123, Example Street, City 123@abc.com 123-456-7890 lasantha.wam

hạnh phúc trổ mầm từ phía cô đơn...

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

Lê Ân - kẻ rong chơi đáng yêu

Nhiều người bảo Lê Ân ham chơi. Tôi lại thấy anh chơi dữ mà làm còn dữ hơn. Anh vẽ - làm phù điêu - tạc tượng - viết thơ ngón nào cũng đắm đuối. Cứ thử nhìn những gì anh tạo tác trên sân chơi của mình, bằng bột màu, sơn dầu, bằng đá núi và mũi đục, bằng giấy và những ký tự…, hẳn nhiều người cũng sẽ muốn chơi.
Trên giấy khai sinh tên anh là Lê Văn Ân, sinh năm 1967 tại Phù Cát. Tốt nghiệp ngành Hóa - Địa, khóa 8 1982-1985, tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nghĩa Bình, đi dạy ở trường cấp 2 xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát một thời gian, anh xin nghỉ rồi mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau ở nhiều tỉnh thành, trước khi về lại Quy Nhơn (năm 2000). Mới đây, thêm một lần nữa, anh nhận giải Đào Tấn - Xuân Diệu  lần V (2010-2015) với tập thơ Ru thai, lần này là giải A…
Lê Ân và mẹ.
Nghe đá nói, trò chuyện với toan…
Năm 2000, khi anh vừa về Bình Định, có người biết anh làm được tượng, lại có duyên với nhà chùa, liền đặt làm tượng thiền sư Lê Ban. Bức tượng được đánh giá rất cao. Sau được đặt trang trọng tôn nghiêm tại chùa Ông Núi. Cái tin thầy giáo, họa sĩ Lê Ân cũng… làm được tượng theo đó lan truyền rộng rãi. Hóa ra, những năm tháng xa xứ, lang bạt vào miền Nam Sài Gòn kiếm sống, anh đã tự học được không ít công phu từ những bậc tiền bối trong nghề vẽ, tạc tượng, làm phù điêu.
Tượng anh làm chỉn chu, đẹp. Nhiều người thích nên đơn đặt hàng đến với anh ngày càng nhiều. Ngoài tượng thiền sư Lê Ban, anh còn là tác giả của nhiều bức tượng khác như tượng bác sĩ Đặng Đức Trạch tại Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa, vườn tượng danh nhân tại Đại học Quy Nhơn… Anh cũng là chủ nhân của bức phù điêu lớn hình Phật ngồi trên đá với chiều cao 6 mét ở chùa Long Sơn (Cát Hưng, Phù Cát).
“Khi phát hiện ra một “núi đá” lớn bị vỡ đôi, hình phẳng tự nhiên rất đẹp có khả năng tạo tác, mình bàn với sư trụ trì chùa Long Sơn và quyết định tạc bức phù điêu trên mặt đá này”, anh kể. Bức phù điêu ấy, nghiễm nhiên trở thành một điểm nhấn thu hút khách thập phương từ mọi miền về Cát Hưng chiêm bái.
Một đoạn rất dài, điêu khắc trở thành nghề nuôi sống Lê Ân. Nhưng điểm khởi đầu của anh là hội họa. Trong ngôi nhà nhỏ của anh, treo khá nhiều tranh do anh vẽ. Mỗi tác phẩm là một góc nhìn hiện sinh, có thể là một cánh diều chở ước mơ tuổi thơ của đứa con nhưng sợi dây lại buộc vào chiếc nạng gỗ của người mẹ bị tật nguyền; hay gương mặt một người đàn ông hiện ẩn trong các lớp trầm tích chồng xếp lên nhau giữa mê man tháp Chàm, trừu tượng và đầy ẩn ý… Khi được hỏi về những tác phẩm của mình, anh nói: “Khi đứng trước một tấm toan, khi vẽ, khi săm soi một khối đá hay làm bất kỳ điều gì, mình không nghĩ rằng mình đang tạo ra một “tác phẩm”, đơn giản đó là sự ghi nhận lại của cảm xúc ở một góc độ và khoảnh khắc nào đó, nói đó là sở thích nuôi dưỡng trong tâm hồn dẫn tôi đi thì đúng hơn là chủ ý nghệ thuật”.
