã Cát Hanh, huyện Phù Cát. Chiến tranh, đã thành nỗi ám ảnh, rắc gieo bao đau thương nơi đồng quê Cát Hanh của Phạm Ánh theo năm tháng thiếu thời. Để rồi sau này, tuổi thơ khốc liệt kia được anh viết lại: “Chiếc nôi của tôi là một chiếc hầm/ Khúc à ơi lẫn vào tiếng súng/ Bên miệng hầm tôi đi chập chững/ Ngày nối ngày dần trôi”(Ký ức tuổi thơ). Anh da diết nhớ về dòng sông gắn chặt với tuổi thơ mình, dòng La Tinh; nhớ về bản quán ngay cả khi đang ở giữa quê nhà. Nét quê vì thế chảy vào thơ anh thuần hậu, chân thành: “Em về Phù Cát quê tôi/ Giếng trong tận đáy nói lời của sông/ La Tinh như một tấm lòng/ Chốn quê lặng lẽ xanh trong nỗi niềm”(Bên dòng La Tinh); và đôi khi nghe đến trĩu lòng: “Cát nặng tình người dưới biển trên non/ Như khúc ca dao tạc hình dáng mẹ/ Lấp lánh xa xôi nghĩa tình lặng lẽ/ Thắp sáng lòng người một ánh sao quê”(Phù Cát quê tôi).
Nhà thơ Phạm Ánh sinh năm 1965, quê ở xã Cát Hanh, huyện Phù Cát.
Cuối năm 2018, Phạm Ánh là một trong số 35 tác giả được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Có lẽ do nhạy cảm lại cần cù chắt lọc nên khi “va” vào tứ thơ, tâm hồn Phạm Ánh khẽ khàng ngân lên thành chữ thành câu. Từ tập thơ Lối cũ anh in năm 2004 rồi sau đó là tập Hạt phù sa, năm 2009 cho đến những sáng tác gần đây in rải rác trên báo Văn nghệ, tạp chí sông Hương, Báo Bình Định… tình quê trong anh cứ đượm nồng với phên dậu, bờ tre, với đồng làng, dòng sông ký ức, với dáng mẹ thân thương...
Phạm Ánh cười hiền chậm rãi nhắc nhớ những ngày bắt đầu bén duyên với thơ. Năm 1987, khi trở thành sinh viên Đại học Đà Lạt, anh bắt đầu sáng tác và có thơ đăng trên Văn nghệ Lâm Đồng. “Ở đó, tôi gặp những người thầy đáng kính. Một trong số những thầy nhen nhóm tình yêu thơ, chia sẻ cảm xúc với tôi là thầy Phạm Quốc Ca”- anh chia sẻ.
Năm 1993, Phạm Ánh đạt giải ba (không có nhất, nhì) trong cuộc thi thơ do Hội VHNT Bình Định tổ chức với bài thơ Chiều xóm vắng. Anh bảo rằng “dân gốc rạ ngại người đời son phấn” nên cứ man mác lòng mình, trú gửi trong hoài niệm, trong câu ca dao của miền quê yêu dấu: “Buồn thui thủi trong dòng đời xuôi ngược/ Tuổi đôi mươi qua mất tự khi nào/ Chỉ còn lại những tháng ngày lặng lẽ/ Mình ru mình bằng những khúc ca dao”(Chiều xóm vắng).
 Nhà thơ Phạm Ánh với bạn bè văn nghệ sĩ.
Năm 2000, anh rời quê vào làm việc ở Quy Nhơn, tại Trung tâm dạy nghề người khuyết tật Nguyễn Nga. Tại đây, anh tìm thấy người bạn đời hiền dịu chung cảnh tật nguyền. 39 tuổi, anh lập gia đình và thơ của chàng nông dân thi sĩ ngân vang trong trẻo, tinh khôi: “Dáng em dáng lúa dịu dàng/ Long lanh đôi mắt giếng làng trong veo”(Chiều mưa) hoặc “Muộn màng cha mới có con/ Cội già mong đợi chồi non thắm cành”(Chồi non- Cho con gái Phạm Ánh Nguyệt).
Năm 2005, Phạm Ánh chuyển sang làm việc tại Hội VHNT Bình Định cho đến giờ.Ngần ấy năm ở nhưng anh cứ như là khách trọ thị thành. Mà có khi là trọ thật bởi chỗ anh gọi là nhà chỉ vỏn vẹn…12 mét vuông. “Xe của bà xã mình phải để ngoài ngõ, vì trong nhà không có chỗ”, anh chia sẻ. Phạm Ánh chân thật rằng, nhiều khi rất ngại khi bạn đến thăm nhà. Vì cái không gian chật chội bé như lỗ mũi ấy thiếu vắng chỗ ngồi. Tôi nghĩ, nếu không có tiếng cười nói ê a của cô con gái nhỏ, nếu không có những ngày gian bếp tí hon đỏ lửa từ bàn tay của người vợ hiền từ, và nếu không vin vào ấy cùng với thơ, có lẽ Phạm Ánh sẽ chông chênh, lạc lõng biết dường nào.“Lần qua phố xá thị thành/ Thêm thương vách đất mái tranh dưa cà/ Đôi khi đợi một tiếng gà/ Một mình thổn thức xưa xa nỗi niềm// Lối mòn lấm tấm chân chim/ Rạ rơm chưa cạn ưu phiền gió giông/ Khi xa là lúc rất gần/ Tôi mang dáng dấp nông dân bao đời”(Nỗi lòng).
Nếu diễn đạt khác về Phạm Ánh thật ngắn, thật súc tích mà không như ở trên, tôi sẽ chọn hai chữ “Thật Thà”. Đó là nét khắc đã ăn sâu vào máu thịt, neo riết vào từng ngóc ngách tâm hồn anh. Với Phạm Ánh, nếp đất hồn làng đã chảy sâu vào tâm thức, dù anh có đứng ở đâu, ở nơi nào thì cái chất ấy vẫn cứ dịu dàng, lặng lẽ sáng.
VÂN PHI

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

ambum ảnh

ambum ảnh

Bài đăng phổ biến

Được tạo bởi Blogger.