123, Example Street, City 123@abc.com 123-456-7890 lasantha.wam

hạnh phúc trổ mầm từ phía cô đơn...

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

Trữ tình Trình Ngọc Chương


Trình Ngọc Chương (SN 1954, ở phường Bình Ðịnh, TX An Nhơn) hoạt động văn nghệ từ năm 1972 và sáng tác nhạc từ khá sớm nhưng gần đây anh mới cho ra mắt tập nhạc đầu tay của mình. Tác phẩm của anh vừa dung dị vừa trữ tình đằm thắm, được nhiều bè bạn và người yêu nhạc yêu mến.
Trình Ngọc Chương vốn là một giáo viên dạy toán. Về âm nhạc, anh không theo học trường lớp nhạc bài bản nào cả, chỉ vì đam mê rồi mày mò tự học. Anh tâm sự, âm nhạc là thứ dễ kết nối con người lại với nhau. Niềm say mê đàn - hát dần thôi thúc anh viết và hát về quê hương và đồng bào.  
Trình Ngọc Chương thể hiện ca khúc do chính anh sáng tác.
Trình Ngọc Chương điềm đạm nhưng rất nhiệt tình tham gia văn nghệ phong trào ở địa phương và nhà trường. Anh có nhiều sáng tác dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Năm 1985, anh viết ca khúc Em lớn lên từ đây. Ca khúc này sau đó được giải Tác giả có bài hát hay trong “Hội thi Tiếng hát hoa phượng đỏ - năm 1988”. Có lẽ Trình Ngọc Chương không dồn sức cho sáng tác, anh kể mình nén chất liệu thật lâu, đến khi cảm xúc tự nó bật lên trên khuôn nhạc, thì mình trải lòng ra. Ngay cả khi phổ thơ thành ca khúc, Trình Ngọc Chương cũng dồn chất liệu như vậy, thành ra đến nay anh chỉ có chừng 50 ca khúc.
Mãi tới đầu năm 2020, anh ra mắt tập tình khúc đầu tiên của mình - Giọt nắng chiều phai (Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh) gồm 25 bài hát. Sáng tác của anh chủ yếu về quê hương, tình yêu, tình bạn và thân phận con người. Như bài Chút tình mồ côi, là sự đồng cảm của anh với đứa học trò nhỏ của mình. Anh trải lòng: “Mình cũng là đứa trẻ mồ côi, khi biết được đứa học trò nhỏ như thế mình như bị chảy theo dòng tự sự, có nhiều sự đồng cảm. Mọi thứ dồn nén lại để mình viết”. Nói rồi anh cất lời, tiếng hát rủ rỉ: “Em mồ côi hay chiếc lá mồ côi, mà lặng lẽ trong chiều tím nhạt. Trời thôi nắng em về trong gió thoảng hương đồng bông cỏ trắng bờ xa”.
Nhạc của Trình Ngọc Chương xuyên suốt một nét trữ tình, êm đềm và dịu ngọt. Nó khác hẳn với vẻ ngoài thô rám, góc cạnh, logic và chính xác của một thầy giáo dạy toán. Tôi nhiều lần ngồi trò chuyện và nghe anh đệm đàn hát giữa bạn bè, anh hát chỉ vừa đủ nghe và đệm đàn cũng vừa đủ để làm nền cho ca khúc. Bạn bè anh trêu, nhạc và phong cách diễn của Trình Ngọc Chương được công chúng lắng nghe vì nếu không lắng nghe sẽ không nghe được gì hết. Đùa vui như thế thôi nhưng giữa những cuộc trình diễn lớn, nhưng đêm văn nghệ phong trào, cái cách thủ thỉ sẻ chia về quê hương, đặc biệt là quê hương An Nhơn của anh được công chúng đón nhận nồng nhiệt.
Giữa những bề bộn cuộc sống, nghe nhạc Trình Ngọc Chương sẽ dễ thấy lòng vơi nhẹ lại. Nhạc của anh kéo về những không gian mênh mang bình lặng của đồng quê: “Trời trong xanh bao la gió ngàn reo câu ca. Khi chiều lên quê ta em về thơm hương lúa. Em mùa xuân bên anh lên đồi cao quê hương. Dáng hình em thân thương nghe lòng anh xao xuyến” (Chiều hát trên đồi quê hương). Nhạc của Trình Ngọc Chương không nhiều đột biến về tiết tấu, giai điệu nhưng vẻ đẹp từ hình ảnh toát lên ở ca từ giàu chất thơ có sức thu hút khó cưỡng lại. Thảng hoặc, Trình Ngọc Chương có làm thơ, và thơ anh cũng như nhạc tự nhiên lại có tiết tấu giai điệu. Như bài Lời tháng Tư: “Em về nắng chợt vô tình/ Rơi lên sợi tóc tơ xinh thì thầm/ Tưởng chừng như chuyện xa xăm. Từ trong cây cỏ đêm rằm tháng Tư/ Chuyện đời thơ chuyện thực hư/ Nhân gian huyền ảo có như không mà”.
Trình Ngọc Chương không chủ tâm làm một nhạc sĩ, bằng chứng là dù rất nhiệt tình với văn nghệ phong trào nhưng nghĩ đến anh, hầu hết những người quen biết anh đều gọi anh là thầy Chương. Nhắc đến anh, nhạc sĩ Hữu Thuần, hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam, rất trân trọng: “Tôi biết Trình Ngọc Chương từ khi anh ấy hoạt động văn nghệ xã hội ở An Nhơn từ trước năm 1975. Với ca từ đậm chất thơ, tiết tấu nhẹ nhàng, giai điệu mượt mà, những tình khúc của Trình Ngọc Chương dễ đi vào lòng người. Đặc biệt, anh có nhiều ca khúc trữ tình tựa như bức họa đồng quê dễ lay thức những lữ khách xa nhà như muốn gọi lòng trở về bản xứ. Tập ca khúc vừa rồi của anh Chương vừa in đa phần được viết với nhịp 3/4, dòng nhạc boston êm đềm, đúng với điều anh luôn nhớ nghĩ và hay nói về quê hương thân yêu”.
VÂN PHI

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

Người lính già & những trang ký ức...

