123, Example Street, City 123@abc.com 123-456-7890 lasantha.wam

hạnh phúc trổ mầm từ phía cô đơn...

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2020

Một góc nhìn vào văn hóa Hrê...

Cuốn sách “Văn hóa cổ truyền của người Hrê ở huyện An Lão tỉnh Bình Định” (NXB Khoa học Xã hội, năm 2015; Nguyễn Xuân Nhân chủ biên, Đinh Văn Thành cộng tác) là một công trình nghiên cứu công phu về văn hóa của đồng bào Hrê. Sách được giới chuyên môn đánh giá cao, nhất là trong bối cảnh những giá trị văn hóa mang bản sắc riêng đang dần phai mòn theo thời gian.
Trong 36 thôn tập trung người Hrê sinh sống tại huyện miền núi An Lão, có 2 thôn người Hrê cộng cư với người Bana; 2 thôn Hrê cộng cư với người Kinh; 32 thôn còn lại cư trú tập trung, biệt lập. Việc khảo sát, nghiên cứu chủ yếu tập trung các làng trên Trường Lũy - nơi còn lưu giữ những nét văn hóa chưa bị lẫn tạp. Tại đó, như nhiều dân tộc khác, làng là đơn vị xã hội cao nhất của người Hrê, họ gọi làng là palài. Điều chú ý là với người Hrê, một thôn có thể có nhiều làng…
Lễ cúng bến nước là nghi lễ truyền thống của đồng bào Hrê. Lễ được tổ chức nhằm tạ ơn trời đất, các thần linh, tổ tiên ông bà phù hộ dân làng sau một năm vất vả ; cầu mong mọi người luôn sức khỏe, dân làng được bình an và mong cho nguồn nước luôn dồi dào để dân làng ăn uống, sinh hoạt không ốm đau, bệnh tật, cây trái mùa màng tươi tốt, súc vật lớn nhanh, bản làng trù phú.
- Trong ảnh: Thầy cúng dâng rượu cúng tại bến nước. Ảnh: VÕ CHÍ HÀ
Những thông tin quý
Cuốn sách là một công trình nghiên cứu văn hóa dân gian giá trị, giúp ta có cái nhìn sâu sát hơn về văn hóa cổ truyền của người Hrê tại An Lão. Từ đó, có thể thấy sự đồng điệu và dị biệt giữa văn hóa Hrê với các dân tộc khác và với ngay cả người Hrê đang sinh sống tại Quảng Ngãi.
Dày gần 400 trang, sách được phân thành 6 chương, nội dung rõ ràng, mạch lạc, chứa nhiều tư liệu bổ ích. Điều này cho thấy cách làm việc khoa học, công phu của các tác giả. Qua điền dã, khảo sát, tìm tòi, thu thập thông tin từ đồng bào Hrê, tác giả đã cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin mà không phải ai cũng thấu tỏ.
Điểm đáng lưu ý đầu tiên là thông tin, người Hrê là “người bản địa” chứ không phải phiêu bạt từ Malaysia đến: “Người Hrê có nguồn gốc từ người Indonésien cổ đại (còn gọi là người Mã Lai cổ), nói tiếng Môn - Khmer đã sinh sống ở miền núi phía Tây - Bắc Bình Định (An Lão) và miền núi phía Tây Quảng Ngãi từ thời cổ” (tr. 56).
Khác với nhiều dân tộc sinh sống ở khu vực miền núi khác, đồng bào Hrê biết làm lúa nước từ rất sớm. Người Hrê có câu ngạn ngữ: “Oitaleqi deac la oi chi e i ma ngai Hrê sình rìh”, nghĩa là “ở đâu có nước là ở đó có người Hrê sinh sống”. Trước đây, người Hrê ở An Lão chủ yếu làm lúa nước, song vì đất bằng hẹp nên họ “phải kết hợp làm ruộng nước với ruộng khô, làm rẫy, làm vườn, chăn nuôi và cả hình thái kinh tế săn bắt, hái lượm thời nguyên thủy để sinh sống” (tr. 101).
Bằng sự chịu khó, cần cù của mình, bao đời nay, đồng bào Hrê quý đất như vàng, chỉ cần có thửa đất bằng là họ sử dụng triệt để, vỡ đất làm ruộng.
 
Nét độc đáo trong nếp sống, sinh hoạt
Sách còn cho người đọc biết khá nhiều nét độc đáo trong nếp sống sinh hoạt của đồng bào Hrê. Điển hình như khi khảo tả về ngôi nhà sàn cổ truyền của người Hrê, tác giả viết rất chi tiết: “Nhà lợp tranh, vách tranh nẹp tre vót đẹp, hai chái để trống. Cửa chính trước mặt nhà hướng về phía đất cao, chếch về bên phải. Hai bức vách hai đầu ngăn cách giữa hai chái và phần trong nhà làm bằng gỗ, có hai cửa phụ hai đầu thông ra hai chái. Hai cửa phụ chỉ cao 1,50m, người ra vào cửa phải khom lưng, cúi đầu. Cứ mỗi bếp là có một cửa sổ hắt ánh sáng vào nhà. (…) Đầu hai nóc nhà làm hai sừng bằng cỏ tranh hay hai thanh tre kéo dài giao nhau thành hình chữ V chĩa lên trời, gọi là sừng nhà (haki, hki) biểu tượng cho sự bền vững, khỏe mạnh” (tr. 173 - 175).
Người Hrê giàu có về số lượng lễ tục. Trong số ấy, lễ cà răng là “lễ tiết hết sức quan trọng trong cuộc đời của người Hrê. Lễ tiết này được xem như là lễ thành đinh của nam và lễ trưởng thành của nữ Hrê” (tr. 222). Riêng về lễ hội lớn, người Hrê có lễ Tết, lễ cúng cơm mới (hội mùa) và lễ hội đâm trâu. Trong những ngày này, gái trai xúng xính xiêm y, ăn mừng ca hát dưới ánh lửa bập bùng bên triền núi, tiếng cồng chiêng, đàn sáo cất vang.
Đọc sách, ta biết thêm tục táng treo trong nghi thức tang ma của đồng bào Hrê. Thời xưa, quan tài (ranan) được làm bằng cây tpê đốt cháy bên trong cho rỗng ruột, đủ chứa thi hài người chết. Sau đó, họ treo quan tài trên những cây lớn trong rừng. Về sau, nguồn gỗ lớn cạn đi, tập tục cũng đổi khác: “Thi hài người chết được đặt trong quan tài bằng ván, quan tài được lồng hai đầu vào khung gỗ làm giá chôn chặt xuống đất. Dưới quan tài đào huyệt sâu, lâu ngày hỏng giá gỗ quan tài sụp xuống, thi hài người chết bị lấp dần theo mưa gió” (tr. 161).
ĐỨC LINH
(bút danh của Phuy, hihi)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

ambum ảnh

ambum ảnh

Bài đăng phổ biến

Được tạo bởi Blogger.