Có lẽ thật vậy, Lê Ân không biết khiêm tốn vờ, lại càng không ngoa. Anh giản dị và có lẽ còn “ngây thơ”. Khi ngắm tranh anh vẽ hay những gì được anh tạo tác từ bê tông, sắt thép hay đá, lại có cảm giác như chúng biết nói, bằng một thứ ngôn ngữ mềm mại mà đằm sâu. Tranh của anh cũng được dự treo tại nhiều triển lãm cấp tỉnh cũng như ở miền Trung - Tây Nguyên. Tạm có thể coi đó là ấn chứng cho nét cọ, đường bay sơn dầu của anh.
Phù điêu Đức Phật do Lê Ân tạc trực tiếp trên đá núi tại xã Cát Hưng, huyện Phù Cát.
Chiêm nghiệm với thơ
Nhà văn Lê Hoài Lương từng nhìn nhận: “Lê Ân không cố công làm thơ. Bài thơ có khi chỉ đến sau một cuộc say, một cuộc chơi, một cuộc tình. Nhưng bài nào, dù vui, dù hạnh phúc, cũng man mác cái mênh mông buồn của kiếp người, đông vui thì đã chờ sẵn cái cô đơn, cái có được cũng thật mong manh, dễ vỡ…”. Đến giờ, Lê Ân là cha đẻ của 2 tập thơ: Nghe phù du hát và Ru thai. Trong đó, tập Nghe phù du hát được giải B giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần thứ IV (2006-2010). Và, mới đây, anh đĩnh đạc nhận giải A giải Đào Tấn - Xuân Diệu lần V (2010-2015) với tập thơ Ru thai.
Trong thơ mình, Lê Ân viết nhiều về mẹ: “Tôi đi tìm người mẹ tha phương/ Mái tóc rối như mây trên ngọn tre mùa bấc/ Đôi tay gầy mẹ phơi màu ký ức…/ Rách rưới ơi, ngàn mảnh vô thường” (Tìm); về cha một đời lận đận: “Ba phơi chiều nắng gió/ Trên liêu xiêu phận người” (Ngày cũ); về chị những tháng ngày cơ cực: “Vùi đầu trong mấy mẹt rau/ Cái buồn ế ẩm, cái đau thãi thừa” (Chị). Và, về cả muôn vạn nẻo yêu:“Đợi trăng, em đứng sân đình/ Ta theo lũ nhỏ trộm kinh vườn chùa/ Bây giờ nằm vọng trăng xưa/ Trái vô ưu rụng, vườn chùa đợi ai/ Tay ta nghịch chén rượu đời/ Mắt em trú mộng phương trời còn mơ?/ Hồn ta đắng giọt cuồng thơ/ Biết em còn đợi trăng về nữa không?” (Bờ Trăng). Đôi bàn tay chới với ôm lấy bóng trăng nhân thế đa đoan hay là đang dang tay ôm trọn một kiếp phù trầm đọa đày, cái đó đều đã vận vào một kiếp đời của Lê Ân.
Thế nên có lần, Lê Ân bảo rằng: “Sáng tạo là một hành trình đơn độc…”. Anh tái hiện lại những điều mình thấy bằng cái nhìn rất riêng, những con chữ không bị gò bó, và những suy tưởng không nằm trong một quy luật nào cả. Đơn giản là lắng nghe, chiêm nghiệm. Và viết. Có thể chậm, có thể nhanh, có thể ngẫu hứng nhưng không nên cẩu thả, tùy tiện. Ít thấy ai chơi mà nghiêm túc như anh. Nhất là cuộc chơi với con chữ. Ấy vậy, mà anh cứ nhất quyết tự nhận mình là “tào lao”: “Đôi khi ta cũng tào lao thật/ Trèo lầu tư tưởng ghẹo hư không…”. Nhiều kẻ chậc lưỡi: “Tào lao kiểu gì mà… thơ vậy”. Anh cười. Nụ cười trong vắt trẻ con!
Anh tạo tác nhiều tượng. Nhưng “pho tượng” khiến lòng anh rưng rưng nhất, là dành cho người phụ nữ đã ngoài chín mươi yêu con hết mực. Mẹ của anh. Pho tượng ấy không là đá, là chữ, mà là của trong sáng thuần khiết một niềm thương tha thiết và tôn kính, với mẹ: “Pho tượng buồn đời mẹ vẫn phong sương/ Nước và non thao thiết cội nguồn”.
Khi thả cảm xúc mình chảy trong con chữ, tôi lại thấy anh đang tung quẫy trong miền thơ.Khi Lê Ân làm công việc mà anh yêu thích, tôi có cảm tưởng rằng anh đang tự tình. Nếu tất thảy là một cuộc rong chơi, thì Lê Ân là một kẻ rong chơi đáng yêu, nhất là  khi anh lang bạt trong cõi tâm tưởng của riêng mình. 
VÂN PHI
bài đã đăng báo Bình Định: 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

ambum ảnh

ambum ảnh

Bài đăng phổ biến

Được tạo bởi Blogger.