Chúng tôi may mắn khi được trò chuyện cùng người cựu binh Thái Bá Học, được xem như một nhân chứng sống cho một giai đoạn đấu tranh chống Mỹ giành độc lập. Ðã ngoài 80 tuổi nhưng trong cuộc trò chuyện, từng mảng ký ức được ông kể lại rành rọt, tựa như mọi thứ mới xảy ra ngày hôm qua. Có buồn, có vui nhưng đọng lại là nghĩa đồng đội, tình quân dân, sự trân trọng những giá trị lịch sử của một thời máu lửa.
Năm 1955, chàng thanh niên 20 tuổi Thái Bá Học bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng với các nhiệm vụ như rải truyền đơn kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh yêu cầu Mỹ - Diệm thi hành Hiệp định Geneva, móc nối cán bộ, gây dựng phong trào cách mạng ở địa phương… Dẫu đối diện nhiều hiểm nguy, gian khổ nhưng ông không nề hà.
Cựu binh Thái Bá Học (áo trắng, đứng hàng trước, tay cầm mũ) thăm lại căn cứ cách mạng An Trường.
ÐAU THƯƠNG NẰM LẠI
Ông là người mở ra cơ sở cách mạng đầu tiên tại xã Nhơn Lộc, đặc biệt là gầy dựng cơ sở cách mạng trong lực lượng thanh niên trên toàn An Nhơn trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ và liên tục bám trụ ở quê hương phục vụ sự nghiệp cách mạng.
Chiến tranh đã đi qua hơn bốn thập kỷ nhưng ký ức về cuộc chiến chưa một ngày rời khỏi trái tim ông. Ông nhớ như in cái ngày mà hai người bạn Nguyễn Tài Nông và Nguyễn Hợi ngã xuống ngay trước mắt ông. “Chiều 20.5.1963, nhóm 3 người chúng tôi bị địch phục kích tại xã Nhơn Lộc. Hai đồng đội hy sinh ngay trước mắt tôi và bị địch cướp xác mang đi. Nếu ngày ấy súng tôi không bị kẹt vỏ đạn trong bầu nòng, khiến tôi không bắn trả lại được nên phải lao vào trong rừng, có lẽ tôi cũng đã chết trước họng súng của 3 trung đội địch”, ông Học bồi hồi.
Ông Thái Bá Học (SN 1935), quê tại xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn, hiện đang ở đường Hai Bà Trưng, TP Quy Nhơn.
Năm 1955: Chính thức tham gia hoạt động cách mạng.
Năm 1966 - 1975: Phó Bí thư Huyện ủy An Nhơn.
Năm 1976 - 1983: Trưởng Ban chỉ huy ban B, xây dựng công trình thủy lợi Hồ Núi Một.
Năm 1983 - 1995: Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Năm 1966, trước sự đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ và quân Nam Triều Tiên đánh thuê, ông Học được phân công chỉ huy một trung đội du kích từ xã Nhơn Phúc vào xã Nhơn Lộc đánh địch. Khi tới chốt Lai Nghi (Bình Khê), địch dùng pháo cỡ lớn tấn công trung đội du kích, buộc mọi người dừng lại và tản ra tránh pháo. Trong trận chiến ấy, ông bị thương bởi một mảnh đạn găm vào phổi. Nhớ lại chuyện xưa, ông Học vẫn bần thần: “Tôi lại lần nữa thoát chết. Nhưng cũng một lần nữa chứng kiến cái chết của chính đồng đội mình. Trận pháo ấy, anh Nhẫn, người được chuyển đến hoạt động cùng tôi vài ngày đã hy sinh”.
Suốt mấy mươi năm kháng chiến, cận kề bom đạn, sống chết mỗi ngày, ông chứng kiến không biết bao nhiêu đồng đội, những người từng chia nhau vắt cơm, hạt muối, kề vai sinh tử cùng mình vĩnh viễn ra đi. Từng giây từng phút, người chiến sĩ cộng sản ấy luôn mong ngóng đến giây phút hòa bình. Người lính già năm xưa trầm giọng: “Chỉ giản đơn muốn ăn một bữa cơm gia đình mà không cần phải lo sợ đạn pháo đã là một niềm vui. Càng tha thiết với hạnh phúc đơn sơ ấy, tôi và đồng đội lại càng thêm quyết tâm bám cơ sở đấu tranh, cái không khí hừng hực quyết tâm giải phóng, sự đồng lòng của quân và dân như liều thuốc giảm đau cho vết thương vẫn đang âm ỉ từng ngày trong cơ thể”. Và ông suy tư: “Những năm tháng ấy suy nghĩ của chúng tôi trong veo thuần khiết, chỉ có một mục tiêu là sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Chính vì không một chút băn khoăn, lợn cợn nào nên giờ hình dung lại, gương mặt đồng đội hiện lên rõ mồn một!”.
Năm 1974, ông đi chụp X quang và phát hiện trong người có mảnh đạn 2 cm có thể gây nguy hiểm cho tính mạng. Nhiều người khuyên ông nên ra miền Bắc điều trị, nhưng rồi dự cảm về những trận đánh lớn đang đến, ông nhất quyết không chịu. Ông muốn ở lại với An Nhơn đến những trận chiến cuối cùng. Ông tâm sự: “Bắt đầu từ những năm đánh Mỹ đã có mặt tôi. Giờ là thời khắc quan trọng trong những trận đánh mang tính quyết định, làm sao mình không tham gia được”. Vậy là người chiến sĩ ấy lại tiếp tục rời bệnh xá, trở về địa phương lãnh đạo phong trào. Giọng ông như chùng lại xúc động: “Ngày giải phóng, tôi đứng sững ở cửa Đông thành Bình Định, niềm hạnh phúc chẳng thể diễn tả thành lời. Tôi bật lên thành tiếng như là đang nói với chính mình: Chiến tranh kết thúc rồi. Hòa bình đã về với quê hương, đồng bào mình!”.
KÝ ỨC VỌNG VỀ
Ông trân quý từng giây phút được sống trong vòng tay những bạn bè, đồng chí gặp lại nhau qua những chuyến đi về nguồn. Với ông, đó là nguồn động viên tinh thần vô giá. Cứ mỗi chuyến đi như vậy, về nhà ông thường ngồi thừ ra để hồi tưởng về những đồng đội đã mất. Thỉnh thoảng, nhớ chiến trường xưa, ông lại thu xếp về lại An Trường, cơ sở hoạt động cách mạng mà một thời ông gắn bó.
Khi nhắc về người lính già Thái Bá Học, ông Trần Duy Đức, nguyên Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TX An Nhơn chia sẻ: “Anh Học vừa là đồng đội, vừa là người thầy đối với thế hệ chúng tôi. Anh thẳng thắn, bộc trực, không bao giờ dung dưỡng cho cái xấu, luôn dốc lòng phục vụ nhân dân, nghĩa tình với đồng đội. Suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, anh Thái Bá Học gắn bó với hoạt động cách mạng ở An Nhơn, bám sát phong trào, trực tiếp chỉ đạo và chiến đấu không quản hiểm nguy trước sự lùng sục, vây ráp của địch. Tôi còn nhớ rõ những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, anh bị thương nặng, mảnh đạn ghim sâu trong người, tác oai tác quái nhưng anh nhất quyết không ra miền Bắc điều trị mà ở lại tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng đến khi An Nhơn được giải phóng. Có thể nói hiện nay, hiếm có ai nắm vững về lịch sử hoạt động cách mạng những năm kháng chiến chống Mỹ ở An Nhơn như anh Thái Bá Học”.
Chiến tranh đã khép lại nhưng trong lòng người cựu chiến binh Thái Bá Học vẫn nhớ như in những ngày tháng hào hùng nằm gai nếm mật, kề vai sát cánh cùng đồng đội chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược, giải phóng quê hương An Nhơn. Những cảm xúc, ký ức xưa, hơn chục năm nay được ông Học ghi lại cẩn thận trong cuốn hồi ký dày gần 400 trang và lưu giữ như một kỷ vật.
Ông trải lòng: “Trong những trang viết này, từng chi tiết một, từng mẩu ký ức nhỏ đã thành máu thịt, nước mắt hay niềm vui và những nỗi đau đớn đều chẳng thể xóa nhòa. Ghi nhớ một thời cách mạng oanh liệt ấy, tôi muốn bày tỏ với thế hệ hôm nay, mỗi chúng ta - trong đó có con cháu tôi - hãy biết trân trọng cuộc sống hòa bình, ổn định mà cha anh đã đổ bao xương máu mới dựng thành xây nên, để thêm vững tin chung tay dựng xây quê hương, đất nước”.
HỒNG HÀ - VÂN PHI

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2020

Sắc ấm mỹ thuật Bình Định

Năm 2019 đã khép lại. Nhìn lại chặng đường một năm những nghệ sĩ Bình Ðịnh hoạt động mảng mỹ thuật có vui, có tiếc nuối, nhưng đọng lại vẫn là cái tình chia sẻ, ấm lòng với bao hy vọng.

