123, Example Street, City 123@abc.com 123-456-7890 lasantha.wam

hạnh phúc trổ mầm từ phía cô đơn...

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

Vui buồn hát bội không chuyên

Nói cho thật bụng mình thì tất cả những “nghệ sĩ hát bội chân đất” tôi từng có dịp trò chuyện, đều tiết lộ “nói thế thôi chứ buồn nhiều hơn vui”. Nghe tâm sự mà chưng hửng, nhưng được cái không ai đặng đành mà rời bỏ. Thật vậy, chẳng có sự trói buộc nào cả. Chỉ là, tấm lòng còn quá đỗi tha thiết.
Chính điều ấy đã giữ họ, gắn chặt họ - những “nghệ sĩ hát bội chân đất” theo từng bước thăng trầm với hát bội. Khó mà nói hết những khó khăn mà các nghệ sĩ tuồng không chuyên phải đối diện. Nhưng họ, bằng cái tâm với nghề, từ những người nông dân, thợ may, thợ hồ… đã hóa thân duyên dáng như những diễn viên thực thụ.
Đoàn tuồng Nhơn Hưng biểu diễn trích đoạn Tiêu Anh Phụng loạn trào.
Tôi gặp nghệ sĩ Như Hoa (tên thật Trần Thị Quý) ở Đoàn nghệ thuật tuồng Nhơn Hưng, TX An Nhơn). Chị đã bén duyên với hát bội từ thuở lên mười. Mê hát, chị theo nhiều đoàn tuồng trong tỉnh đi diễn, rồi lập gia đình với nghệ sĩ Minh Lưỡng, cũng là một nghệ sĩ hát bội; hai vợ chồng lại cùng nhau nối nghiệp tổ, hết lòng với câu hát. “Không chỉ hai vợ chồng mà cả hai đứa con gái của mình cũng theo nghề này. Tụi nhỏ mê hát bội y như cha mẹ vậy”, nghệ sĩ Như Hoa tâm sự. Gia đình chị là những nhân tố nòng cốt của đoàn tuồng Nhơn Hưng, tham gia vào nhiều phong trào văn hóa văn nghệ tại địa phương. Mới năm ngoái, trong Hội diễn Sân khấu tuồng không chuyên toàn quốc năm 2018, đoàn tuồng Nhơn Hưng góp mặt với hai trích đoạn Tiêu Anh Phụng loạn trào  Tế sống Tạ Ngọc Lân để lại nhiều ấn tượng cho người xem.
Tôi không khỏi xúc động khi bắt gặp người từng vào vai Lão Tạ trong trích đoạn Lão Tạ sai cơ hết sức ấn tượng trong Liên hoan vừa kể, khi anh đang cặm cụi với một công việc không hề liên quan đến hát xướng. Dưới cái nắng oi nồng, người đàn ông ngoài năm mươi tuổi mồ hôi nhễ nhại ướt hết chiếc áo sờn cũ vẫn điêu luyện từng động tác xây xây tô tô của nghề thợ hồ nhọc nhằn. Anh là Võ Minh Tấn của đoàn tuồng Sao Mai (thuộc Trung tâm văn hóa tỉnh). Anh Tấn trải lòng: “Với đoàn tuồng Sao Mai thì tôi mới tham gia hơn bảy năm, nhưng nghề diễn của tôi thì đã hơn ba chục năm nay rồi. Tôi làm nghề thợ hồ cho vợ con đủ bát cơm nóng, còn hát bội là nỗi đa mang, là niềm vui không đong đếm được mà mình trót đeo đuổi”.
Các nghệ sĩ tuồng không chuyên tự hóa trang cho vai diễn của mình.
Thật tình cờ khi cách đây ba tháng, tôi gặp lại nghệ nhân Phạm Thị Kiều (nghệ danh Hoàng Kiều) trong một đêm diễn tại phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn. Chị thay vội mấy lớp áo ngoài sau khi diễn xong trích đoạn Đào Tam Xuân loạn trào. Thật khó hình dung, người phụ nữ có dáng người dong dỏng cao, hát hay diễn giỏi ấy cũng chính là “đầu lĩnh” của đoàn tuồng Ngô Mây (ở Phù Cát). Năm 2012, chị mạnh dạn thành lập đoàn rồi bươn chải đưa đoàn biểu diễn nhiều nơi. Nghề hát bội cũng theo thời vụ, ba tháng âm lịch đầu năm có nhiều hợp đồng, mức sống anh em nghệ sĩ tương đối dễ thở. Càng sau càng thưa vắng dần. Chị bộc bạch: “Nơi mời diễn thì có chừng, mà đoàn biểu diễn thì không ít bởi lẽ không mấy ai đành đặng mà bỏ nghề. Cho nên có khi ba, bốn đoàn chạm mặt nhau tại một địa phương. Nhiều lúc phải bốc thăm hoặc “bỏ thầu” để chọn đoàn. Người vui, kẻ buồn nhưng trong nghề quen biết cả. Nhiều lúc mình được diễn mà chạnh lòng cho bạn nghề”.
