123, Example Street, City 123@abc.com 123-456-7890 lasantha.wam

hạnh phúc trổ mầm từ phía cô đơn...

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

Hành trình sắc màu của một nữ họa sĩ


Gốc Huế, nhưng gắn bó và lập nghiệp ở Bình Ðịnh, gần 40 năm với những hình nét, màu sắc, chị - nữ họa sĩ Lê Thị Tuấn - vẫn từng ngày thầm lặng sáng tác, neo giữ tình yêu với hội họa.
Mê vẽ từ bé, để thực hiện đam mê, năm 1976 chị theo học Trung cấp mỹ thuật ở Huế. Đầu năm 1980, chị được phân công về công tác tại trường Văn hóa nghệ thuật Nghĩa Bình. Gần nửa năm sau, chị chuyển sang phòng Thông tin - Cổ động của Sở Văn hóa Nghĩa Bình…
Sơn dầu một thuở
Những năm ấy, người yêu thích hội họa đã quen với hình ảnh một nữ họa sĩ trẻ trung, đầy tràn năng lượng với áo sơ mi, quần jean, đeo tạp dề trèo thang vẽ pano, áp phích cổ động. Lần giở lại ký ức, nữ họa sĩ khẽ cười, nét duyên đằm thắm vẫn vẹn nguyên: “Đó là những tháng ngày ắp đầy kỷ niệm, được gặp gỡ, tiếp xúc với con người, các vùng đất Bình Định, hòa vào cuộc sống của người dân chân chất mộc mạc, tích lũy nhiều cảm xúc để về sau tôi thực hiện những sáng tác của mình”.
Bức tranh khắc gỗ Xưởng đóng tàu.
Năm 1989, sau khi tỉnh Nghĩa Bình tách ra làm 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, chị về công tác tại Phòng Thông tin, Cổ động và Triển lãm thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định, gắn bó đến khi nghỉ. Ngoài công việc phục vụ tuyên truyền, quảng bá cho những sự kiện, ngày lễ lớn, chị lặng lẽ với “khoảng trời riêng” cùng những gam màu, hình khối. Chị chọn sơn dầu làm chất liệu gửi trao cảm xúc, bởi khả năng ký họa nhanh những ý tưởng thành hình hài. Những tác phẩm như Làm gốm, Thả diều, Bông súngThu hoạch dừa… theo thể tài hoạt cảnh, tĩnh vật được chị thực hiện khá thành công trên nền chất liệu này.
Năm 1995, chị tiếp tục thi và học Đại học Mỹ thuật Huế. Chị tâm sự, học để tiếp cận những cái mới, để mình mở rộng nhãn quan, để biết thêm nhiều điều mà nếu không học có khi không biết cách tìm tới! Cầu thị, ham học hỏi, siêng sáng tác, tác phẩm của họa sĩ Lê Thị Tuấn đều đặn được chọn tham gia triển lãm khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên từ năm 1998 đến nay, đó có thể xem là một ấn chứng.
Đồ họa tìm về
Những năm gần đây, người mê hội họa thấy chị sáng tác nhiều tranh đồ họa ở mảng tranh khắc gỗ: Lọ hoa (khắc gỗ - 2009), Thuyền (khắc gỗ - 2010)... Hay mới năm ngoái, tác phẩm Xưởng đóng tàu (khắc gỗ - 2017) đạt giải C của tỉnh và được giới thiệu tham dự giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Và vừa rồi, triển lãm khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên 2018 tổ chức tại Phú Yên, tác phẩm tranh khắc gỗ Hoa súng tím vinh dự được chọn triển lãm.
Một phụ nữ mảnh mai lại chọn con đường sáng tác gắn liền với tranh đồ họa, kỳ công khắc gỗ bằng đường dao, mũi đe, cân chỉnh bố cục, chỉ cần một chút sơ sẩy là hỏng. Khắc gỗ xong phải dùng rulô lên màu, rồi in lên giấy dó... Gần chục công đoạn để hoàn thiện một bức tranh. Không phải ai cũng chọn lối sáng tác kỳ công này ngay cả khi hâm mộ, bởi nếu không đủ đam mê, kiên nhẫn, người nghệ sĩ thật khó gắn bó lâu dài. Thế mà, gần chục năm nay, Lê Thị Tuấn khá thành công với tranh đồ họa.
Thực ra, đó không phải là một cuộc “rẽ ngoặt” mà là sự “tìm về” đúng chuyên ngành của chị. Chị tâm sự, lúc học trung cấp và cả đại học, chị đã chọn ngành sáng tác tranh đồ họa. Những nét khắc rạch ròi, độ đậm nhạt, sắc màu tươi thắm và sự khéo léo chăm chút tỉ mỉ của đôi tay tạc hình trên tấm ván gỗ... hấp dẫn chị. Hơn nữa, khi thôi công tác ở Trung tâm Văn hóa tỉnh, chị có nhiều thời gian để chăm chút tác phẩm hơn, bởi việc tạo ra một sản phẩm nghệ thuật đồ họa như khắc gỗ đòi hỏi công phu. “Như bức Xưởng đóng tàu, mình dành rất nhiều thời gian để ý, quan sát và nhìn ngắm người thợ làm việc để nuôi dưỡng đề tài. Đến khi quyết định sáng tác lại thực tế cả tháng ròng rã để chắt lọc, dõi theo từng công đoạn mà người thợ đóng tàu thao tác, lắp ghép tỉ mẩn những thanh gỗ thành chiếc tàu hoàn thiện”, chị trải lòng.
Có lần tôi thắc mắc, tác phẩm khá nhiều và được giới chuyên môn đánh giá cao, thế nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thấy chị mở cuộc triển lãm cá nhân? Chị bộc bạch: Mình đang ấp ủ tổ chức triển lãm với những sáng tác cả mảng sơn dầu và tranh đồ họa. Tất nhiên, chủ đạo vẫn là tranh đồ họa. Nhưng, trước mắt mình đang thực hiện một bức tranh khắc gỗ về nghề nuôi tôm, một nét đẹp về lao động ở Bình Định.
Nếu ai đó bảo, con đường làm nghệ thuật không giới hạn tuổi tác, thì họa sĩ Lê Thị Tuấn đang minh chứng cho điều ấy. Thời gian như dừng lại nơi nụ cười tươi trẻ của chị với rất nhiều dự định, kế hoạch, ý tưởng.          

Họa sĩ Lê Thị Tuấn

“Lê Thị Tuấn là một họa sĩ có trách nhiệm với nghề. Chị có thế mạnh về mảng sáng tác đồ họa với dấu ấn là tranh khắc gỗ. Ví như bức Xưởng đóng tàu là một tác phẩm rất thành công. Tranh đồ họa cần đầu tư dày công, tỉ mỉ nhưng Tuấn gắn bó với lối sáng tác này, hơn nữa, lại sáng tác rất đều tay trong khi nhiều họa sĩ ở độ tuổi của Tuấn đã “nghỉ hưu” hoặc ít chịu sáng tác. Đó là một điều rất đáng quý ở chị”.   
Họa sĩ LÊ DUY HỒNG, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Bình Định
VÂN PHI

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

ambum ảnh

ambum ảnh

Bài đăng phổ biến

Được tạo bởi Blogger.