Các họa sĩ chụp ảnh lưu niệm nhân buổi gặp mặt Kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam.
Năm 2019, nhiều họa sĩ Bình Định đã thể hiện được dấu ấn của mình qua những tác phẩm đã công bố. Có thể kể đến một Lê Trọng Nghĩa với tác phẩm Mắc kẹt bằng chất liệu gỗ + sắt đạt giải khuyến khích Triển lãm khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên và giải A Giải thưởng Mỹ thuật Bình Định. Và lần nữa anh lại khẳng định năng lực sáng tạo của mình khi được mời tham dự Triển lãm & Workshop Mỹ thuật Quốc tế Hanoi Art Connecting 2019 do Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và nhóm Asia Art Link tổ chức tại Hà Nội. Hay một Nguyễn Văn Cần với tác phẩm Nắng qua vùng lũ (chất liệu acrylic) được chọn tham dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc đề tài lực lượng vũ trang tại TP Hồ Chí Minh.
Nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa chia sẻ, năm 2019 là năm khá thành công của Chi hội Mỹ thuật Bình Định. Số lượng tác phẩm được chọn tham gia triển lãm khu vực nhiều hơn năm 2018. Có họa sĩ đã đạt giải thưởng khu vực. Ngoài ra, có nhiều họa sĩ tham gia nhiều hoạt động triển lãm ở TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Hà Nội, Phú Yên…, tổ chức giao lưu chuyên môn với các đoàn họa sĩ các tỉnh bạn. Đặc biệt là có 2 họa sĩ được kết nạp Hội Mỹ thuật Việt Nam là Lê Thị Tuấn và Nguyễn Thế Trường.
Nhà thơ, họa sĩ Lê Ân giới thiệu một tác phẩm của bạn bè được anh trân trọng treo tại tư gia.
Những ngày cuối năm, gặp lại chị Lê Thị Tuấn, một họa sĩ miệt mài sáng tạo, đã mạnh dạn chuyển hướng từ chất liệu sơn dầu sang tranh khắc gỗ. Điều ấy đồng nghĩa với dấn thân vào sự nhọc nhằn để tìm tới cái đẹp. Năm vừa rồi, chị cũng là một trong số những họa sĩ Bình Định đã gửi tranh tham gia đấu giá từ thiện do Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh tổ chức. Bức Xưởng đóng tàu là một tác phẩm tranh khắc gỗ mà chị tâm đắc, dành nhiều thời gian thực hiện đã được đón nhận nồng nhiệt. Với chị, giản đơn là tấm lòng muốn chia sẻ phần nào với những phận người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Khi tôi chúc mừng chị là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, chị đôn hậu trải lòng: “Thật sự mình rất vui, bởi quá trình sáng tác không ngừng của mình đã được ghi nhận. Điều đó như tiếp thêm năng lượng để mình tiếp tục với hoạt động sáng tác, nâng cao chất lượng tác phẩm của mình hơn nữa”.
Có lẽ, nữ họa sĩ Lê Thị Tuấn là một trong số ít những họa sĩ còn giữ nhịp độ sáng tác đều đặn hiện nay ở Bình Định. Giữ lửa sáng tác là điều được nhiều họa sĩ và người yêu mỹ thuật Bình Định quan tâm. Anh Lê Trọng Nghĩa tâm tư, mỹ thuật Bình Định dường như vẫn còn là một vùng trũng, các họa sĩ ít sáng tác, cũng không có nhà trưng bày, triển lãm mỹ thuật thường xuyên... thiếu rất nhiều thứ. 
Nhiều lần chuyện trò với họa sĩ Nguyễn Văn Cần, anh trải lòng: Ở mình dường như yếu tố kết nối giữa các họa sĩ còn lỏng lẻo. Việc các họa sĩ ngồi lại cùng nhau, hăm hở chia sẻ cho nhau những sáng tác mới, trao đổi và góp ý nhau những tác phẩm, truyền lửa cho nhau… còn thiếu vắng. Nguyễn Văn Cần là một trong số ít những họa sĩ ở Bình Định bán được kha khá tranh. Anh tâm sự: “Những năm gần đây thị trường tranh Bình Định có hướng phát triển. Tranh có phần đa dạng hơn. Nhiều người bắt đầu mua tranh. Như năm vừa rồi là mình bán được 2 bức khổ lớn trong loạt Phố nhớ và kha khá nhiều tranh khổ vừa...”.
Giữa tháng 12.2019, các họa sĩ Bình Định ngồi lại với nhau như thông lệ thường niên. Tôi như hăm hở vui lây khi tinh thần đoàn kết của mỹ thuật Bình Định lần nữa được hâm nóng khi nhiều họa sĩ chốt hạ sẽ tổ chức một cuộc triển lãm nhóm các tác giả trong năm 2020. Ở đó, công chúng yêu mỹ thuật sẽ được thưởng lãm các tác phẩm tâm đắc của các họa sĩ, nhà điêu khắc. Ở đó, sự kết nối của các họa sĩ trong tỉnh được thắt chặt ấm nồng...     
VÂN PHI


Văn Trọng Hùng & miệt mài trầm tích...


Nhà thơ, kịch tác gia Văn Trọng Hùng.
Sinh thời, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn có viết tặng nhà thơ, kịch tác gia Văn Trọng Hùng câu đối: “Hảo dã Văn Trọng Hùng, muộn nhi thi, nộ nhi kịch/Truy tùy cổ nhân chí, tiến tận chức, thoái tận tâm” (tạm dịch: Khá lắm, Văn Trọng Hùng! Buồn thì làm thơ, giận thì viết kịch/Noi theo cái chí của người xưa, tiến thì làm trọn chức trách, về thì giữ vẹn chữ tâm”. Ðấy là lúc Văn Trọng Hùng còn đương chức, nay ông đã về hưu được mấy năm nhưng lời khen của Vũ tiên sinh nghe vẫn đúng.
Mới rồi, Văn Trọng Hùng cho ra mắt tập thơ Ngửa mặt hỏi trăm năm (NXB Hội nhà văn, 2019). Cả kịch và thơ, Văn Trọng Hùng đều tạo được những dấu ấn riêng, nhưng tôi, tôi tìm thấy ở thơ ông rất nhiều đồng cảm.
Văn Trọng Hùng viết đều và miệt mài nhưng năm, bảy năm, có khi tròm trèm chục năm, ông mới tuyển in. Như một sự trầm tích những tháng năm sống với bao lằng lặng cảm xúc. Những Bóng trúc (2001), Đối ảnh (2006), Hầu chuyện tiền nhân (2012) làm đầy đặn thêm gia tài thơ của ông. Và giờ đây, là Ngửa mặt hỏi trăm năm (2019). Vẫn nét kiêu bạc, cái tình ăm ắp đầy, nỗi trở trăn thế sự.
Bàng bạc trong Ngửa mặt hỏi trăm năm là rất nhiều những câu hỏi. Là băn khoăn với bao nỗi đời. Là tự vấn lòng mình. Là soi chiếu vào nhân tình thế thái, phản biện trong nhiều lĩnh vực xã hội, lịch sử. Có những câu hỏi ngắn - mảnh -
bén như xoáy, như len lỏi vào đến tận lõi của vấn đề. Dù là hỏi trăm năm trước hay muôn ngày sau, đâu mới là cái nét trượng phu, nhân nghĩa giữa những vai diễn trong tiểu thuyết võ hiệp, lẫn cuộc đời. Đâu mới là tình hữu hảo thực sự khi con người bị nhúng vào cái bẫy danh lợi phù hoa? Đâu mới thật là bằng hữu khi Hàn Tín thù tạc với Hạng Vũ? Biết cách đặt câu hỏi tức là đã khai mở cách tiếp cận câu trả lời. Và hỏi theo cách của Văn Trọng Hùng là ẩn chứa trong đó rất nhiều câu trả lời khiến người đọc có thể tự mình kiến giải: “Chỉ có điều nay hơi lạ/ đạo hay mệnh trời/ ông chẳng nói một lời/ và bỗng mất võ công trước những Nhạc Bất Quần hữu hảo?” (Hỏi Kim Dung). Hoặc “Ở Côn Sơn đêm ấy vẫn lặng yên/ Nguyễn Trãi chong đèn đọc sách/Về khuya mưa như trút nước/Lê Lợi đến thăm/Nguyễn Trãi đã đi nằm” (Đêm ấy ở Côn Sơn). Nhiều bài thơ bật lên nét tài hoa bằng cái kết bất ngờ và giàu sự chiêm nghiệm. Có những câu thơ, tác giả đau đáu nỗi niềm quê hương: “thời gian sẽ mòn những vật chứng/ thời gian biển lại trong xanh/ Nhưng/ những vết nhơ của láng giềng hữu nghị kia/ thời gian/ xóa mãi/ không thành” (Thời gian).
.
Lạnh, rắn, đó là với kẻ xu nịnh quyền thế không lo vận nước, không đoái hoài con dân, chính nghĩa. Nhưng cũng có một Văn Trọng Hùng khác, ấm nồng những yêu thương trong những câu thơ về bằng hữu, về người thân và mênh mang những tình thi vừa kín đáo vừa dào dạt niềm yêu. Ví như, với đấng sinh thành, có những bùi ngùi của một hài nhi tóc bạc trong niềm ngoái vọng: “Tóc con giờ đã sương pha/ Hư danh một bóng mây qua giữa trời/ Ước gì còn mẹ mẹ ơi/ Con xin che hết khoảng trời nắng mưa” (Mẹ).
Trong thơ, bóng dáng các nhân vật từng xuất hiện trong kịch Văn Trọng Hùng cũng hiện hữu dưới sự soi chiếu của ngôn ngữ thơ. Trong thơ có kịch, trong kịch có thơ. Là ông tự nhận vậy. Nhưng ông rành rõ phân định giữa thơ và kịch. Có lần ông chia sẻ, viết kịch cần một trường lực bền bỉ hơn thơ. Nhưng nói vậy, không có nghĩa là làm thơ dễ dàng. Nếu như nó không làm mình thực sự rung cảm. Ông xem tứ thơ là căn cốt của một bài thơ. Cũng như ông xem yếu tố lịch sử là cái “đinh” để treo lên đó những ý tưởng sáng tạo khi viết kịch lịch sử. Nhưng rõ ràng, giữa thơ và kịch, có một sự đan cài nhất định, bổ trợ nhau. Trong bài Gặp Võ Tánh ở thành Hoàng Đế rút từ tập Hầu chuyện tiền nhân, ông viết: “Một đời ta vì trăm họ, giang san/ Dẫu khác chúa nhưng không khác lòng yêu dân yêu nước/ Mà thôi, trải năm tháng những gì mất, được/ Mặc đời sau, công tội luận bàn/ Ngươi nhìn kìa, Trần Quang Diệu đang sang/ Rượu đã sẵn. Và... trăng đã đến”. Có lẽ, đó là “tiền đề” để làm nên một Khúc ca bi tráng, lừng lững trên sân khấu truyền thống chuyên nghiệp.
Tiếp cận thơ Văn Trọng Hùng, dễ thấy nét thơ phóng khoáng, hào sảng với thế mạnh về sự chiêm nghiệm, phản biện tạo nên nét cuốn hút riêng khiến người đọc cảm mến. Tôi tìm thấy trong thơ ông một điểm khác, ấy là bóng dáng của một thi nhân nhuốm đầy nỗi cô đơn. Dường như, càng dày những suy nghiệm, thi nhân ấy càng mênh mang trống trải: “Ngửa mặt hỏi trăm năm/ Trăm năm cười lành lạnh/ Trắng đen  chừng ảo ảnh/ Ta. Có phải ta” (Bỏ rượu).
VÂN PHI