Những phút chạnh lòng ấy khiến người nghe như tôi vừa mừng vừa xót. Là bởi, để sống được với nghề trước hết vai diễn của họ cũng phải “sống” trong lòng người xem. Mà điều ấy, trong cơ chế và thị hiếu thực tại, đâu dễ. Tôi chợt nhớ đến lời của NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ trong buổi tổng kết Hội diễn năm 2018, ấy là, cần xác định tác phẩm tuồng cũng như là một loại “hàng hóa đặc biệt”, phải cố công đầu tư, hạn chế những điển tích, điển cố khiến người xem khó hiểu, phải xem xét, tổ chức, sắp xếp lại các trò, bố trí lại làn điệu cho bài bản, chỉn chu. Hát, diễn sao cho vừa giữ được cái chất của tuồng truyền thống vừa cải biên cho phù hợp với lớp khán giả hiện đại. Ông cũng nhận xét về các nghệ sĩ tuồng không chuyên ở Bình Định, rằng: Nhiều nghệ sĩ đã vươn tới tính điêu luyện của nghệ thuật sân khấu truyền thống. Qua các nhân vật, từ truyền thống đến hiện đại, các tiết mục đã thể hiện những tìm tòi, sáng tạo của nghệ nhân, nghệ sĩ...
Nghệ thuật tuồng là một loại hình không dành cho những kẻ ăn xổi ở thì. Để mong thành nghề, người diễn viên phải dốc lòng chiu chắt, bồi dưỡng nghề cho nhuần nhuyễn, tinh luyện. Hầu hết các đoàn tuồng không chuyên ở tỉnh ta có chung hoàn cảnh là các nghệ sĩ phân tán ở nhiều địa phương khác nhau nên việc ráp vai, tập luyện không được thuận lợi. Tuy không có điều kiện tập luyện như các nghệ sĩ tuồng chuyên nghiệp, nhưng ý thức về nghề của “nghệ sĩ tuồng chân đất” vẫn bài bản khi họ cố công tìm cách ôn luyện, học vai. Cho nên, khi bước lên sân khấu, vai nào cũng ra dáng, ra hình.
“Tuy mỗi người một nơi với những công việc riêng mưu sinh, nhưng khi có hợp đồng biểu diễn là anh chị em đều thu xếp công việc tề tựu đầy đủ. Các nghệ sĩ dường như đã thuộc nằm lòng các trích đoạn, tuồng tích. Khi gặp nhau, họ chỉ cần nửa ngày để ráp vai là có thể bước lên sàn diễn, nhập tâm vào từng nhân vật”, ông bầu Lê Văn Bình, đoàn tuồng Sông Côn (ở Vĩnh Thạnh) tâm sự.
Gặp các “nghệ sĩ chân đất”, tôi biết rằng, họ gắn cuộc đời mình với hát bội, không chỉ vì cuộc mưu sinh. Họ vẫn từng ngày thầm lặng với tình yêu hát bội. Nhiệt tâm là thế, nhưng mỗi lần ngoảnh lại, các nghệ nhân tâm huyết với tuồng không khỏi chạnh lòng. Vì rằng, nhiều nghệ nhân càng lão luyện nghề, càng dày kinh nghiệm thì vòng đời cũng dần mỏng lại, trong khi những đào, những kép trẻ hát bội kế nghiệp lại ngày càng ít. Tre già nhưng măng chưa chịu mọc. Đó cũng là nỗi trăn trở chung của hết thảy những ai dành tình yêu cho nghệ thuật truyền thống hát bội. 
 ĐỨC LINH
(bút danh của Phuy, hehe)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

ambum ảnh

ambum ảnh

Bài đăng phổ biến

Được tạo bởi Blogger.