Nhạc sĩ Đào Minh Tâm: Thiết tha giai điệu trái tim

Về hưu đã 4 năm nay, nhưng nhạc sĩ Ðào Minh Tâm vẫn bận rộn với công việc sáng tác, dàn dựng mà các cơ quan, đơn vị “đặt hàng”. Và nhiều khi, cũng chính anh tự “đặt hàng” cho mình rồi ký thác trên những khuôn nhạc dòng cảm xúc, nỗi trăn trở, tiếng lòng đầy tha thiết của mình với quê hương, cuộc sống.
Nhạc sĩ Đào Minh Tâm thuộc thế hệ những nghệ sĩ hoạt động sôi nổi sau năm 1975, sớm định hình phong cách, khẳng định tài năng của mình trong âm nhạc. Năm 1977, anh tham gia vào Đoàn ca múa nhân dân Nghĩa Bình (sau đổi tên thành Đoàn ca múa nhạc Chim Yến), là đoàn nghệ thuật có tiếng của khu vực miền Trung bấy giờ. Đào Minh Tâm tuy không được đào tạo trong môi trường nghệ thuật chính quy nào nhưng anh là cây guitar bass vững vàng của Đoàn. Có lẽ nhờ chuyên cần, ham học hỏi nên năng khiếu bẩm sinh, cái duyên sân khấu đã giúp anh không chỉ thành công trong âm nhạc mà còn lấn sang cả lĩnh vực sân khấu.
Nhạc sĩ Đào Minh Tâm (bìa phải) khi còn là thành viên của Đoàn ca múa nhạc Chim Yến.
Cùng tham gia vào Đoàn ca múa nhạc Chim Yến một thời với Đào Minh Tâm, nghệ sĩ Hoàng Việt kể: “Anh Tâm là người bình dị, miệt mài sáng tạo, được anh em nghệ sĩ rất quý mến. Anh là một nghệ sĩ đi lên và tự khẳng định bằng tài năng thật sự của chính bản thân. Nhạc sĩ Đào Minh Tâm khá đa tài, anh chơi nhạc, sáng tác ca khúc, có năng khiếu diễn xuất, viết được kịch bản và làm đạo diễn nhiều chương trình”.
Thành công ở nhiều lĩnh vực, nhưng với âm nhạc, Đào Minh Tâm mới là chính mình. Ở nơi đó, người ta thấy sự thăng hoa, sáng tạo và tâm huyết của anh một cách rõ rệt. “Anh khá thành công với các sáng tác sử dụng các chất liệu âm nhạc hát bội và dân ca, bài chòi. Trong đó có 2 ca khúc sử dụng chất liệu này khá tốt như Hát bội đêm xuân  Con gái xứ Nẫu”, nhạc sĩ Hữu Thuần chia sẻ. Hai ca khúc mà nhạc sĩ Hữu Thuần nhắc đến, đã được khẳng định khi đạt giải cao trong các kỳ Liên hoan âm nhạc toàn quốc: Hát bội đêm xuân đoạt giải xuất sắc năm 2011 và Con gái xứ Nẫu đoạt giải B năm 2017.
Bên cạnh đó, Đào Minh Tâm còn khá thành công trong lĩnh vực sáng tác các tác phẩm âm nhạc múa dân gian đương đại. Những tác phẩm ấy phần nhiều viết về Bình Định với tất cả những yêu thương nồng đượm, tiêu biểu như: Lung linh một cõi trời văn, Ngọt tình chợ nón Gò Găng, Hương dừa… Chất liệu âm nhạc của nhạc sĩ Đào Minh Tâm là yếu tố quan trọng giúp các biên đạo múa dàn dựng, phối kết âm nhạc và nghệ thuật tạo hình, tạo nên nhiều xúc cảm thăng hoa, để lại dấu ấn đậm nét trong nhiều cuộc thi, hội diễn. Điển hình như tiết mục nhạc múa Hương dừa đã được biên đạo múa Châu My dàn dựng đoạt HCV Liên hoan múa không chuyên toàn quc năm 2013.
Bìa sách Tình khúc 18 của nhạc sĩ Đào Minh Tâm.
Thưởng thức những tác phẩm âm nhạc múa của Đào Minh Tâm, ta như được nghe kể những câu chuyện về đất, về người quê hương. Có lần anh tâm sự: “Địa phương nào cũng có những nét văn hóa độc đáo riêng. Cho nên nếu nói tự hào về văn hóa Bình Định, nói muốn gìn giữ và giới thiệu được cái nét độc đáo của quê hương mình thì trước tiên phải xác định được nét đặc trưng của Bình Định là gì, rồi mới đến những bước tiếp theo. Tôi luôn nghĩ vậy và luôn học hỏi không ngừng, càng học hỏi sáng tác lại càng thu nạp thêm nhiều niềm vui bất ngờ, thú vị lắm!”.
 
Ðào Minh Tâm (SN 1955, ở Tuy Phước), là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội VHNT tỉnh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại Bình Ðịnh. Năm 2003, Ðào Minh Tâm được kết nạp vào cả hai Hội chuyên ngành Trung ương: Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Đào Minh Tâm sáng tác khá nhiều ca khúc, nhưng sau hơn 40 năm gắn bó, anh chỉ lưu giữ lại non trăm. Với mỗi tác phẩm được viết ra, anh luôn tự hỏi rằng mình đã cố gắng hết sức chưa, mình có thể làm tốt hơn không? Dạo gần đây, anh viết nhiều và đều. Lần tìm trong ký ức, Đào Minh Tâm muốn dựng lại thời gian, không gian đã trôi vào quá vãng trên những khuôn nhạc. Mới vừa rồi, anh cho ra mắt ấn bản Tình khúc 18 (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2019). Tuyển nhạc này gồm 30 ca khúc được nhạc sĩ sáng tác cả nhạc và lời trong năm 2018. Tập nhạc tạo được ấn tượng bởi ngoài những giai khúc tha thiết trữ tình còn có những ca từ sáng, giàu chất thơ. Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận xét: “30 tình khúc với nhiều cung bậc tình yêu say đắm, lãng mạn, giàu chất âm nhạc về một thời hoài niệm, nhưng nó vẫn tỏa sáng riêng biệt, không trộn lẫn, hòa tan với dòng nhạc xưa, bất hủ đã tồn tại gần thế kỷ qua của các nhạc sĩ bậc tiền bối tài hoa. Trong thế giới của Tình khúc 18, dường như nhịp điệu, tiết tấu, giai điệu cùng với ca từ đầy chất thi vị… đã quyện vào nhau một cách nhuần nhuyễn như tự bản thân nó, quy luật của trái tim đang nồng cháy yêu thương tuôn ra vậy”.
Hơn nửa đời gắn bó với nghệ thuật, vẫn từng ngày miệt mài sáng tạo, chất nghệ sĩ trong nhạc sĩ Đào Minh Tâm ngày càng được đắp bồi. Tôi lặng yên chia sẻ khi lắng nghe anh tâm sự da diết: “Trả lại tôi dòng sông tuổi thơ/ Lang thang câu hò khua mái chèo thưa/ Thương con sông dập dềnh mùa lũ/ Chở nặng phù sa bên lở bên bồi” (Trả lại tôi dòng sông tuổi thơ).
VÂN PHI

Phạm Ánh - Người giữ nếp đất, hồn làng

Phạm Ánh sống bình dị, viết lặng lẽ. Cả những người lần đầu gặp anh cũng nhận ra ngay nét chân quê, dung dị thuần nguyên dù anh về phố đã mấy chục năm. Cái nét ấy khúc xạ vào cả trong thơ của anh.
Cách đây gần 50 năm, chính xác là năm 1971, lúc 6 tuổi, Phạm Ánh bị trúng pháo mất đi chân trái ngay tại quê nhà - xã Cát Hanh, huyện Phù Cát. Chiến tranh, đã thành nỗi ám ảnh, rắc gieo bao đau thương nơi đồng quê Cát Hanh của Phạm Ánh theo năm tháng thiếu thời. Để rồi sau này, tuổi thơ khốc liệt kia được anh viết lại: “Chiếc nôi của tôi là một chiếc hầm/ Khúc à ơi lẫn vào tiếng súng/ Bên miệng hầm tôi đi chập chững/ Ngày nối ngày dần trôi”(Ký ức tuổi thơ). Anh da diết nhớ về dòng sông gắn chặt với tuổi thơ mình, dòng La Tinh; nhớ về bản quán ngay cả khi đang ở giữa quê nhà. Nét quê vì thế chảy vào thơ anh thuần hậu, chân thành: “Em về Phù Cát quê tôi/ Giếng trong tận đáy nói lời của sông/ La Tinh như một tấm lòng/ Chốn quê lặng lẽ xanh trong nỗi niềm”(Bên dòng La Tinh); và đôi khi nghe đến trĩu lòng: “Cát nặng tình người dưới biển trên non/ Như khúc ca dao tạc hình dáng mẹ/ Lấp lánh xa xôi nghĩa tình lặng lẽ/ Thắp sáng lòng người một ánh sao quê”(Phù Cát quê tôi).
Nhà thơ Phạm Ánh sinh năm 1965, quê ở xã Cát Hanh, huyện Phù Cát.
Cuối năm 2018, Phạm Ánh là một trong số 35 tác giả được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Có lẽ do nhạy cảm lại cần cù chắt lọc nên khi “va” vào tứ thơ, tâm hồn Phạm Ánh khẽ khàng ngân lên thành chữ thành câu. Từ tập thơ Lối cũ anh in năm 2004 rồi sau đó là tập Hạt phù sa, năm 2009 cho đến những sáng tác gần đây in rải rác trên báo Văn nghệ, tạp chí sông Hương, Báo Bình Định… tình quê trong anh cứ đượm nồng với phên dậu, bờ tre, với đồng làng, dòng sông ký ức, với dáng mẹ thân thương...
Phạm Ánh cười hiền chậm rãi nhắc nhớ những ngày bắt đầu bén duyên với thơ. Năm 1987, khi trở thành sinh viên Đại học Đà Lạt, anh bắt đầu sáng tác và có thơ đăng trên Văn nghệ Lâm Đồng. “Ở đó, tôi gặp những người thầy đáng kính. Một trong số những thầy nhen nhóm tình yêu thơ, chia sẻ cảm xúc với tôi là thầy Phạm Quốc Ca”- anh chia sẻ.
Năm 1993, Phạm Ánh đạt giải ba (không có nhất, nhì) trong cuộc thi thơ do Hội VHNT Bình Định tổ chức với bài thơ Chiều xóm vắng. Anh bảo rằng “dân gốc rạ ngại người đời son phấn” nên cứ man mác lòng mình, trú gửi trong hoài niệm, trong câu ca dao của miền quê yêu dấu: “Buồn thui thủi trong dòng đời xuôi ngược/ Tuổi đôi mươi qua mất tự khi nào/ Chỉ còn lại những tháng ngày lặng lẽ/ Mình ru mình bằng những khúc ca dao”(Chiều xóm vắng).
 Nhà thơ Phạm Ánh với bạn bè văn nghệ sĩ.
Năm 2000, anh rời quê vào làm việc ở Quy Nhơn, tại Trung tâm dạy nghề người khuyết tật Nguyễn Nga. Tại đây, anh tìm thấy người bạn đời hiền dịu chung cảnh tật nguyền. 39 tuổi, anh lập gia đình và thơ của chàng nông dân thi sĩ ngân vang trong trẻo, tinh khôi: “Dáng em dáng lúa dịu dàng/ Long lanh đôi mắt giếng làng trong veo”(Chiều mưa) hoặc “Muộn màng cha mới có con/ Cội già mong đợi chồi non thắm cành”(Chồi non- Cho con gái Phạm Ánh Nguyệt).
Năm 2005, Phạm Ánh chuyển sang làm việc tại Hội VHNT Bình Định cho đến giờ.Ngần ấy năm ở nhưng anh cứ như là khách trọ thị thành. Mà có khi là trọ thật bởi chỗ anh gọi là nhà chỉ vỏn vẹn…12 mét vuông. “Xe của bà xã mình phải để ngoài ngõ, vì trong nhà không có chỗ”, anh chia sẻ. Phạm Ánh chân thật rằng, nhiều khi rất ngại khi bạn đến thăm nhà. Vì cái không gian chật chội bé như lỗ mũi ấy thiếu vắng chỗ ngồi. Tôi nghĩ, nếu không có tiếng cười nói ê a của cô con gái nhỏ, nếu không có những ngày gian bếp tí hon đỏ lửa từ bàn tay của người vợ hiền từ, và nếu không vin vào ấy cùng với thơ, có lẽ Phạm Ánh sẽ chông chênh, lạc lõng biết dường nào.“Lần qua phố xá thị thành/ Thêm thương vách đất mái tranh dưa cà/ Đôi khi đợi một tiếng gà/ Một mình thổn thức xưa xa nỗi niềm// Lối mòn lấm tấm chân chim/ Rạ rơm chưa cạn ưu phiền gió giông/ Khi xa là lúc rất gần/ Tôi mang dáng dấp nông dân bao đời”(Nỗi lòng).
Nếu diễn đạt khác về Phạm Ánh thật ngắn, thật súc tích mà không như ở trên, tôi sẽ chọn hai chữ “Thật Thà”. Đó là nét khắc đã ăn sâu vào máu thịt, neo riết vào từng ngóc ngách tâm hồn anh. Với Phạm Ánh, nếp đất hồn làng đã chảy sâu vào tâm thức, dù anh có đứng ở đâu, ở nơi nào thì cái chất ấy vẫn cứ dịu dàng, lặng lẽ sáng.
VÂN PHI

Những vườn mai trên mái phố...

Phố! Những dãy nhà ken kín. Mái phố lêu nghêu điệp trùng bê tông, tường gạch. Nhưng lọt thỏm đâu đó giữa lòng phố Quy Nhơn, trên những sân thượng nhà tầng, là các khu vườn nhỏ nhỏ xinh xinh. Ðặc biệt hơn, không ít trong số họ sở hữu những vườn mai vàng bonsai khiến người xem phải tấm tắc.
Những ngày cận Tết, tham quan vườn mai của họ, nhìn những búp xanh mướt mát trổ, lại thấy nao nức mong ngóng ngày con én đưa thoi… Ở phố mà, tấc đất tấc vàng, nên với hầu hết những người trót hâm mộ cây hoa này, việc đưa vườn cây cảnh bonsai lên tầng thượng là giải pháp tối ưu.
* * *
Ghé thăm vườn mai của ông Trần Minh Xuyến (đường Cần Vương, TP Quy Nhơn), tôi không khỏi ngạc nhiên bởi khu vườn hơn 30 chậu mai bonsai đang trổ búp xanh tơ trên tầng 3 của ông. Về hưu hơn 4 năm nay, dường như phần lớn thời gian của ông dành cho vườn mai này. Túc tắc chăm dưỡng mỗi ngày, niềm vui nhen lên theo từng nhánh mai trổ nụ…
Về hưu hơn 4 năm nay, phần lớn thời gian của ông Trần Minh Xuyến dành cho vườn mai này.
Vài năm trước, tầm cuối Chạp đầu Giêng ông lại đi khắp các làng mai, vườn mai tìm mua những gốc mai vừa ý, tự tay mình vào chậu, tạo dáng. Đang trong những đoạn hồi tưởng hơn 30 năm gắn bó với mai, ông chợt ngưng chuyện, chỉ một gốc mai lớn trong vườn, kể: Cách đây không lâu, trong lúc xê dịch chậu, tôi vô tình làm gãy mất một cành. Tôi đã cứu chữa cành mai ấy nhưng không sao lành lặn được. Có chơi bonsai mới chia sẻ được nỗi xót xa ấy.
Ông Xuyến cho biết, chăm mai trên tầng thượng cũng không khác như dưỡng mai ở dưới đất là mấy. Có điều, phải dày công hơn một chút, đặc biệt là để ý việc cung cấp nước cho mai. “Nhất là mùa gió nam hanh hao, mai ở trên tầng thượng tiếp xúc với nắng gió nhiều hơn nên dễ bị mất nước, khô lá, nếu không để ý thì dễ hỏng cây lắm”, ông Xuyến chia sẻ.
Có những người chơi mai và đến mùa Tết lại sang nhượng bớt để lấy chỗ tuyển “tân binh”. Nhưng cũng có người gần như không nghĩ đến chuyện bán buôn những cây mai của mình. Anh Trần Minh Hải (giới chơi mai quen gọi anh là Hiếu Veston, nhà ở đường Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn) là một ví dụ.
Anh Hiếu Veston (bìa trái) đang giới thiệu một cây mai quý với “bạn mai”.
Tại vườn mai của anh Hiếu Veston, những chậu mai đã sớm hé những bông đầu mùa. Hôm tôi đến thăm vườn mai trên sân thượng nhà, anh và một người bạn mai đang “tán” rất xôm về mai. Người khách trung niên cứ tấm tắc mãi về những gốc mai lâu năm với dáng thế độc đáo và những nụ mai đã bung ra bụ bẫm, căng đầy nhựa sống.
Anh Hiếu kể, có một gốc mai đã có người mua và gởi lại nhờ anh chăm vài tháng. Nhưng rủi thay, do anh sơ sẩy, gốc mai bị rộp một phần. Anh bèn đề nghị hoàn lại tiền và nhất định mời cho được người mua đến xem lại, nhằm tránh tiếng bán cho ai khác được giá hơn nên kiếm cớ…
Chuyện cây hoa cũng như chuyện đời, không chu đáo, cẩn thận thật khó mà theo đuổi. Dù chăm mai cả năm chỉ chơi được mấy bữa, nhưng với những người đã hâm mộ mai, họ chơi và vui quanh năm theo nhịp sinh trưởng của cây hoa, chứ không phải đợi đến lúc trổ hoa.
Ông Huỳnh Đông Dương (bìa trái) đang giới thiệu một gốc mai lâu năm với khách.
Vườn mai trên sân thượng của ông Huỳnh Đông Dương (đường Mai Xuân Thưởng), thuộc hạng khủng ở TP Quy Nhơn. Ở đó có hơn 40 chậu mai mà cây ít tuổi nhất cũng đã hơn 20 năm. Ông Dương là một tay chơi công phu, ngay trong giới chơi mai cũng không mấy người làm theo kiểu ông. Những cội lão mai của ông đều có tên riêng như: Thanh kỳ cổ mai, Kim sư huỳnh mai, Giáng long…, và mỗi cây lại có một “hồ sơ thành tích” riêng. Ông Dương say sưa nói về mai với tất cả niềm trân trọng, kể từ lúc hâm mộ bonsai, bắt tay vào với thú vui này, ông Dương chỉ chơi mai và đến giờ vẫn vậy.
Vườn mai của ông Huỳnh Đông Dương, vào tháng Chạp búp búp đã vun tròn như cựa mình trong nắng sớm, làm bừng thức cả một không gian. Hơn nửa đời người gắn bó với mai, nhưng ông vẫn khiêm nhường rằng chưa dám nói là hiểu hết về cây mai. Càng chơi mai lại càng thấy bể học riêng về mai không thôi đã mênh mông, bát ngát.
* * *
Nếu thả flycam những ngày này trên các làng hoa, vùng hoa Bình Định, sẽ thấy rực đều sắc vàng. Có thể là mai là cúc là hướng dương. Nhưng ở Quy Nhơn, nếu thấy lốm đốm điểm xuyết vàng thì nhất định là mai - những vườn mai trên tầng cao mái phố. Có lẽ chính nơi ấy, là chốn cánh én mùa xuân gõ cửa sớm hơn cả, thầm thì gọi xuân về…                    
VÂN PHI
Bài đã đăng BBĐ: 
http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=117457

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

Cảm xúc cũng là một câu chuyện…


Nguyễn Ðặng Thùy Trang, SN 1993. Quê gốc ở xã Cát Hanh, Phù Cát. Hiện đang sống và làm việc tại TP Quy Nhơn.
Nguyễn Ðặng Thùy Trang là một người viết trẻ phát triển đều đặn cả thơ và văn xuôi, được đánh giá giàu tiềm năng. Mới đây cô được NXB Văn hóa Văn nghệ TP HCM đầu tư in một tập truyện ngắn. Trong 5 năm gần đây, cô là tác giả trẻ đầu tiên ở Bình Ðịnh làm được điều này.
Trang tập viết văn và truyện ngắn được in báo, tạp chí khá sớm, ngay từ khi còn học ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Ngay từ những truyện còn non nớt, tác phẩm của Trang đã khiến người đọc chú ý đến cô bởi những nét riêng. Trang thổ lộ: “Với tôi, cảm xúc cũng là một câu chuyện. Cảm xúc thường rất khó nắm bắt, nếu giữ lại được nó cũng là một ý hay. Tôi nghĩ mình có ảnh hưởng từ các nhà văn Nhật và một tác giả mà tôi rất yêu mến, hâm mộ, người truyền lửa cho tôi - nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ”.
Nguyễn Đặng Thùy Trang thường xuyên nắm bắt được cảm xúc của mình và trải ra trên những trang viết. Có một số cây bút trẻ sau khi lập gia đình, chẳng mấy mặn mà chuyện văn chương chữ nghĩa nữa, bởi những vướng bận áo cơm, chuyện gia đình. Nhưng với Trang, lại khác. Lập gia đình, nhất là khoảng thời gian có em bé, Trang viết khỏe và chắc hơn trước. “Đây là khoảng thời gian đặc biệt. Vì nhiều sự thay đổi trong cuộc sống nên tôi có những cảm nhận mới hơn và khác hơn trước đây. Tôi viết như một sự giãi bày với con chữ!”.
Trang vồn vã chia vui với tôi khi cô được NXB Văn hóa Văn nghệ TP HCM đầu tư in một tập truyện. Tác phẩm có tên hết sức gọn và gợi: Bay... Và, 20 truyện trong tập sách cũng sở hữu cái tựa cũng ngắn, gọn như vậy: Camera, Nến, Nguyệt, Nứt, Gương, Hẻm, Cái ôm, Cúc dại… Trang chia sẻ: “Bay là tập truyện ngắn đầu tay của tôi viết về những bạn trẻ và suy nghĩ của họ, cuộc sống của họ. Tập truyện ra đời là một niềm vui, may mắn đối với tôi. Khi làm bản thảo, tôi đã chờ đợi sự đồng ý của một nhà xuất bản nào đó. Và NXB Văn Hóa Văn Nghệ TP HCM đã hỗ trợ in 500 cuốn. Đây là một khích lệ rất lớn”.
.
Cùng với truyện ngắn, Trang còn thử sức mình ở thể loại thơ và tạo được nhiều hiệu ứng tích cực khi đăng tải trên nhiều tờ báo, tạp chí như Văn nghệ quân đội, Tạp chí Sông hương, Tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, báo Bình Định, báo Tiền Phong…  Trang nói, thơ là một mơ ước. Thơ của cô thường ngắn gọn, cô đọng, truyền tải được dòng cảm xúc, lấp lánh rất nhiều ý niệm và tôi có cảm giác dường như mỗi lần đọc lại, ta lại thấy hé ra một nét gì đó, một tông màu nào đó cứ bảng lảng quấn quýt. Tôi thấy thơ của Trang giàu sức gợi mở.
Từ khi làm mẹ, Trang viết đều, nhiều và đầy đặn. Tôi hỏi: “Chăm con, làm gia sư, lo việc nhà, vậy Trang dành thời gian nào cho chuyện sáng tác?”. Cô cười cười: “Tất nhiên, chăm con luôn đặt lên hàng đầu. Tôi viết vào những khoảng trống. Viết liền mạch thì viết trên máy tính, còn ý tưởng có thể soạn trên điện thoại. Mỗi ngày một ít. Và có một ngày để tôi tập hợp, chỉnh sửa, hoàn thiện tác phẩm”.
Các sáng tác của những người trẻ thường được cho là thiếu trải nghiệm sống. Trang nhìn nhận: “Đó là vấn đề chung, cũng là một mặt hạn chế của Trang. Nhưng mỗi người viết sẽ luôn tìm ra một ý tưởng cho tác phẩm của mình sao cho luôn mới với bạn đọc. Như tôi đã kể, nay cảm xúc của tôi - với vốn sống nhiều hơn, đứng ở nhiều vai hơn - nhờ vậy cũng dồi dào hơn. Và việc thường xuyên viết trở thành một nhu cầu, là một cách để tôi hoàn thiện tác phẩm mình chẳng hạn”. 
VÂN PHI

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2020

Rộn vang sắc màu và nhịp điệu núi rừng

Vĩnh Thạnh là một trong các địa phương bảo tồn văn hóa dân gian khá tốt. Mỗi lần về Vĩnh Thạnh, sắc màu thổ cẩm, giai điệu cồng chiêng và những vòng xoang Bana Kriêm cứ quyến luyến du khách, như muốn níu chân người ở lại...
Biểu diễn cồng chiêng tại làng Đăk Tra, xã Vĩnh Kim.
Tôi còn nhớ ngày lên Kon Trú, xã Vĩnh Kim, năm 2018, các nghệ nhân Yang Danh, Đinh Chương, Đinh Y Băng cùng nghệ nhân trong làng ngồi lại, nói chuyện về văn hóa Bana. Họ nói say sưa, cho đến khi những nghệ nhân trẻ mang bộ cồng chiêng vào nhà rông, cất lên những âm vang núi rừng cùng những bước chân nhịp nhàng vòng xoang của những thiếu nữ Bana dịu dàng trong nếp áo truyền thống, khiến người xem không rời mắt. Khi đêm xuống, quanh ché rượu cần, bao chuyện đất chuyện làng, niềm trăn trở về văn hóa bản xứ được các nghệ nhân trải lòng. Ai nấy đều như chung niềm tâm sự, phải giữ, giữ tiếng chiêng, giữ điệu xoan, giữ hơ mon, giữ văn hóa truyền thống dân tộc mình...
 
Chiều 3.8, tại xã Vĩnh Sơn diễn ra Ngày hội văn hóa cồng chiêng xã Vĩnh Sơn lần thứ I, năm 2019. Tham gia Ngày hội có: Ðội cồng chiêng của 6 thôn thuộc xã Vĩnh Sơn; Công đoàn xã Vĩnh Sơn; đội cồng chiêng xã Vĩnh Kim. Ngày hội là dịp giao lưu của các đội cồng chiêng của xã, kích thích phong trào luyện tập, trao truyền văn hóa cồng chiêng.
THẢO KHUY
Cuối tháng 7 vừa rồi, ở làng Đăk Tra, xã Vĩnh Kim, tôi thực sự ấn tượng với đêm giao lưu văn nghệ giữa Đoàn Trại sáng tác VHNT trẻ Bình Định với đồng bào. Dân làng Đăk Tra đã trình tấu nhiều tiết mục văn nghệ dân gian Bana Kriêm: Trình diễn cồng chiêng, chơi đàn preng, blơng khơng, hát dân ca và những tiết mục múa dân gian hết sức đáng yêu của những đứa trẻ Bana.
Chị Đinh Thị Nhiên trong đội văn nghệ làng Đăk Tra tâm sự: “Chúng tôi mỗi khi lên rẫy về hay tập trung lại nhà rông làng để luyện tập. Một bài múa, trình tấu cồng chiêng không có nhiều động tác, nhưng cần phải đều, nhịp nhàng, ăn khớp giữa âm thanh cồng chiêng và điệu múa. Mỗi lần lễ hội, giao lưu văn nghệ, mừng lúa mới, người làng lại tụ hội về nhà rông biểu diễn, ca hát, vít rượu cần. Vui lắm. Sinh hoạt văn hóa cộng đồng này gắn kết mọi người lại gần nhau hơn”.
Mới vừa rồi, nghe bạn tôi, anh Bùi Ngọc Thanh (ở làng K2, Vĩnh Sơn), phấn khởi: “Nhiều ngày nay các làng ở Vĩnh Sơn rộn rịp lắm. Đêm xuống, sau ngày lên rẫy, bà con lại xúm tụm luyện tập cồng chiêng, sao cho đánh hay, múa đẹp để chuẩn bị cho hội thi trình tấu cồng chiêng giữa các làng của xã Vĩnh Sơn”. Nghe Thanh kể, xem video Thanh ghi lại cảnh luyện tập của bà con, tôi lại muốn dời chân trở lại Vĩnh Thạnh, tìm lên Vĩnh Sơn.
Những năm gần đây, nhiều hoạt động phong trào nhằm lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa dân gian diễn ra đều khắp, thường xuyên ở các xã huyện Vĩnh Thạnh. Đặc biệt từ khi được tỉnh tặng cồng chiêng, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dường như cuồn cuộn những dòng sinh lực mới. Anh Minh Khư, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim chia sẻ, địa phương hay tổ chức các hoạt động gìn giữ nét đẹp văn hóa cổ truyền và nhận được sự đồng tình ủng hộ của bà con. Bà con chí thú làm ăn nhưng không quên làm phong phú tinh thần mình bằng tiếng hát, lời ca, bằng những điệu múa dân gian và những bài cồng chiêng cha ông để lại. Xã cũng đang lập kế hoạch để trình lên UBND huyện xin tổ chức thi diễn tấu cồng chiêng và các môn thể thao truyền thống và văn nghệ trong thời gian sắp đến.
“Thi diễn tấu cồng chiêng” là cụm từ tôi được nghe nhiều nhất trong những lần đến Vĩnh Thạnh trong quãng gần 2 năm gần đây. Đem điều này ra trao đổi với ông Đinh Y Oai, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Vĩnh Thạnh, thì ông Oai sôi nổi hẳn lên: Từ khi có sự quan tâm của tỉnh, đặc biệt là năm 2018, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức trao 31 bộ cồng chiêng cho các làng ở huyện Vĩnh Thạnh, điều đó như tiếp lửa gìn giữ bảo tồn văn hóa bản địa. Bà con ở làng hết sức phấn khởi. Hiện tại, mỗi làng đều có một CLB cồng chiêng tập hợp các thế hệ già trẻ có sự say mê và khiếu biểu diễn. Mỗi CLB có hơn 25 người. Trong đó có ít nhất 15 nam và 10 nữ. Huyện Vĩnh Thạnh vốn đã tổ chức và duy trì được lễ hội cồng chiêng thường niên, cố gắng gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, nay khi các làng cũng tha thiết tổ chức ngày hội của riêng mình, thật không gì sung sướng bằng!
Những năm gần đây Vĩnh Thạnh nhận được sự quan tâm rất lớn của các cấp, các ngành, đơn vị trong vấn đề bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Nhưng vẫn có những địa phương tuy cũng nhận được sự hỗ trợ tương tự nhưng phản hồi sau đó lại không được như Vĩnh Thạnh. Cái khác của Vĩnh Thạnh là việc xây dựng phong trào văn hóa cơ sở được thực hiện đồng bộ; vai trò của các nghệ nhân, những hạt nhân giàu uy tín, nhiệt huyết được phát huy đến tối đa. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh chia sẻ: “Họ là lực lượng nòng cốt trình diễn, truyền dạy cho các lớp trẻ. Trong các cuộc thi, lễ hội văn hóa gần đây của Vĩnh Thạnh, các tiết mục diễn tấu cồng chiêng bài bản hơn. Các làng có sự chuẩn bị chu đáo về trang phục, thể hiện rõ bản sắc truyền thống người Bana. Các hoạt động thu hút nhiều bà con tham gia, trong đó có khá nhiều thanh niên. Đây thực sự là tín hiệu vui trong việc trao truyền, gìn giữ văn hóa truyền thống”.
VÂN PHI

Tạo cái đẹp từ... phế liệu

Tôi tiếp xúc với tác phẩm của Giang Minh Hoàng trước khi quen biết anh, và ấn tượng không chỉ bởi chất liệu mà bởi cả những ý tưởng của anh qua tác phẩm.
Giang Minh Hoàng sáng tác từ rất sớm. Ngay năm 1997, anh đã thực hiện tượng danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Hoài Ân. Sau khi tốt nghiệp đại học mỹ thuật chuyên ngành điêu khắc, anh tiếp tục tu nghiệp thạc sĩ nghệ thuật thị giác tại Thái Lan. Vững vàng trong chuyên môn, anh từng được mời vào Hội đồng xét duyệt tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành (đặt tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn).
Nghệ sĩ điêu khắc Giang Minh Hoàng sinh năm 1977, quê ở xã Ân Ðức, huyện Hoài Ân; là thạc sĩ nghệ thuật thị giác, ÐH Mahasarakham (Thái Lan). Anh hiện là giảng viên khoa Mỹ Thuật, Trường Trung cấp VHNT Bình Ðịnh; hội viên Hội VHNT Bình Ðịnh, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Tác phẩm của nghệ sĩ thường là một trải nghiệm, sự rung động, một điểm nhìn trong tương tác với hiện thực, từ đó mở ra những chiều kích cảm xúc cho công chúng. Mỗi người thường có thế mạnh trên một vài chất liệu và với ngôn ngữ biểu đạt của riêng mình, họ tạo nên tác phẩm. Có cơ hội ngắm các tác phẩm điêu khắc của Giang Minh Hoàng, người xem dễ bật lên niềm cộng hưởng.
Trong Triển lãm Mỹ thuật khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2017, tác phẩm “Chiếc hộp ước mơ” của Giang Minh Hoàng với chất liệu giấy được anh xếp từ những hộp nhỏ và tỉ mỉ đính kết chúng lại với nhau để truyền tải câu chuyện về niềm mong ước đoàn viên, hạnh phúc gia đình. Gần đây nhất, với chất liệu nhựa, cũng lấy cảm hứng từ nghệ thuật dân gian, anh tạo nên tác phẩm điêu khắc “Cung đàn xưa”, tạo dáng người phụ nữ đang chơi đàn bầu, để lại nhiều suy tưởng về ý niệm thời gian và những giá trị văn hóa truyền thống. Đây cũng là tác phẩm được chọn tham dự Triển lãm khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên năm 2018 tại Phú Yên.
Tình yêu 2 (gỗ - nhựa phế liệu), tác phẩm dự Triển lãm 10 năm điêu khắc mỹ thuật Việt Nam 2012.
Giang Minh Hoàng đã thể nghiệm sáng tạo trên nhiều chất liệu như đá, sắt, inox, nhưng từ khi theo học thạc sĩ nghệ thuật thị giác tại Thái Lan năm 2012 đến nay, anh chủ yếu chọn chất liệu nhựa, giấy, gỗ cho các sáng tác của mình. “Nhìn những vỏ chai, mảnh giấy người ta bỏ đi, mình không xem đó là rác, mà coi đó là chất liệu, tạo cho nó một hình hài, một vẻ đẹp khác”, nghệ sĩ điêu khắc Giang Minh Hoàng chia sẻ. Và anh nối tiếp vòng đời cho những vật tưởng chừng như bỏ đi ấy trong hình hài khác, trao gửi ở đó những suy tưởng khác.
Với chất liệu nhựa, xuất phát từ ý tưởng nỗi nhớ trong tình yêu, Giang Minh Hoàng tạo nên chuỗi ý tưởng concert với seri 36 tác phẩm. Trong đó, tác phẩm “Tình yêu 4” với việc tạo hình người nữ gối đầu vào người nam được giới chuyên môn đánh giá cao, nhận được giải Tài năng trẻ của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2013.
Ở Giang Minh Hoàng toát lên một niềm say mê, nghiêm túc với nghề. Dù bận rộn với cuộc mưu sinh, nhưng khi bật lên những ý tưởng mới, anh lại bắt tay vào thực hiện, để tiếng lòng của mình bừng thức trong từng chất liệu vô tri.
VÂN PHI

Một góc nhìn vào văn hóa Hrê...

Cuốn sách “Văn hóa cổ truyền của người Hrê ở huyện An Lão tỉnh Bình Định” (NXB Khoa học Xã hội, năm 2015; Nguyễn Xuân Nhân chủ biên, Đinh Văn Thành cộng tác) là một công trình nghiên cứu công phu về văn hóa của đồng bào Hrê. Sách được giới chuyên môn đánh giá cao, nhất là trong bối cảnh những giá trị văn hóa mang bản sắc riêng đang dần phai mòn theo thời gian.
Trong 36 thôn tập trung người Hrê sinh sống tại huyện miền núi An Lão, có 2 thôn người Hrê cộng cư với người Bana; 2 thôn Hrê cộng cư với người Kinh; 32 thôn còn lại cư trú tập trung, biệt lập. Việc khảo sát, nghiên cứu chủ yếu tập trung các làng trên Trường Lũy - nơi còn lưu giữ những nét văn hóa chưa bị lẫn tạp. Tại đó, như nhiều dân tộc khác, làng là đơn vị xã hội cao nhất của người Hrê, họ gọi làng là palài. Điều chú ý là với người Hrê, một thôn có thể có nhiều làng…
Lễ cúng bến nước là nghi lễ truyền thống của đồng bào Hrê. Lễ được tổ chức nhằm tạ ơn trời đất, các thần linh, tổ tiên ông bà phù hộ dân làng sau một năm vất vả ; cầu mong mọi người luôn sức khỏe, dân làng được bình an và mong cho nguồn nước luôn dồi dào để dân làng ăn uống, sinh hoạt không ốm đau, bệnh tật, cây trái mùa màng tươi tốt, súc vật lớn nhanh, bản làng trù phú.
- Trong ảnh: Thầy cúng dâng rượu cúng tại bến nước. Ảnh: VÕ CHÍ HÀ
Những thông tin quý
Cuốn sách là một công trình nghiên cứu văn hóa dân gian giá trị, giúp ta có cái nhìn sâu sát hơn về văn hóa cổ truyền của người Hrê tại An Lão. Từ đó, có thể thấy sự đồng điệu và dị biệt giữa văn hóa Hrê với các dân tộc khác và với ngay cả người Hrê đang sinh sống tại Quảng Ngãi.
Dày gần 400 trang, sách được phân thành 6 chương, nội dung rõ ràng, mạch lạc, chứa nhiều tư liệu bổ ích. Điều này cho thấy cách làm việc khoa học, công phu của các tác giả. Qua điền dã, khảo sát, tìm tòi, thu thập thông tin từ đồng bào Hrê, tác giả đã cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin mà không phải ai cũng thấu tỏ.
Điểm đáng lưu ý đầu tiên là thông tin, người Hrê là “người bản địa” chứ không phải phiêu bạt từ Malaysia đến: “Người Hrê có nguồn gốc từ người Indonésien cổ đại (còn gọi là người Mã Lai cổ), nói tiếng Môn - Khmer đã sinh sống ở miền núi phía Tây - Bắc Bình Định (An Lão) và miền núi phía Tây Quảng Ngãi từ thời cổ” (tr. 56).
Khác với nhiều dân tộc sinh sống ở khu vực miền núi khác, đồng bào Hrê biết làm lúa nước từ rất sớm. Người Hrê có câu ngạn ngữ: “Oitaleqi deac la oi chi e i ma ngai Hrê sình rìh”, nghĩa là “ở đâu có nước là ở đó có người Hrê sinh sống”. Trước đây, người Hrê ở An Lão chủ yếu làm lúa nước, song vì đất bằng hẹp nên họ “phải kết hợp làm ruộng nước với ruộng khô, làm rẫy, làm vườn, chăn nuôi và cả hình thái kinh tế săn bắt, hái lượm thời nguyên thủy để sinh sống” (tr. 101).
Bằng sự chịu khó, cần cù của mình, bao đời nay, đồng bào Hrê quý đất như vàng, chỉ cần có thửa đất bằng là họ sử dụng triệt để, vỡ đất làm ruộng.
 
Nét độc đáo trong nếp sống, sinh hoạt
Sách còn cho người đọc biết khá nhiều nét độc đáo trong nếp sống sinh hoạt của đồng bào Hrê. Điển hình như khi khảo tả về ngôi nhà sàn cổ truyền của người Hrê, tác giả viết rất chi tiết: “Nhà lợp tranh, vách tranh nẹp tre vót đẹp, hai chái để trống. Cửa chính trước mặt nhà hướng về phía đất cao, chếch về bên phải. Hai bức vách hai đầu ngăn cách giữa hai chái và phần trong nhà làm bằng gỗ, có hai cửa phụ hai đầu thông ra hai chái. Hai cửa phụ chỉ cao 1,50m, người ra vào cửa phải khom lưng, cúi đầu. Cứ mỗi bếp là có một cửa sổ hắt ánh sáng vào nhà. (…) Đầu hai nóc nhà làm hai sừng bằng cỏ tranh hay hai thanh tre kéo dài giao nhau thành hình chữ V chĩa lên trời, gọi là sừng nhà (haki, hki) biểu tượng cho sự bền vững, khỏe mạnh” (tr. 173 - 175).
Người Hrê giàu có về số lượng lễ tục. Trong số ấy, lễ cà răng là “lễ tiết hết sức quan trọng trong cuộc đời của người Hrê. Lễ tiết này được xem như là lễ thành đinh của nam và lễ trưởng thành của nữ Hrê” (tr. 222). Riêng về lễ hội lớn, người Hrê có lễ Tết, lễ cúng cơm mới (hội mùa) và lễ hội đâm trâu. Trong những ngày này, gái trai xúng xính xiêm y, ăn mừng ca hát dưới ánh lửa bập bùng bên triền núi, tiếng cồng chiêng, đàn sáo cất vang.
Đọc sách, ta biết thêm tục táng treo trong nghi thức tang ma của đồng bào Hrê. Thời xưa, quan tài (ranan) được làm bằng cây tpê đốt cháy bên trong cho rỗng ruột, đủ chứa thi hài người chết. Sau đó, họ treo quan tài trên những cây lớn trong rừng. Về sau, nguồn gỗ lớn cạn đi, tập tục cũng đổi khác: “Thi hài người chết được đặt trong quan tài bằng ván, quan tài được lồng hai đầu vào khung gỗ làm giá chôn chặt xuống đất. Dưới quan tài đào huyệt sâu, lâu ngày hỏng giá gỗ quan tài sụp xuống, thi hài người chết bị lấp dần theo mưa gió” (tr. 161).
ĐỨC LINH
(bút danh của Phuy, hihi)

ambum ảnh

ambum ảnh

Bài đăng phổ biến

Được tạo bởi Blogger.